Vốn ngoại đổ mạnh vào bất động sản
Trong tháng đầu tiên của năm nay, đã có gần 300 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cấp mới đổ vào bất động sản, chiếm hơn 20% tổng vốn FDI cấp mới của cả nước.
Vốn ngoại đổ mạnh vào bất động sản
Trong tháng đầu tiên của năm nay, đã có gần 300 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cấp mới đổ vào bất động sản, chiếm hơn 20% tổng vốn FDI cấp mới của cả nước.
Tại TP.HCM, năm 2016 vốn đầu tư vào bất động sản (BĐS) chiếm tỷ lệ lớn nhất, tới 40,9%. Tính trên cả nước, năm qua nguồn vốn FDI vào BĐS đạt 1,3 tỉ USD, đứng thứ hai trong thu hút vốn đầu tư ngoại.
Nhiều ông lớn châu Á tham gia
Lần đầu tiên, Tập đoàn đầu tư BĐS lớn Meada của Nhật đã tham gia thị trường VN bằng ký kết hợp tác với Công ty xây dựng Thiên Đức trong dự án Wateria Suites với tổng đầu tư 30 triệu USD tại Q.2, TP.HCM.
|
Kế đó, Tập đoàn Mitsubishi cũng đã liên doanh với Tập đoàn Bitexco phát triển dự án nhà ở với quy mô khoảng 290 triệu USD tại Hà Nội. Hay liên doanh giữa Kajima (Nhật) với Quỹ đầu tư Indochina Capital lên kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD trong 10 năm tới để mua lại các dự án BĐS ở VN. Capitaland sau nhiều năm làm ăn tại VN, mới đây cũng đã mua lại một dự án BĐS tại Q.1, TP.HCM. Kế hoạch của quỹ đầu tư này là xúc tiến lập một quỹ đầu tư khoảng 500 triệu USD để đi mua gom lại các dự án BĐS tại hai thành phố lớn TP.HCM và Hà Nội. Đây là quỹ đầu tư thứ hai của Capitaland tại VN, sau quỹ đầu tư trị giá 200 triệu USD được công bố vào năm 2010. Cũng liên quan đến nhà đầu tư Nhật, Toshin, công ty Nhật đứng sau Takashimaya, đang có ý định tiếp tục đầu tư một dự án khoảng 100 triệu USD trong năm nay.
Đặc biệt, các vụ đầu tư thông qua mua bán sáp nhập năm qua rất nhiều. Đình đám là thương vụ 1.200 tỉ đồng do nhà đầu tư đến từ Nhật, cùng với Công ty Tiến Phát ở VN tham gia. Có thể nói, Nhật Bản là nhà đầu tư ngoại tham gia vào nhiều thương vụ mua bán sáp nhập, liên doanh, đầu tư trong lĩnh vực BĐS trong năm qua. Tập đoàn Creed Group (Nhật) đã đầu tư vào Công ty BĐS An Gia số tiền 200 triệu USD cùng phát triển các dự án BĐS cao cấp tại TP.HCM. Theo Công ty An Gia, nhiều công ty, quỹ đầu tư của Nhật Bản khác cũng đã cam kết đầu tư vào An Gia với số tiền khoảng 500 triệu USD, mục tiêu mua lại khoảng 10 dự án BĐS để triển khai trong những năm tới.
Một đại gia khác đến từ Singapore là Công ty TNHH Keppel Land trong năm 2016 cũng đã đổ vốn khá nhiều vào các dự án BĐS ở VN. Cụ thể, đầu tư vào Công ty Tiến Phước cùng phát triển dự án tại Q.2, TP.HCM, đầu tư vào Công ty cổ phần đầu tư Nam Long… Hay mua lại 40% cổ phần tại Công ty TNHH Empire City để xây dựng tháp quan sát 86 tầng ở khu đô thị Thủ Thiêm, Q.2, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD.
Theo thống kê, hiện hầu hết nguồn vốn đầu tư nước ngoài đều đổ mạnh vào phân khúc BĐS cao cấp, trong đó dẫn đầu là các nhà đầu tư đến từ châu Á như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan.
Cơ hội ở phân khúc nhà giá rẻ
Theo TSKH-GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, có hai lý do khiến thị trường BĐS VN vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ nhất, dự báo tầng lớp trung lưu của VN tăng nhanh, từ 12 triệu vào năm 2012 lên đến 33 triệu trong năm 2020. Thứ hai, hàng loạt chính sách liên quan như cho người nước ngoài sở hữu nhà đã tạo tâm lý tin tưởng cho nhà đầu tư. “Nhà ở phân khúc cao cấp đầu tư tại VN đang được hưởng tỷ suất sinh lợi từ 7 – 8% trong khi ở nước họ chỉ 1 – 2%. Đây là yếu tố thu hút nhà đầu tư ngoại”, GS Mại nhận xét.
Về sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư Nhật Bản tại VN, GS Nguyễn Mại phân tích: Nhật Bản từ trước đến nay quan tâm nhiều vào các dự án đầu tư tài chính, sản xuất. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nguồn vốn từ Nhật vào VN đã có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt vào các trung tâm bán lẻ, hạ tầng. “Nhiều nhà đầu tư Nhật và Hàn có tiếp xúc với chúng tôi bày tỏ tham vọng tham gia phân khúc căn hộ, văn phòng cho thuê và đặc biệt tham gia vào các dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp. Đây cũng là phân khúc VN đang khuyến khích đầu tư với triển vọng từ trung đến dài hạn, từ năm 2020 – 2023. Các quốc gia này có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý. Việc họ trực tiếp tham gia vào phân khúc này có tín hiệu tốt cho thị trường BĐS VN xét về yếu tố chất lượng”, GS Mại nói.
Cũng theo GS Mại, giá trị đạt được ở phân khúc nhà xã hội, nhà giá rẻ có thể không cao như các dự án BĐS nghỉ dưỡng, song nhà đầu tư tìm thấy ở đây cơ hội nhận những khoản ưu đãi lớn, miễn tiền thuê đất trong giai đoạn đầu… Liên quan đến các dự báo phân khúc nhà cao cấp bị bão hòa trong thời gian tới, ông Mại cho rằng lo ngại này là hơi thừa. FDI vẫn sẽ phát triển mạnh vào phân khúc này. Bằng chứng là nhiều thương vụ mua bán diễn ra rầm rộ trong năm qua liên quan đến nhiều dự án nhà ở, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Cuộc khủng hoảng BĐS giai đoạn 2008 – 2012 đã “dạy” nhà đầu tư nhiều, chỉ có các nhà đầu cơ mua đi bán lại mới bị phá sản.
Đồng quan điểm, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), bổ sung rằng phân khúc BĐS nghỉ dưỡng vẫn đang “nóng” ở tầm trung và dài hạn. Mặc cho chính sách bỏ tham gia TPP của Mỹ, vẫn có khá nhiều quỹ đầu tư quản lý nguồn vốn của nhà đầu tư Mỹ lại đang quan tâm theo đuổi nhiều đến các dự án BĐS nghỉ dưỡng, casino… trị giá tỉ đô tại VN. “Qua trao đổi với nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ đầu tư, tôi nhận thấy các nhà đầu tư ngoại luôn cho rằng thị trường nhà ở tại VN với hơn 90 triệu dân vẫn là miếng bánh hấp dẫn để họ theo đuổi. Đặc biệt, khi một số chính sách về nhà ở của chúng ta đã được tháo gỡ, như cho phép người nước ngoài mua nhà tại VN, mở cửa đầu tư casino, khuyến khích đầu tư vào nhà thu nhập thấp… Ngoài nhu cầu lớn, VN vẫn đang có xu hướng đô thị hoá mãnh liệt, Chính phủ quyết tâm xây dựng nền công nghiệp không khói làm ngành mũi nhọn cho phát triển… cũng là phần tích cực đóng vai trò quan trọng trong tác động vào quyết tâm theo đuổi của nhà đầu tư”, ông Thắng nói.
Nhiều chuyên gia dự báo năm 2017 sẽ có hàng tỉ USD vốn ngoại đổ vào thị trường BĐS nội địa. Tuy nhiên, cả GS Nguyễn Mại và TS Phan Hữu Thắng đều cảnh báo các địa phương cần tỉnh táo hơn trong thu hút đầu tư FDI, tránh trường hợp vì áp lực phải thu hút bằng mọi cách, không điều nghiên kỹ về uy tín, khả năng tài chính của nhà đầu tư trước khi ký cho những dự án đầu tư khủng song khả năng giải ngân lại vô cùng thấp… “Trong quá khứ đã có khá nhiều dự án BĐS FDI trị giá hàng tỉ USD, nhà đầu tư nhận giấy phép như kiểu xí phần bỏ hoang cả 5 – 7 năm, làm thiệt hại nhà nước hàng tỉ đồng tiền thuế, sau phải ngậm ngùi rút giấy phép”, GS Mại khuyến cáo.
|
Hằng Nga – Đình Sơn