Lão nông Trung Quốc đấu tập đoàn gây ô nhiễm
Một nông dân ở Trung Quốc với trình độ văn hoá lớp 3 đã miệt mài tự học luật để khởi kiện tập đoàn nhà nước gây ô nhiễm cho làng ông.
Lão nông Trung Quốc đấu tập đoàn gây ô nhiễm
Một nông dân ở Trung Quốc với trình độ văn hoá lớp 3 đã miệt mài tự học luật để khởi kiện tập đoàn nhà nước gây ô nhiễm cho làng ông.
Đó là nông dân Vương Ân Lâm sống ở làng Du Thụ Truân thuộc ngoại ô thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang. Trong bài viết thu hút sự quan tâm của dư luận Trung Quốc trong những ngày qua, tờ Thanh Niên Trung Quốc cho hay ông Vương chỉ học tới lớp 3 nhưng đã tự học luật để khởi kiện Tập đoàn hoá chất Tề Tề Cáp Nhĩ gây ô nhiễm đất cho làng mình và đã giành được chiến thắng đầu tiên.
Tập đoàn hoá chất Tề Tề Cáp Nhĩ là một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc, với tổng tài sản trị giá hơn 2 tỉ nhân dân tệ (6.600 tỉ đồng).
Đêm giao thừa khó quên
|
Ông Vương, trong độ tuổi 60, kể lại với Thanh Niên Trung Quốc rằng ông sẽ không bao giờ quên năm 2001, khi khu đất trồng trọt của mình tràn ngập nước thải độc hại do Tập đoàn hoá chất Tề Tề Cáp Nhĩ xả ra.
Vào đêm giao thừa, trong lúc ông Vương cùng nhiều người hàng xóm đang làm bánh bao để đón tết, bất thình lình mọi người phát hiện ngôi nhà họ đang ở bị ngập bởi nước thải từ một nhà máy gần đó của Tập đoàn hoá chất Tề Tề Cáp Nhĩ. Một tài liệu nhà nước được công bố trong năm đó cũng xác nhận khu đất nông nghiệp ở làng của ông Vương “không thể được sử dụng lâu dài” do bị ô nhiễm.
Cũng theo Thanh Niên Trung Quốc, Tập đoàn hóa chất Tề Tề Cáp Nhĩ tiếp tục xả nước thải độc hại trong làng Du Thụ Truân cho đến năm 2016. Tập đoàn này sản xuất nhựa PVC và thải ra 15.000 – 20.000 tấn nước thải hóa chất mỗi năm.
Trong năm 2001, ông Vương đã gửi đơn tới Phòng Tài nguyên đất đai Tề Tề Cáp Nhĩ để khiếu nại về tình trạng ô nhiễm do tập đoàn hoá chất nói trên gây ra cho làng mình. Ông Vương kể lại rằng trong quá trình làm việc với nhà chức trách địa phương, ông được yêu cầu đưa ra bằng chứng chứng minh đất của làng ông bị ô nhiễm.
“Tôi biết mình đúng, nhưng tôi không biết phía bên kia phạm luật gì hoặc liệu có bằng chứng hay không”, ông Vương kể lại. Thế là ông Vương quyết định tự học luật và có lẽ lúc đó ông không ngờ rằng nỗ lực này kéo dài tới 16 năm sau. Do rời khỏi nhà trường khi mới học lớp 3 nên ông Vương gặp không ít khó khăn trong việc tự học luật, nhưng ông không bỏ cuộc. Ông chịu khó tra từ điển khi đọc các cuốn sách luật. Vào lúc đó, ông không có tiền mua sách nên mỗi ngày đều đến nhà sách địa phương để tìm sách luật đọc và ghi lại những kiến thức thu được. Ông Vương còn kể rằng ông đã cho chủ tiệm nhiều bao bắp để không bị đuổi ra khỏi nhà sách.
Chiến thắng đầu tiên
Sau khi có được kiến thức luật pháp, ông Vương đã sử dụng nó để hỗ trợ nhiều người hàng xóm thu thập chứng cứ về tình trạng Tập đoàn hoá chất Tề Tề Cáp Nhĩ xả nước thải gây ô nhiễm đất của họ. Biết được nỗ lực bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ông Vương và dân làng Du Thụ Truân, một công ty luật ở Trung Quốc chuyên nhận những vụ kiện liên quan đến ô nhiễm bắt đầu cung cấp tư vấn pháp lý miễn phí cho họ từ năm 2007. Công ty này còn đồng ý hỗ trợ họ nộp đơn kiện lên tòa án địa phương.
Tuy nhiên, đến năm 2015, tòa án mới bắt đầu tiến hành xét xử vụ kiện của ông Vương và dân làng Du Thụ Truân, theo Thanh Niên Trung Quốc. Nhờ vào những bằng chứng thu thập được trong 16 năm, ông Vương và những người hàng xóm dường như đã giành chiến thắng từ đợt xét xử đầu tiên.
Tờ báo không nói rõ phiên xét xử đầu tiên diễn ra khi nào nhưng thông tin rằng tòa đã phán quyết 55 hộ gia đình trong làng Du Thụ Truân sẽ nhận tổng số tiền bồi thường thiệt hại 820.000 nhân dân tệ (hơn 2,7 tỉ đồng) từ Tập đoàn hóa chất Tề Tề Cáp Nhĩ. Tập đoàn này vừa kháng án và vụ kiện vẫn đang được thụ lý tại Tòa án quận Ngang Ngang Khê của thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ. Tuy nhiên, ông Vương vẫn tỏ ra đầy quyết tâm khi phát biểu: “Chúng tôi chắc chắn sẽ chiến thắng. Nếu chúng tôi thua, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu”.
Hiện nay, ông Vương được người dân trong làng Du Thụ Truân tôn xưng là “luật sư đất”, vì ông dùng kiến thức luật tự học được giúp nhiều người bảo vệ quyền lợi của họ trong những vụ tranh chấp liên quan đến đất đai.
Văn Khoa