29/11/2024

Heo thịt tồn ứ khắp Đồng bằng Sông Cửu Long

Cung vượt cầu, phụ thuộc thị trường Trung Quốc… khiến heo ở ĐBSCL tồn nghiêm trọng. Trong khi chính quyền muốn đưa heo vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lớn cũng khó vì… heo không đạt chuẩn.

 

Heo thịt tồn ứ khắp Đồng bằng Sông Cửu Long

Cung vượt cầu, phụ thuộc thị trường Trung Quốc… khiến heo ở ĐBSCL tồn nghiêm trọng. Trong khi chính quyền muốn đưa heo vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lớn cũng khó vì… heo không đạt chuẩn.

 

 

 

Heo thịt tồn ứ khắp Đồng bằng Sông Cửu Long
Ông Huỳnh Văn Bảy vẫn đang sốt ruột chờ người mua trong khi đàn heo thịt của ông ngày càng “quá lứa” – Ảnh: SƠN LÂM

“Nếu không có giải pháp căn cơ ở tầm vĩ mô, cân đối cung cầu hợp lý, điệp khúc buồn trong ngành chăn nuôi heo sẽ tái diễn

Ông Quách Văn Tây (chi cục trưởng Chi cục Thú y và chăn nuôi Sóc Trăng)

Đã hơn một tháng nay, giá heo tại các tỉnh ĐBSCL vẫn bấp bênh, chỉ ở khoảng 28.000-33.000 đồng/kg. Nhiều đàn heo thịt đã “quá lứa”, các hộ nuôi heo ngày càng thấp thỏm trước những cái lắc đầu của thương lái.

Khó xử với đàn heo 
quá lứa

Nhắc đến chuyện nuôi heo, bà Bùi Thị Khởi (ấp Thiện Tánh, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) thở dài: “Tôi nuôi heo thịt đã 4 năm nhưng chưa bao giờ thua nặng như hiện nay vì giá bán chỉ còn 27.000 đồng/kg”.

Nhằm đón đầu thị trường dịp tết, đầu tháng 11 bà Khởi mua 5 con heo giống. Sau khoảng 100 ngày nuôi, bà Khởi kêu thương lái đến cân để trả nợ tiền thức ăn. Nhưng sau nhiều ngày cầu cạnh không có thương lái nào mua, bà Khởi đành tự mổ heo bán cho xóm giềng.

Bà Khởi nhẩm tính “chỉ riêng tiền heo giống, thức ăn đã ngốn 3.120.000 đồng/con, trong khi chỉ bán được 2,7 triệu đồng, lỗ 420.000 đồng/con”. Bà Khởi cho biết tạm thời treo chuồng, chờ giá heo thịt khởi sắc lại!

Câu chuyện của bà Khởi gần như xảy ra ở các vùng nuôi heo tại ĐBSCL hiện nay. Là tổ trưởng tổ chăn nuôi do Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP), ông Huỳnh Văn Bảy chỉ vào đàn heo thịt trong chuồng ở xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, Long An nặng hơn 100kg mỗi con mà sốt ruột: “Đàn heo này dự kiến bung ra trước tết, nhưng lúc ấy thương lái chỉ đòi mua 29.000 đồng/kg”.

Giữ đàn heo đến thời điểm này, ông Bảy buồn: “Gần đây nhiều thương lái cũng tới nhưng hầu như chẳng thèm ra giá nữa. Chỉ nhìn con heo thấy to quá là đã lắc đầu bỏ đi”. Tổ của ông Bảy còn 24 hộ với hơn 2.000 con heo nữa.

Trong đó có hộ giữ heo, giờ đã quá lứa, heo đã lên đến 140-150kg mỗi con. Heo thịt được chuộng nhất ở thời điểm 90kg mỗi con. Nếu không xuất chuồng, càng để lâu heo sẽ càng tích mỡ, giá càng rớt.

“Đại gia” 
cũng điêu đứng

Không chỉ những hộ nuôi nhỏ lẻ lao đao mà cả những “đại gia” nuôi heo trang trại, áp dụng kỹ thuật cao cũng điêu đứng. Một chủ trang trại nuôi heo ở xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) cho biết do thị trường Trung Quốc thời gian qua không “ăn hàng” nên giá heo thịt trong nước chao đảo.

Theo chủ trang trại này, việc tập trung tiêu thụ quá lớn vào một thị trường không khác như đang đùa với lửa. Hiện trang trại này còn khoảng 10.000 con heo tới lứa xuất chuồng nhưng đang phải “neo” đợi giá.

Ông Nguyễn Văn Xoài – giám đốc chi nhánh miền Tây của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam – cho biết tại Kiên Giang, doanh nghiệp này đang có tổng đàn heo khoảng 32.000 con. Theo ông Xoài, muốn hoà vốn, giá heo hơi xuất chuồng tối thiểu phải từ 35.000 đồng/kg.

Trong khi đó, thời điểm trước tết, giá heo hơi xuất chuồng của Công ty CP chỉ dao động quanh mức 30.000-31.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Hồng – phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An – cho biết thị trường Tết Đinh Dậu không hút mạnh hàng, lượng heo tiếp tục bị dồn ứ đến nay, tiêu thụ rất khó.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến, cung cấp heo sạch đã có lượng hàng ổn định nên không thể tiếp nhận hỗ trợ thêm cho người chăn nuôi.

Khó hỗ trợ heo 
không đạt chuẩn

Ông Lê Văn Hoàng – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An – cho biết trung bình đàn heo của tỉnh này đang cung cấp khoảng 3.500 tấn thịt mỗi tháng.

Số liệu thống kê vào ngày 8-2, ước chừng đàn heo của Long An đang tiếp tục tồn khoảng 3.500 tấn thịt vào tháng 2 và khoảng 4.000 tấn thịt vào tháng 3. Để “giải vây”, Sở NN&PTNT và Sở Công thương Long An tiếp tục gặp gỡ những đơn vị như VISSAN để bàn hướng tiêu thụ.

“Tuy nhiên, do nuôi heo tại Long An vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn nên cũng rất khó. Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục gặp phía VISSAN để thương thuyết” – ông Hoàng nói. Đồng thời, ông Hoàng nêu Sở NN&PTNT Long An cũng đang báo cáo để kiến nghị với Bộ NN&PTNT tháo gỡ, hỗ trợ về tình trạng này.

Tương tự ở Sóc Trăng, ông Quách Văn Tây – chi cục trưởng Chi cục Thú y và chăn nuôi – cho biết tổng đàn heo thịt hiện tại của Sóc Trăng khá lớn, hiện vẫn còn khoảng 50.000 con đang ở lứa xuất chuồng.

Ông Tây cho rằng thị trường tiêu thụ heo thịt thời gian gần đây, nhất là dịp tết rất mạnh, nhưng do nắm bắt lượng heo tới ngày xuất chuồng còn “khủng” nên thương lái làm giá, chèn ép người nuôi.

Trước thực trạng thị trường bị buông lỏng, mặc cho thương lái thao túng, ngành nông nghiệp Sóc Trăng chỉ còn biết chia sẻ khó khăn với người nuôi và khuyến cáo không tăng đàn vào thời điểm này, thực hiện phòng dịch tốt để chờ giá tăng trở lại.

Cũng theo ông Tây, do giá heo thịt giảm mạnh, người nuôi thua lỗ nên nhiều người đang treo chuồng. Điều này có thể dẫn đến chu kỳ sau thị trường sẽ khan hiếm, giá heo sẽ lại biến động. Ông Tây trăn trở nếu không có giải pháp căn cơ ở tầm vĩ mô, cân đối cung cầu, vòng tròn luẩn quẩn trên sẽ tái diễn…

Ông Nguyễn Văn Xoài nêu sau tết tình hình thị trường tiêu thụ có khả quan hơn, giá heo hơi nhích nhẹ lên, hiện vào khoảng 33.000 đồng/kg nhưng doanh nghiệp chăn nuôi vẫn lỗ.

“Chúng tôi vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường để cân đối nhu cầu sản xuất cho năm 2017” – ông Xoài cho hay.

Phía Trung Quốc đã bắt đầu mua…

Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết so với trước tết âm lịch, giá heo hơi bán ra đã tăng khoảng 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân là lượng heo bán cho Trung Quốc đã tăng trở lại, hiện lượng heo cỡ lớn bán cho Trung Quốc ở khu vực Đồng Nai cơ bản đã bán hết.

Cụ thể, giá heo loại trên 100-110kg/con đang được các trại ở Đồng Nai bán ra ở mức 34.000-35.000 đồng/kg, heo cỡ lớn chuyên bán cho Trung Quốc (trên 120kg/con) có giá 32.000 đồng/kg.

Với mức giá này, người chăn nuôi vẫn lỗ vì giá thành nuôi của các công ty và hộ nuôi khép kín ở mức thấp nhất là 35.000 đồng/kg, những hộ nuôi nhỏ lẻ phải mua con giống từ bên ngoài giá thành lên đến 39.000-40.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá trứng gà công nghiệp đang giảm rất mạnh so với trước tết. Hiện giá trứng gà bán ra tại các trang trại chỉ ở mức 1.050 đồng/quả, giảm gần 500 đồng/quả so với trước tết. Giá bán trứng ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại TP.HCM vẫn giữ nguyên ở mức trên 2.000 đồng/quả.

Trần Mạnh

SƠN LÂM – KHẮC TÂM – K.NAM