11/01/2025

Sứ mệnh dò đường của ông Abe

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ đề xuất cơ chế đàm phán cấp nội các mới tại cuộc gặp chính thức đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

 

Sứ mệnh dò đường của ông Abe

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ đề xuất cơ chế đàm phán cấp nội các mới tại cuộc gặp chính thức đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump.




Ông Donald Trump (phải) gặp Thủ tướng Abe lúc mới đắc cử tổng thống hồi tháng 11.2016  /// Bloomberg

Ông Donald Trump (phải) gặp Thủ tướng Abe lúc mới đắc cử tổng thống hồi tháng 11.2016BLOOMBERG

Theo Reuters, ông Abe ngày 9.2 đã lên đường đến Washington với hy vọng các cam kết giúp tạo công ăn việc làm cho người Mỹ và củng cố quân đội sẽ thuyết phục tân chủ nhân Nhà Trắng hạ nhiệt trong vấn đề thương mại và tiền tệ, cũng như đứng về phía đồng minh lâu năm Nhật.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 9.2, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga nhấn mạnh hai nhà lãnh đạo “cần phải thể hiện mối liên minh không thể lay chuyển” trong bối cảnh các quan hệ an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương “đang ngày càng trở nên khắc nghiệt”. Ông cho biết trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 10.2 (theo giờ Mỹ), Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump cũng sẽ có các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về cách thức tạo quan hệ “hai bên cùng thắng” thông qua việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế.
Trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Abe sẽ mang theo gói hành lý bao gồm các bước mà Tokyo tin là có thể tạo ra 700.000 việc làm cho người Mỹ thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng công – tư như xe điện cao tốc.
Tổng thống Trump đã khẳng định ông muốn có thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương với Nhật thay cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn được người tiền nhiệm Barack Obama và ông Abe ủng hộ nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc. Ông Abe đã để ngỏ các cuộc đàm phán về FTA, nhưng giới chức Nhật lo ngại những cuộc đàm phán như thế sẽ làm tăng sức ép lên những vấn đề nhạy cảm như nông nghiệp trong khi đem lại rất ít lợi ích kinh tế cho Nhật.
Nhiều quan chức tại Tokyo nói với Reuters rằng các cuộc đàm phán mới sẽ là một cách câu giờ hơn là mở ra những cuộc thương thảo về FTA sớm. Hiện Tokyo và Washington đã có cơ chế đàm phán về an ninh, đó là những cuộc họp 2+2 của bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước. Cơ chế mới sẽ xem xét một loạt vấn đề, trong đó tập trung vào việc thiết lập những chính sách thương mại cùng các biện pháp tăng cường công ăn việc làm ở Mỹ.
 
Trong thời gian tranh cử tổng thống, ông Trump từng chỉ trích Nhật và Hàn Quốc chưa gánh đủ trách nhiệm đối với chiếc ô an ninh của Mỹ. Ông cũng liệt kê Nhật, cùng Trung Quốc và Mexico, là những nước gây thâm hụt thương mại cho Washington. Ông nói ngành thương mại ô tô Nhật cạnh tranh “không công bằng” và cáo buộc Tokyo hạ giá đồng yen để thúc đẩy xuất khẩu.
Tại Tokyo đang có những lo ngại về khả năng Mỹ sẽ “bỏ rơi” Nhật và có thể sẽ đi đến một số thỏa thuận với Bắc Kinh. Mối lo của Nhật càng gia tăng sau khi Tổng thống Trump ngày 8.2 gửi thư cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bày tỏ mong muốn “phát triển quan hệ mang tính xây dựng” với Bắc Kinh, theo AFP. Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập chưa nói chuyện trực tiếp với nhau kể từ ngày ông nhậm chức vào ngày 20.1, nhưng theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai nước vẫn duy trì “liên lạc chặt chẽ”. 

 

Trùng Quang