12/01/2025

Sau tết bớt lo vắng học trò

Đến lớp vui chơi, bánh kẹo chờ sẵn ở trường, tổ chức giải bóng đá nam nữ đầu năm… là những cách mà ngành GD-ĐT và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã làm để học sinh vùng đồng bào dân tộc trở lại trường sau đợt nghỉ tết.

 

Sau tết bớt lo vắng học trò

 Đến lớp vui chơi, bánh kẹo chờ sẵn ở trường, tổ chức giải bóng đá nam nữ đầu năm… là những cách mà ngành GD-ĐT và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã làm để học sinh vùng đồng bào dân tộc trở lại trường sau đợt nghỉ tết.

 

 

 

Sau tết bớt lo vắng học trò
Lớp học tại điểm trường ở thôn Quế (Trà Bùi, Trà Bồng, Quảng Ngãi) đã đông đủ học sinh – Ảnh: T.Mai

Nhờ những nỗ lực này mà tỉ lệ học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao nghỉ học sau tết đã không còn là nỗi ám ảnh của ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi.

Thoát cảnh “có thầy nhưng không trò”

Huyện Sơn Tây là địa phương nhiều năm qua luôn đau đầu với bài toán học sinh bỏ học sau tết. Khi thầy cô trở lại trường chỉ thấy lèo tèo vài học sinh, quá nửa các em vẫn say sưa ăn tết, quên chuyện phải đi học lại. Thế là thầy cô phải chia nhau đi đến các làng vận động phụ huynh và học sinh.

Tuy nhiên năm nay tình hình đã khác. Thầy Nguyễn Tía, giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Sơn Tây), cho biết năm nay tỉ lệ học sinh đến trường sau tết đạt 95%, nhiều học sinh ở các bản làng nằm sâu trong núi cũng tự giác đến trường, thầy cô không phải cực khổ trèo đèo, lội suối vào làng kêu gọi.

Rồi thầy Tía nhớ về những cái tết trước, thầy cô trong trường phải lên trường sớm hơn quy định hai ngày rồi mất thêm nửa tháng vào từng bản làng, khi thì uống rượu cùng phụ huynh, lúc lại lên nương “bắt” học sinh.

“Năm nay thầy cô trong trường khoẻ re. Em này đi học kéo theo em khác đi, lớp học đông vui hẳn. Mấy năm trước thầy cô quá cực mới đưa được trò ra lớp. Công tác dạy học cũng chậm hơn so với các trường đồng bằng. Thầy cô phải cố gắng dạy cả chủ nhật, ngày lễ cho kịp chương trình” – thầy Tía tâm sự.

Sau tết trùng với mùa đót, học sinh theo người lớn lên núi bẻ đót về bán thay vì đến trường. Đó cũng là nguyên do khiến học trò không muốn đến lớp trong những năm qua. “Khó khăn này cũng được giải quyết trong năm nay” – thầy Nguyễn Anh Tuấn, hiệu trưởng Trường THCS Sơn Long, nhìn lớp học nào cũng đầy đủ học sinh vui vẻ nói.

Toàn trường có 155 học sinh các cấp thì đã có 153 em chủ động đến trường ngay từ buổi học đầu tiên. “Làm thầy cô ở các trường miền núi thì niềm vui lớn nhất của năm mới là thấy học sinh đến trường đầy đủ. Khi các em ở nhà bán trú, thầy cô cùng ăn ở và động viên học sinh từ những câu chuyện nhỏ… Nhờ giáo viên thân tình như anh chị trong nhà mà không cần phải vận động, gần 100% học sinh đã đến lớp sau tết”.

Ra trường đá bóng, ăn tết… cùng thầy cô

Ngay tại những điểm trường lẻ của Trường tiểu học Trà Bùi nằm trên đỉnh núi cao nhất tỉnh Quảng Ngãi ở thôn Quế (xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng), tỉ lệ học sinh trở lại trường cũng đạt 100%. Những em nhỏ học lớp 1, lớp 2 được cha mẹ chủ động đưa đến lớp, không chờ thầy cô đến nhà vận động.

Bé Hồ Quang Huy, lớp 2, ngây ngô nói: “Trước tết, thầy cô có hứa là sau tết bạn nào đến trường sẽ có bánh kẹo thầy cô mang lên cho, và còn được tham gia trò chơi nữa. Nên cháu với các bạn nói mẹ dẫn đến trường để chơi trò chơi và ăn tết cùng thầy cô…”.

Tùy theo mỗi lứa tuổi và cấp học mà thầy cô có những cách thức vận động riêng. Tại Trường THCS Sơn Long, huyện Sơn Tây, cách mà thầy hiệu trưởng trường này tiết lộ rất đơn giản: buổi đến trường đầu tiên sau tết không phải đi học mà tập trung các em tại nhà bán trú. Sau đó tổ chức một giải đấu bóng đá nam, nữ cho học sinh các lớp. Các em được tham gia hoạt động tập thể trước khi học nên rất hứng khởi.

Cậu học trò Đinh Văn Xuôi, lớp 9 Trường THCS Sơn Long, vốn có “thành tích” nghỉ học sau tết suốt ba cái tết trước, thầy cô luôn phải vào làng kêu gọi. Năm nay, Xuôi lại là một trong năm học sinh đến trường sớm nhất.

Xuôi nói: “Mấy năm trước em đi chơi với bạn vui quá nên đi học muộn. Năm nay thầy cô thông báo sẽ tổ chức giải bóng đá nên em ra nhà bán trú sớm để tham gia chơi rồi đi học luôn”.

Dù vậy, vẫn có hai ca khó, không chịu đến lớp mà vẫn ở nhà la cà tụ tập vui chơi cùng thanh niên lớn hơn. Chính quyền địa phương đã cùng thầy cô xuống tận nhà kêu gọi các em ra trường.

Ông Đỗ Thanh Vượt, chủ tịch UBND xã Sơn Long, cho biết: “Chính quyền đã trao đổi với thầy cô vận động từng nhà ngay trong tết. Ngoài ra, cách làm hay của các trường đã tạo ra không khí vui tươi ngày học đầu năm”.

Và người vui nhất là ông Lê Hoài Thạnh, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây. “Tỉ lệ học sinh đến lớp mẫu giáo và cấp I đạt 99%, cấp II đạt 96%. Mừng lắm! Cũng nhờ ngành chủ động đề nghị thầy cô từng trường nghĩ cách thu hút học trò đến lớp, thay vì bị động đi kêu gọi sau khi hết tết. Mỗi trường một cách khác nhau nhưng đều mang lại hiệu quả quá lớn” – ông Thạnh nói.

Việc làm nhỏ nhưng hiệu quả lớn

Ông Nguyễn Kiên, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, nói: “Sau tết, sở đã tổ chức đi kiểm tra tình trạng học sinh đến lớp ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.

Lúc đầu anh em cũng lo lắng, nhưng khi đến các trường nhìn số lượng học sinh ai cũng vui. Những việc làm nhỏ của thầy cô nhưng mang lại hiệu quả rất tích cực.

Trong những năm học tới, sở sẽ tiếp tục chỉ đạo thầy cô các trường chủ động như năm nay để không còn cảnh vắng học trò sau tết”.

TRẦN MAI