“Tuyên chiến” với bơm tạp chất vào tôm: Không thể làm theo cách cũ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “tuyên chiến” với nạn bơm tạp chất vào tôm. Nhiều địa phương cho biết đang có kế hoạch trị tận gốc vấn nạn vốn đã tồn tại hàng chục năm nay.
“Tuyên chiến” với bơm tạp chất vào tôm: Không thể làm theo cách cũ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “tuyên chiến” với nạn bơm tạp chất vào tôm. Nhiều địa phương cho biết đang có kế hoạch trị tận gốc vấn nạn vốn đã tồn tại hàng chục năm nay.
Theo các chuyên gia, tôm VN sẽ bị người tiêu dùng quay lưng, khó phát triển bền vững nếu còn nạn bơm tạp chất. Trong ảnh: nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao trong nhà kính ở Bạc Liêu – Ảnh: Chí Quốc |
Câu chuyện xử lý nạn bơm tạp chất vào tôm không mới, nhưng rất “nóng” bởi không dẹp được vấn nạn này thì ngành tôm khó phát triển bền vững. Vì sao có sự “tuyên chiến” từ người đứng đầu Chính phủ?
Gần 20 năm chưa dẹp được
Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ NN&PTNT), việc bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm làm tăng khối lượng, kích cỡ, lừa dối cảm giác về độ tươi… đã diễn ra nhiều năm, đặc biệt ở các địa bàn Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang.
Dù Bộ Thủy sản trước đây và hiện Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều chương trình ngăn chặn việc đưa tạp chất vào tôm từ năm 1998 (đến nay đã gần 20 năm) nhưng mới có hiệu quả tức thời tại từng thời điểm.
Việc đưa tạp chất vào tôm cứ diễn ra, nhất là khi khan hiếm tôm nguyên liệu và có lúc tôm VN đã bị Hàn Quốc và Nhật Bản cảnh báo.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết trong năm 2016 đã phối hợp với Cục An ninh kinh tế nông lâm ngư nghiệp (A86, Bộ Công an) tổ chức thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra đột xuất một số cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến tại Bạc Liêu và Cà Mau.
Kết quả đã phát hiện, bắt quả tang đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại hai tụ điểm ở Bạc Liêu, một tụ điểm và hai doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Cà Mau.
Cục này cho biết trong năm 2017 sẽ kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu và dư lượng hóa chất, kháng sinh trong nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất, thực hiện đúng khẩu hiệu “nói không với tạp chất”.
Ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nêu tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ đang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm VN.
Phải rõ trách nhiệm tới trưởng thôn, ấp
Trước quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, nhiều ý kiến đề nghị cách làm mới với trách nhiệm rõ hơn xuống tận cấp cơ sở.
Theo ông Lương Ngọc Lân – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, tỉnh đã quyết liệt xử lý thực trạng trên trong thời gian qua và đã xử lý được nhiều trường hợp. Khi có chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra việc bơm chích tạp chất vào tôm kể cả về thời lượng và tăng kiểm tra đột xuất, đưa việc này trở thành thường xuyên hơn theo hướng “tìm để diệt”.
Tuy nhiên theo ông Lân, để chấm dứt tình trạng này cần xử lý từ gốc. Cụ thể, chỉ có cơ sở thu gom mới bơm chích tạp chất chứ người nông dân hiếm khi làm việc này nên phải xử lý những cơ sở thu gom.
Ngoài việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phải tăng cường trách nhiệm của địa phương mà ở đây là các trưởng ấp, bí thư chi bộ ấp bởi “chỉ có con em ở đó tiêm chích tạp chất vào tôm nên những người này phải biết”.
Trong khi đó, theo ông Phan Thanh Liêm – chánh thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, các đối tượng tổ chức bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu ngày càng tinh vi. Trong năm 2016, các lực lượng chức năng đã phát hiện khoảng 3 tấn tôm sú và tôm thẻ chân trắng có bơm chất agar (rau câu) và một số chất khác.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thuận cho biết các chủ vựa thu mua thường thuê người khác bơm, trường hợp bị phát hiện thì “bỏ của chạy lấy người”, hoặc khai báo không rõ người thuê mình là ai để tránh bị xử lý.
Thậm chí, gần đây cơ quan chức năng còn phát hiện một số đối tượng đưa tôm nguyên liệu xuống vỏ lãi rồi… vừa chạy trên sông vừa bơm tạp chất.
Ông Trần Ngọc Nhuận, chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản tỉnh Bến Tre, cho biết đơn vị này đang làm đề án ngăn chặn bơm tạp chất đối với tôm nguyên liệu để trình UBND tỉnh.
Cụ thể, đề án phân công rõ ngành công an sẽ làm gì, trách nhiệm của các ngành như công thương, NN&PTNT và từng thành viên của các ngành, các huyện…
Cần truy xuất được nguồn gốc
Theo bà Quách Thị Thanh Bình – chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng, việc kiểm tra xử lý như vừa qua không khác gì như “bắt cóc bỏ dĩa”. Để giải quyết triệt để, bà Bình đề nghị Bộ NN&PTNT cần ban hành thông tư quy định cấp mã vùng nuôi và cơ sở nuôi.
Trên cơ sở này, việc quản lý của cơ quan chức năng mới thuận lợi, khi phát hiện tôm có bơm tạp chất hay dính kháng sinh, việc truy xuất nguồn gốc mới dễ dàng. Điều này cũng giúp VN xây dựng thương hiệu tôm.
Có thương hiệu, việc gì cũng dễ, giá trị con tôm được tăng lên, thu nhập người nuôi cũng được cải thiện.
Vấn đề nữa là các địa phương cần hạn chế tối đa việc cấp phép hoạt động cho những cơ sở thu mua nhỏ lẻ vì những cơ sở này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ gây bệnh cho vùng nuôi mà việc kiểm tra, xử lý và truy xuất nguồn gốc cũng rất khó khăn khi có sự cố.
Bà Bình cho rằng các doanh nghiệp cũng nên nói không với những đại lý không có uy tín, phải chấp nhận cùng chung tay tuyên chiến với nạn bơm tạp chất vào tôm.
Úc nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu tôm Bộ Nông nghiệp và tài nguyên Úc vừa ra thông báo nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu tôm và sản phẩm từ tôm chưa nấu chín vào thị trường nước này, trong đó có các sản phẩm tôm của VN. Theo đó, các sản phẩm được dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu bao gồm tôm khô và thực phẩm làm từ tôm bảo quản lâu dài – tức sản phẩm được cất giữ trong thùng, ngăn, tủ lạnh để sử dụng lâu dài; thức ăn cho vật nuôi được chế biến từ thuỷ sản… Lý do: phía Úc cho rằng nguy cơ lây lan virút đốm trắng từ các sản phẩm trên là thấp hoặc không có nguy cơ. Lệnh cấm nhập khẩu tôm chưa qua nấu chín vào Úc có hiệu lực thi hành ngày 9-1-2017 và kéo dài ít nhất 6 tháng. |
Doanh nghiệp cũng “kêu trời” Chủ một nhà máy chế biến tôm xuất khẩu tại huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho hay hành vi bơm tạp chất vào tôm gây thiệt hại rất lớn. Bởi hiện tại gần như 100% lượng tôm mua vào đều phải qua công đoạn quay ly tâm cho tạp chất văng ra. Nếu không làm vậy, chỉ cần một lô hàng xuất đi bị trả về là coi như hết đường xuất khẩu. Trong khi đó, lãnh đạo một nhà máy chế biến thuỷ sản ở Sóc Trăng cũng cho biết có cái khó là nhiều đại lý thu mua tôm cùng “đồng lòng” bơm tạp chất vào tôm. Nếu doanh nghiệp làm căng thì họ không bán, dẫn tới thiếu nguyên liệu chế biến. “Vì vậy, tôi nghĩ cần bàn tay Nhà nước trị tận gốc vấn đề để các doanh nghiệp được yên tâm kinh doanh” – vị lãnh đạo doanh nghiệp này đề xuất. |