10/01/2025

Phải là người học “thông minh”

Với nhiều dự báo cho rằng đến năm 2020, “cung” vượt “cầu” đối với các ngành dịch vụ; khối ngành công nghệ – kỹ thuật thiếu hụt nguồn nhân lực.

 

Phải là người học “thông minh”

Với nhiều dự báo cho rằng đến năm 2020, “cung” vượt “cầu” đối với các ngành dịch vụ; khối ngành công nghệ – kỹ thuật thiếu hụt nguồn nhân lực.

 

 

Bên cạnh đó, vẫn còn tỉ lệ qua đào tạo chưa có việc làm… Những điều này làm cho các bạn trẻ càng thêm băn khoăn trong chọn lựa ngành học.

Vậy chọn ngành như thế nào để 4 năm sau, ngành phù hợp với bản thân và xu thế phát triển của xã hội.

Tình hình chung của cả nước

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam đến năm 2020 thì cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, tăng dần tỉ trọng công nghiệp. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp – xây dựng tăng từ 41,6-42,6%; nhóm ngành dịch vụ từ 56,4-57,4%; nhóm ngành nông – lâm – ngư nghiệp từ 0,94-0,95%.

Khảo sát thực tế chọn ngành học ở bậc đại học, cho thấy xu hướng chuyển dịch sang các ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất và tăng dần từ năm 2011 đến năm 2014. Nếu như năm 2011 tỉ trọng các ngành dịch vụ chiếm khoảng 61,8% thì đến năm 2014 đạt 63,2%, con số này vượt hơn 7% so với quy hoạch.

Kết quả này cũng chưa có gì khác biệt ở năm 2015, 2016. Điều này dẫn đến thách thức của số sinh viên tốt nghiệp các ngành học thuộc ngành dịch vụ. Đặc biệt khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Khác với các ngành dịch vụ, tỉ lệ chọn các ngành công nghiệp – xây dựng của học sinh thấp hơn so với quy hoạch và có xu thế giảm ở năm 2014. Cụ thể, năm 2011 tỉ lệ chọn ngành là 33,1%, năm 2014 là 31,5%.

Nếu so sánh với tỉ trọng các ngành trong cơ cấu ngành công nghiệp theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thì có sự lệch pha đối với ngành điện tử, công nghệ thông tin và ngành điện, trong khi đó các ngành còn lại đều chưa đáp ứng theo quy hoạch.

Đối với các ngành nông – lâm – ngư nghiệp, sự định hướng của học sinh còn khác biệt nhiều so với quy hoạch, ở mức 5,1% năm 2011 và 5,3% năm 2014. Như vậy, tổng thể chung trong cả nước, “cung” vượt “cầu” ở các ngành dịch vụ, ngành nông – lâm – ngư nghiệp; tình trạng ngược lại đối với các ngành công nghiệp – xây dựng.

Đưa nội dung khởi nghiệp vào giảng đường

Sự lệch pha trong chọn ngành học sau THPT, lệch pha trong xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh cũng như lệch pha so với quy hoạch cơ cấu kinh tế đặt ra yêu cầu cho phát triển nguồn nhân lực, đó là phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó công tác quy hoạch và hướng nghiệp cần được chú trọng nhiều hơn nữa.

Trước những biến động về thông tin, bùng nổ về các ngành học mới…, giải pháp tốt nhất chính là “người học thông minh”, đó là chủ động với bản thân. Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam năm 2015, 2016 cho thấy lực lượng lao động trình độ ĐH, CĐ chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu việc làm: 44,7%. Kế là sơ cấp nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp (40,9%). Số lao động làm công hưởng lương dao động 40-41%.

Điều này cho thấy việc trang bị kỹ năng tự tạo việc làm, khởi nghiệp cho người học là một yếu tố quan trọng đáp ứng xu thế phát triển của thị trường lao động Việt Nam.

Khởi nghiệp không phải là vấn đề mới được đặt ra đối với giáo dục Việt Nam, càng không phải là một phong trào và hiện nay chưa phải là ngành học độc lập tại Việt Nam. Hầu hết các ngành học khối kỹ thuật, công nghệ, khoa học ứng dụng, nông lâm thủy sản, kinh tế đều có những cơ hội để khởi nghiệp.

Như vậy, bên cạnh việc xác định đúng ngành học, bậc học thì người học phải biết tự trang bị kỹ năng khởi nghiệp, tự tạo việc làm cho bản thân trên nền tảng các kiến thức, kỹ năng được học tại các nhà trường.

Hiện Bộ KH-CN cùng Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu, trao đổi để có thể đưa nội dung đào tạo về khởi nghiệp vào giảng dạy cho sinh viên. Vấn đề quan trọng hiện nay không phải là lựa chọn ngành dễ kiếm việc làm, mà là lựa chọn ngành học phù hợp và chuẩn bị kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng tự tạo việc làm là hướng đi tốt nhất.

TS LÊ THỊ THANH MAI