13/01/2025

Thổi giá vàng, móc túi người mua

Tạo cung – cầu ảo, ép giá vàng đi ngược chiều thế giới, mua rẻ bán đắt… đó là những hành vi, thủ đoạn được nhiều tiệm vàng tận dụng để móc túi khách hàng, đẩy các “thượng đế” vào cảnh vật vã xếp hàng, thua lỗ nặng.

 

Thổi giá vàng, móc túi người mua

Tạo cung – cầu ảo, ép giá vàng đi ngược chiều thế giới, mua rẻ bán đắt… đó là những hành vi, thủ đoạn được nhiều tiệm vàng tận dụng để móc túi khách hàng, đẩy các “thượng đế” vào cảnh vật vã xếp hàng, thua lỗ nặng.


 /// Đồ họa: Du Sơn

Đồ hoạ: Du Sơn

Chưa đầy 24 giờ sau khi rất đông người dân chen lấn, xô đẩy trong ngày Thần Tài để mua vàng, các tiệm vàng đua nhau báo lãi, khoe doanh số khủng. Trả lời báo chí, bà Trần Như My, Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Doji, cho biết tính đến cuối buổi chiều ngày 6.2, hệ thống các cửa hàng đã tiêu thụ hết 80% sản phẩm, 5.000 con gà khối nguyên chất đã bán hết. Sản phẩm tăng 120%, doanh số bán ra nhiều khả năng sẽ cao hơn năm ngoái (năm 2016 đạt doanh số 365 tỉ đồng – PV).
Một “đại gia” khác là Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông PNJ, trong ngày vía Thần Tài 2017 doanh thu toàn hệ thống đạt mức kỷ lục 560 tỉ đồng (cập nhật vào lúc 20 giờ 15), cao nhất trong tất cả các năm trở lại đây. Trong đó, riêng doanh thu sản phẩm dành cho ngày Thần Tài là 490 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.
Không công khai con số cụ thể, tuy nhiên Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội) và “người hàng xóm” Phú Quý cũng khẳng định năm nay đã chuẩn bị sẵn lượng hàng nhiều gấp 2 – 3 lần năm trước. Lượng khách vào mua đông nghịt đến tận tối mịt. Còn hàng trăm, hàng ngàn công ty, cửa hàng bán vàng trên toàn quốc cũng có doanh thu gấp đôi, gấp ba ngày thường.
Sập bẫy
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu khoản doanh thu và lợi nhuận đó đến từ cách kinh doanh sòng phẳng. Còn trong ngày Thần Tài, hành vi thổi giá của nhiều công ty kinh doanh vàng quá lộ liễu. Nhìn lại diễn biến giá vàng từ đầu năm mới đến nay sẽ thấy rất rõ điều này. Cụ thể, ngày 2.2 ngày, đầu tiên của năm mới, giá vàng quốc tế có một phiên giảm mạnh tới 8,1 USD, đứng ở mức 1.202,2 USD/ounce thì giá vàng trong nước, từ đầu giờ sáng bị các “tay to” buôn vàng thổi tăng lên 37,2 triệu đồng/lượng. Sáng 3.2, giá vàng như con ngựa bất kham, tiếp tục phi lên 37,7 – 37,9 triệu đồng/lượng, tăng 220.000 đồng/lượng so với phiên trước. Điều rất lạ lùng, khó hiểu là cùng thời điểm đó vàng thế giới chỉ tăng nhẹ 0,92%.
 
 
Thổi giá vàng, móc túi người mua - ảnh 1
Mấy ngày qua dân kinh doanh vàng hốt bạc, giá nguyên vật liệu mua vào khoảng 32 triệu đồng/lượng mà bán ra lên 35 – 36 triệu đồng/lượng. Do đó giá quay đầu giảm từ ngày 6.2 đến nay là đúng rồi

Thổi giá vàng, móc túi người mua - ảnh 2
 
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB)
 

Sáng sớm ngày Thần Tài (ngày 6.2, tức mùng 10 tháng giêng), giá vàng miếng SJC, vàng trang sức vẫn được các công ty vàng bán ra ở mức rất cao, lên tới gần 38 triệu đồng/lượng. Đến khi các sản phẩm tiêu thụ ồ ạt, vàng đã xả gần hết thì “bong bóng bắt đầu xì hơi”. Giá vàng trong nước lập tức quay đầu lao dốc, cuối buổi chiều giá mua vào còn có 36,2 triệu đồng/lượng. Một lần nữa vàng trong nước ngược chiều thế giới, bởi giá vàng thế giới giao ngay tăng nhẹ 4,2 USD/ounce.

Sự bất thường của giá vàng sau ngày Thần Tài vẫn còn tiếp diễn trong ngày 7.2, giá vàng trong nước liên tục giảm nhanh, bất chấp giá thế giới tăng. Giá vàng thế giới ngày 7.2 tăng 10 USD/ounce, lên 1.231 USD/ounce, ngược lại giá vàng miếng SJC lại giảm từ 250.000 – 300.000 đồng/lượng. Giá mua – giá bán vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC còn 36,6 – 36,95 triệu đồng/lượng… Chỉ trong 2 ngày, người mua vàng lỗ khoảng 800.000 đồng/lượng. Giá vàng SJC cao hơn giá thế giới 3,3 triệu đồng/lượng.
Để tăng nhiệt cho vàng, lôi kéo người mua, một số công ty vàng còn tung ra các bản tin cập nhật giá vàng. Đơn cử như Bảo Tín Minh Châu, sáng chiều đều có bản thông tin dồn dập liên tục kèm lời khuyên cho nhà đầu tư: Giá vàng vẫn đang trong xu thế tăng mạnh do cầu cao; người dân có thể mua vàng tự nhiên để tích trữ (trích bản tin ngày 2.2). Đỉnh điểm là bản tin sáng 6.2 của công ty này với nội dung: “Giá vàng thế giới và trong nước phiên sáng nay giữ được nhịp tăng nên các chuyên gia thị trường dự báo giá vàng ngày Thần Tài có thể hướng tiến sát mốc 39 triệu đồng/lượng do lượng cầu tăng đột biến”. Thế nhưng, đến cuối buổi chiều, điều gì đến cũng phải đến, giá vàng đảo chiều lao dốc xuống còn 36,4 – 36,8 triệu đồng/lượng.
Ép giá, trục lợi
Trước sự biến động quá bất thường của giá vàng những ngày qua, TS-LS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh – Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, nhận xét: “Thị trường đã có sự đầu cơ nhất định trong ngày Thần Tài. Giá vàng trong nước đi ngược giá thế giới xuất phát từ việc thị trường vàng vật chất trong nước không liên thông với giá vàng thế giới, các nhà đầu tư trong nước tác động được thị trường”.
Một chủ tiệm vàng Q.Bình Thạnh (TP.HCM) thừa nhận từ trưa 6.2, trên thị trường xuất hiện lực bán vàng SJC chốt lời. Trưa 6.2 khách chào bán lại mấy chục lượng vàng SJC nhưng do vốn đã đổ vào chuẩn bị hàng ngày Thần Tài nên tiệm này từ chối mua. Ông Bùi Quang Tín cho rằng giá vàng miếng SJC tháng 1 có mức hợp lý nên nhiều đơn vị đã ôm vào chờ đến nay bán chốt lời. Nhưng giá chốt lời cũng có giới hạn, khi giá giảm quá thì lực bán cũng sẽ dừng. Hơn nữa nhà đầu tư cũng sợ giá thế giới đổi chiều giảm trở lại thì giá trong nước cũng sẽ giảm nhanh hơn. Thế nhưng ông Bùi Quang Tín tỏ ra lo ngại cũng có thể xảy ra hiện tượng các công ty hay quỹ đầu tư ép giá vàng trên thị trường giảm rồi sau đó mua vào để cân đối.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), phân tích: “Mấy ngày qua dân kinh doanh vàng hốt bạc, giá nguyên vật liệu mua vào khoảng 32 triệu đồng/lượng mà bán ra lên 35 – 36 triệu đồng/lượng. Do đó giá quay đầu giảm từ ngày 6.2 đến nay là đúng rồi. Các đơn vị cũng phải tranh thủ bán hết sản phẩm trong ngày Thần Tài chứ qua ngày này lại khó bán. Chính vì vậy mà mức chênh lệch giá trong và ngoài nước rút ngắn lại”. Qua sự việc lần này, ông Trần Thanh Hải cho rằng nhu cầu vàng trong dân là có nên cơ quan chức năng cần sớm có những chính sách để người dân có nơi giao dịch rõ ràng, minh bạch.
Nhận định về hiện tượng này, một chuyên gia khẳng định đây là hành vi phi thị trường, thậm chí có dấu hiệu một số “ông lớn” buôn vàng bắt tay nhau, kéo theo tất cả các tiệm vàng trong nước cùng thổi giá. “Giá vàng trong nước không thể tách rời khỏi xu hướng của vàng thế giới. Vậy mà trong nhiều ngày liên tiếp các công ty vàng luôn đảo chiều tăng – giảm để làm giá, đưa khách hàng vào bẫy mua đắt – bán rẻ, khiến nhiều người chịu thiệt hại, thua lỗ. Đây là hành vi phi thị trường, chèn ép người dân cần phải xử lý”, chuyên gia trên bình luận.

Anh Vũ – Thanh Xuân