Thực hư thao túng tiền tệ
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc, Đức và Nhật thao túng tiền tệ, điều này có đúng không?
Thực hư thao túng tiền tệ
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc, Đức và Nhật thao túng tiền tệ, điều này có đúng không?
Tuần trước, trong cuộc họp với lãnh đạo các hãng dược Mỹ, ông Trump có nhắc đến Trung Quốc và Nhật:
“Tất cả các nước khác đều kiếm lợi nhờ hạ giá đồng tiền… Hãy nhìn cách Trung Quốc đang làm, hãy nhìn cách Nhật đã làm trong nhiều năm. Họ can thiệp vào thị trường tiền tệ, còn chúng ta ngồi như một lũ ngốc”.
Trong một phát biểu khác trên báo Financial Times, cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump – ông Peter Navarro – cho rằng thặng dư thương mại của Đức là một dấu hiệu cho thấy đồng euro đang bị định giá thấp.
Ông Trump và cố vấn Navarro nói đúng hay sai? Nhà phân tích Noah Smith của Hãng Bloomberg đã có những giải thích, phản biện.
Trung Quốc
Việc Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ là không nghi ngờ gì. Nước này định giá đồng tiền của họ dựa trên giá trị trung bình của các loại tiền tệ khác.
Nhân dân tệ chỉ có thể được quy đổi trong một khung hẹp quy định bởi Nhà nước Trung Quốc.
Nếu thị trường cố đẩy nhân dân tệ ra khỏi ngưỡng đó, chính phủ sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối cho đến khi đồng tiền trở về chỗ của nó.
Trong những năm 2000, khi nhân dân tệ neo cứng vào USD, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng đồng tiền này bị định giá thấp đáng kể.
Điều này giúp Trung Quốc duy trì thâm hụt thương mại lớn với Mỹ – Trung Quốc gửi hàng hoá đến Mỹ, còn Mỹ viết giấy nợ (IOU) cho Trung Quốc.
Nhưng trong những năm gần đây tình hình đã thay đổi. Đồng nhân dân tệ không còn bị hạ giá nữa.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại, thị trường tài sản rung lắc, dòng vốn thì đang chảy ngược ra ngoài. Những yếu tố này đẩy giá trị thực của nhân dân tệ xuống thấp.
Trung Quốc vẫn đang thao túng tiền tệ, nhưng bây giờ là theo hướng đẩy lên chứ không còn dìm xuống.
Nếu Trung Quốc ngưng làm điều này, nhân dân tệ sẽ mất giá hơn nữa, kéo theo là hàng hoá Trung Quốc ở Mỹ càng trở nên rẻ.
Nhật Bản
Ông Trump cũng đúng khi nói Nhật thao túng tiền tệ trong nhiều năm, dù mức độ thao túng không thể nào bằng Trung Quốc.
Thông thường đồng yen Nhật được thả nổi trong quy đổi, nhưng thỉnh thoảng trong các giai đoạn kinh tế khó khăn, Chính phủ Nhật được cho là có can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Năm 2003 và 2004, Ngân hàng Trung ương Nhật mua vào hàng trăm triệu USD, đẩy giá yen Nhật thấp xuống so với USD để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của họ.
Nỗ lực đó thất bại. Đồng yen giảm so với USD trong năm 2004 nhưng không nhiều và cũng không kéo dài.
Nhật sau đó từ bỏ nỗ lực dìm giá đồng yen, thậm chí khi trải qua thâm hụt thương mại trong những năm sau 2010. Bài học này chứng minh thao túng tiền tệ không phải là một công cụ đáng tin, theo các nghiên cứu kinh tế.
Có người cho rằng chương trình bổ sung nguồn tiền mới vào thị trường (QE) của Ngân hàng Trung ương Nhật thông qua việc mua tài sản là một hình thức thao túng tiền tệ, nhưng điều này không đúng lắm.
Về lý thuyết, lãi suất thấp có thể khiến nguồn vốn chảy ra khỏi một quốc gia, làm suy yếu đồng tiền và nâng cao xuất khẩu. Nhưng hiệu ứng này rất yếu.
Lãi suất của Nhật đã gần như bằng 0 và không thể giảm hơn nữa, chính sách QE cũng thất bại trong việc tạo ra lạm phát kéo dài.
Thực tế là tiền không chảy ra khỏi Nhật, và nước này chỉ vừa trong ngưỡng thặng dư thương mại.
Nghĩa là ông Trump đã nói đúng về quá khứ của Nhật, nhưng hiện tại vấn đề này không còn quan trọng nữa.
Đức Về phần Đức, lập luận của cố vấn Navarro tương đối yếu. Đức là một trong 19 nước sử dụng đồng euro, nếu nói Đức thao túng đồng tiền của họ chẳng khác nào nói bang Texas thao túng USD. Có một thực tế là cách khu vực đồng euro được xây dựng giúp Đức duy trì thặng dư thương mại với các nước châu Âu khác. Về lý thuyết, các nước còn lại cần phải có chính sách tiền tệ nới lỏng hơn Đức để cân bằng dòng chảy thương mại, nhưng họ không thể vì chỉ có một chính sách tiền tệ duy nhất cho cả khu vực đồng euro. Nói cách khác, thặng dư thương mại của Đức là một vấn đề, nhưng là vấn đề trong nội bộ châu Âu và do cách xây dựng khu vực đồng tiền chung chứ không phải thao túng tiền tệ như cách Trung Quốc làm. |