Sóng ngầm trong Nhà Trắng
Mâu thuẫn giữa các trợ lý cấp cao bị cho là đã gây hệ lụy đến việc điều hành của ông Donald Trump trong hai tuần đầu trên cương vị tổng thống Mỹ.
Sóng ngầm trong Nhà Trắng
Mâu thuẫn giữa các trợ lý cấp cao bị cho là đã gây hệ lụy đến việc điều hành của ông Donald Trump trong hai tuần đầu trên cương vị tổng thống Mỹ.
Nhiều diễn biến kịch tính đã xảy ra trong hai tuần lễ đầu của ông Donald Trumptrên cương vị tổng thống Mỹ, với hàng loạt sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi. Thế nhưng, ít người biết phía sau đó là những thủ đoạn nhằm tranh giành quyền lực giữa các trợ lý cấp cao, cũng như áp lực đè lên ông Trump khi điều hành bộ sậu ít ỏi và bị cho là thiếu kinh nghiệm.
Tờ The New York Times ngày 6.2 nhận định ông Trump là một tổng thống có nhiều tâm huyết nhưng đang ngày càng trở nên bực tức với đội ngũ dưới quyền, vốn không kiểm soát tốt những phản ứng trái chiều liên quan đến các quyết sách từ Nhà Trắng. Trong đó có sắc lệnh di trú gây tranh cãi đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông giảm xuống mức kỷ lục so với các đời tổng thống Mỹ khác trong nhiệm kỳ đầu.
Theo Ari Fleischer, trợ lý báo chí của cựu Tổng thống George W.Bush, những xích mích giữa các trợ lý thường xảy ra trong những ngày đầu của các nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, nhưng chưa bao giờ nó xảy ra sớm và “lộ liễu” như lần này.
Nhân vật quyền lực
Giới quan sát nhận định sau khi chuyển vào Nhà Trắng, ông Trump đã bị xa cách những người ủng hộ và mất cơ hội tiếp thu phản hồi, trong khi chỉ nhận biết những gì xảy ra bên ngoài chủ yếu thông qua các báo cáo mang góc nhìn của các trợ lý.
Theo tờ The New York Times, quyền lực bên trong Nhà Trắng hiện tập trung vào phe cánh của chiến lược gia trưởng Stephen Bannon. Ông Bannon và trợ lý chính sách Stephen Miller được xem là có quyền lực “vô biên”, áp đặt ảnh hưởng của mình lên gần như mọi sắc lệnh mà ông Trump ban hành. Đây cũng chính là hai nhân vật soạn thảo sắc lệnh di trú gây tranh cãi trong những ngày qua.
Sở dĩ ông Bannon lấn lướt là vì chưa có ai đủ lực để làm đối trọng với ông. The New York Times nhận định con rể ông Trump là Jared Kushner, dù giữ vị trí cố vấn cấp cao nhưng dường như đang tập làm quen với đời sống ở Washington. Còn ông Chris Christie, Thống đốc bang New Jersey, một trong những cố vấn có kinh nghiệm quản lý nhất của ông Trump thì lại bị loại khỏi vị trí trưởng nhóm chuyển giao quyền lực từ tháng 11.2016. Ông Christie từng soạn thảo chi tiết kế hoạch nhân sự và điều hành theo “khuôn mẫu” của các đời tổng thống đảng Cộng hòa lúc mới nhậm chức, nhưng kế hoạch trên lại bị vứt bỏ và thay vào đó là các sắc lệnh hành pháp liên tiếp.
TIN LIÊN QUAN
Cố vấn ông Trump đề nghị quan chức Nhà Trắng đọc sách về Chiến tranh Việt Nam
Cố vấn cao cấp phụ trách chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Bannon đã đề nghị tất cả quan chức Nhà Trắng phải đọc cuốn sách phân tích các sai lầm của chính quyền Mỹ dẫn đến Chiến tranh Việt Nam trước đây.
Cạnh tranh ảnh hưởng
Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng hiện diễn ra giữa phe cánh của Bannon và Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus. Ông Priebus bất mãn vì có vị trí quyền lực kém hơn so với các đời chánh văn phòng tổng thống Mỹ trước đây.
Tuy vẫn tin tưởng ông Bannon song Tổng thống Trump được cho là rất tức giận vì không được báo cáo chi tiết trước khi đặt bút ký một sắc lệnh bổ nhiệm ông này giữ một ghế thường trực tại Hội đồng An ninh quốc gia hôm 28.1.
Việc thâu tóm quyền lực của ông Bannon làm dấy lên làn sóng chỉ trích hết sức gay gắt của dư luận. Vì vậy, ông Trump đã chỉ đạo Chánh văn phòng Priebus áp dụng phương thức quy củ hơn để ông có thể tham gia sớm hơn vào quá trình soạn thảo các sắc lệnh hành pháp.
Một thay đổi nữa là Nhà Trắng sẽ có cơ chế kiểm tra đối với Bannon và Miller. Ông Priebus cũng khuyên ông Trump nên thay đổi cách vận hành liên quan đến chính sách và truyền thông. Theo nhiều trợ lý, ông Priebus đã lập một danh sách gồm 10 mục cần phải thông qua trước khi đưa ra bất cứ sáng kiến nào, bao gồm chữ ký của bộ phận truyền thông và thư ký Nhà Trắng Robert Porter.
Nhà Trắng lộ hàng loạt thông tin mật
Tờ The Washington Post nhận định lượng thông tin mật không chỉ “rò rỉ” mà được tuồn ra “ồ ạt” từ Nhà Trắng những ngày qua cho thấy đang tồn tại những bất đồng và nghi ngờ về các chính sách từ một số cá nhân ở Nhà Trắng. Đây cũng có thể là động thái của một phe nhóm nhằm cô lập đối thủ cạnh tranh quyền lực và tạo áp lực dư luận để phản đối quyết sách mà họ không đồng tình. Trong số thông tin mật từ Nhà Trắng bị tiết lộ có chi tiết về các cuộc điện đàm giữa ông Trump với lãnh đạo Mexico và Úc, công tác chuẩn bị nhân sự cho Tòa án tối cao và bản thảo sắc lệnh nhằm bảo vệ những người kỳ thị hôn nhân đồng giới.
|
Khánh An