11/01/2025

Hộ kinh doanh lo với ‘lệnh’ cấm vay vốn

Quy định từ 15.3.2017, hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác xã (gọi tắt hộ kinh doanh – PV) không được vay vốn tại các ngân hàng đang khiến không ít các chủ hộ, gia đình làm ăn buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ lo sốt vó.

 

Hộ kinh doanh lo với ‘lệnh’ cấm vay vốn

Quy định từ 15.3.2017, hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác xã (gọi tắt hộ kinh doanh – PV) không được vay vốn tại các ngân hàng đang khiến không ít các chủ hộ, gia đình làm ăn buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ lo sốt vó.




Các hộ cá thể sẽ không được vay vốn từ 15.3.2017 nếu không lập doanh nghiệp  /// Ảnh: Ngọc Thắng

Các hộ cá thể sẽ không được vay vốn từ 15.3.2017 nếu không lập doanh nghiệpẢNH: NGỌC THẮNG

Muốn vay phải lập doanh nghiệp
Theo quy định tại bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Do đó, Ngân hàng Nhà nước vừa bổ sung quy định về khách hàng vay tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân tại Thông tư 39. Cụ thể, từ ngày 15.3 các đối tượng không phải pháp nhân (ví dụ như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn.
Thống kê chưa đầy đủ của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), hiện trên cả nước có khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh. Chiếu theo quy định này, tất cả các hộ trên nếu không chuyển đổi thành doanh nghiệp (DN) sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng (NH). Nếu muốn, các chủ hộ phải vay với tư cách cá nhân.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp chế NH, cho biết quy định trên nhằm xác định lại đối tượng vay vốn NH gồm pháp nhân và cá nhân theo thông lệ chung của toàn thế giới. Đơn thuần việc điều chỉnh lại là để làm rõ thuật ngữ, khái niệm nhưng nó đang khiến hàng triệu hộ kinh doanh, hộ gia đình hoang mang, lo lắng. “Tất cả hồ sơ, giấy tờ ghi hộ kinh doanh, hộ gia đình đang vay vốn tại NH hiện nay sẽ như thế nào”, ông Đức đặt câu hỏi.
Trong rất nhiều chia sẻ, trao đổi với Thanh Niên, hàng chục hộ kinh doanh, nhỏ lẻ khá tâm tư với quy định này. Bởi trước nay họ chỉ quen làm ăn, buôn bán với quy mô nhỏ, không muốn mở rộng hay lập DN vì ngại quản lý sổ sách, kế toán, thủ tục thuế… “Đã kinh doanh thì ngoài vốn tự có, mượn anh em họ hàng, nhưng chủ yếu trông chờ vào vốn vay NH. Cắt đứt nguồn này làm sao khuyến khích được người dân khởi nghiệp kinh doanh”, chị Hà Kim Oanh (Hà Nội) bày tỏ. Đang có dự định vay 300 triệu đồng đầu tư quán cà phê tại Q.Cầu Giấy, Hà Nội anh Ngô Tiến Đ. (P.Dịch Vọng) khá lo lắng khi nghe tin này. “Tôi và gia đình chỉ mong muốn mở một cửa hàng cà phê nho nhỏ, vừa là sở thích cá nhân cũng để kiếm thêm vài đồng chi tiêu qua ngày. Nay buộc phải thành lập DN mới được vay thì khó khăn quá”, anh Đ. nói.
 
 
Hộ kinh doanh lo với 'lệnh' cấm vay vốn - ảnh 1

Họ vay vốn làm ăn, buôn bán nhỏ nhưng cũng giải quyết được rất nhiều lao động, đóng thuế đầy đủ. Chúng ta nên thận trọng xem xét lại, cho ai vay vốn, vay như thế nào, bao nhiêu nên để cho ngân hàng thoả thuận với khách hàng để quyết định

Hộ kinh doanh lo với 'lệnh' cấm vay vốn - ảnh 2
 

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần

 

Chuyên làm vệ tinh cho các DN may mặc lớn, ông Nguyễn Xuân Đ., chủ xưởng dệt tại làng La Phù (Hà Nội), cho biết ông và mấy anh em trong gia đình chuyên nhuộm vải, làm khoá. Mỗi năm hộ của ông vay NH vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, mấy ngày qua nhà băng gửi thông báo lên làm lại hợp đồng, một là ông phải thành lập DN mới được vay theo lãi suất kinh doanh, sản xuất. Còn nếu không, ông phải vay dưới vai trò cá nhân. “Vay sản xuất, kinh doanh được lãi suất rẻ một chút, còn vay cá nhân họ nói áp lãi suất cao như vay tiêu dùng, mua xe, mua nhà mười mấy phần trăm một năm thì làm sao có lãi được”.

Tổng giám đốc một NH cổ phần tại Hà Nội cho rằng quy định như trên theo ông là vội vàng và chưa tính hết nhu cầu của người dân. Lâu nay, dư nợ tín dụng đối với các hộ kinh doanh cá thể dù không bằng các tập đoàn, DN lớn nhưng đây là phân khúc mang lại lợi nhuận rất ổn định, bền vững, an toàn. “Họ vay vốn làm ăn, buôn bán nhỏ nhưng cũng giải quyết được rất nhiều lao động, đóng thuế đầy đủ. Chúng ta nên thận trọng xem xét lại, cho ai vay vốn, vay như thế nào, bao nhiêu nên để cho NH thỏa thuận với khách hàng để quyết định”, vị này chia sẻ.
 
Nên sát sườn kinh doanh
Là thành phần kinh tế chiếm số lượng đông đảo nhất so với các loại hình khác, hộ kinh doanh với ưu thế quy mô gọn nhẹ, sự đa dạng trong loại hình sản xuất cho phép tạo ra nhiều chủng loại sản phẩm, dịch vụ ở mọi nơi, mọi lúc, đáp ứng nhu cầu của xã hội, đóng vai trò vệ tinh cho các DN trong nền kinh tế. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, các hộ kinh doanh đã và đang giải quyết việc làm cho khoảng 8 triệu lao động, chiếm gần một nửa số lao động toàn xã hội. Trong khi nguồn vốn của nhà nước, của tập thể còn hạn hẹp thì nguồn vốn tiềm năng trong dân lại rất lớn. Nhưng nếu quy định như trên sẽ khiến các hộ cá thể gia đình không muốn bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh mở rộng tái sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhận xét, trong kinh doanh vốn vay vô cùng quan trọng, vốn rẻ giúp DN tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm, khuyến khích kinh doanh. Quy định trên sẽ có rất nhiều hộ kinh doanh tới đây không được vay vốn, nếu vay lại phải thay đổi rất nhiều hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và đặc biệt phải vay với lãi suất cao hơn, nếu đứng dưới vai trò cá nhân vay vốn.
Thực tế cho thấy những chính sách nhắm vào các hộ kinh doanh hay các DN vừa và nhỏ vừa qua chưa sát sườn, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Nó khiến tâm lý của các hộ kinh doanh không thích lên DN không chỉ vì vướng bận thêm khâu sổ sách kế toán đúng bài bản mà còn vì tập tục, thói quen kinh doanh truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chưa kể, đó là những mối lo, e ngại về việc lên DN sẽ phải chịu đủ hình thức quản lý nhiêu khê, chả thấm là bao với lợi ích của việc tự khai thuế, không đóng thuế nếu chưa có lời và tự chịu trách nhiệm.
Trong bối cảnh chúng ta đang gây dựng quốc gia khởi nghiệp, thì rào cản về vốn càng phải được tháo gỡ một cách thông thoáng, thuận lợi nhất cho người dân.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cả nước có khoảng 1 triệu DN, thời gian qua rất nhiều chính sách được sửa đổi, ban hành. Có thể kể đến luật DN quy định, hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN. Trước đó, cơ quan quản lý cũng từng dự thảo quy định rằng hộ kinh doanh không được mua hóa đơn từ 1.1.2015, muốn sử dụng thì phải nâng lên thành DN. Nhưng sau đó dự thảo này phải bãi bỏ vì dư luận phản ứng gay gắt, một phần do thời gian chuyển đổi quá ngắn (15 ngày). Sau chủ trương này, cơ quan quản lý đã áp dụng biện pháp “tận thu” là hộ kinh doanh đóng thuế khoán phải trả thêm 1,5% doanh thu cho mỗi tờ hoá đơn xuất ra, dù đã đóng thuế khoán. Thế nhưng kết quả thu được cũng rất khiêm tốn.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, việc để các hộ kinh doanh nâng cấp thành DN, bên cạnh việc đưa ra hành lang pháp lý chặt chẽ, phù hợp, cơ quan chức năng còn phải giúp người kinh doanh thông suốt tư tưởng bằng sự đồng hành, minh bạch cùng một cơ sở hạ tầng đồng bộ thúc đẩy, hỗ trợ mọi hoạt động. Các chính sách mang tính chất “ép buộc”, nóng vội sẽ rất khó đi vào cuộc sống và không mang lại hiệu quả.

 

Anh Vũ