12/01/2025

‘Donald Trump phiên bản nữ’ của Pháp

Lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) Marine Le Pen hôm 5-2 tuyên bố tranh cử tổng thống Pháp 2017. Bà cam kết đặt “nước Pháp trên hết”, theo phong cách rất giống Tổng thống Mỹ Donald Trump.

 

‘Donald Trump phiên bản nữ’ của Pháp

Lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) Marine Le Pen hôm 5-2 tuyên bố tranh cử tổng thống Pháp 2017. Bà cam kết đặt “nước Pháp trên hết”, theo phong cách rất giống Tổng thống Mỹ Donald Trump.

 

 

 

'Donald Trump phiên bản nữ' của Pháp
Bà Marine Le Pen đang là một trong những ứng viên sáng giá nhất trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp năm nay – Ảnh: Reuters

Quá khứ của nữ chính trị gia 48 tuổi Le Pen khiến bà cực đoan với người nhập cư. Tình hình chính trị – xã hội tại Pháp hiện nay nhiều khả năng sẽ giúp bà chiến thắng theo cách của ông Donald Trump tại Mỹ.

Chống EU, 
chống toàn cầu hoá

Cũng giống như ông Trump, bà Le Pen chủ trương lấy lợi ích quốc gia đặt lên hàng đầu. Vì thế, không lạ khi bà theo đuổi tư tưởng rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu cần thiết.

Lãnh đạo FN chỉ trích các tình trạng như nhập cư hàng loạt, toàn cầu hoá và chủ nghĩa tài trợ khủng bố, đồng thời khẳng định bà muốn Pháp là một quốc gia “không nợ nần bất cứ ai”.

Trong tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống tại TP Lyon vừa qua, bà Le Pen tiếp tục ca ngợi việc Anh rời EU và kêu gọi người Pháp hành động theo những người Mỹ đã bỏ phiếu cho ông Trump, rằng họ nên “đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên hết”.

Bà Le Pen cũng so sánh toàn cầu hóa như chế độ nô lệ, nói rằng đó là “sản xuất với những nô lệ để bán cho những người thất nghiệp”. Tuyên bố FN sẽ là đảng tập trung cho “địa phương, không phải toàn cầu” của bà Le Pen nhận được sự tán thưởng từ đám đông khoảng 3.000 người, theo ghi nhận của AFP.

“Người Pháp đã bị tước đoạt lòng yêu nước. Họ đang gặp phải sự im lặng từ việc không được phép yêu mến quê hương… Sự chia rẽ ở đây không phải ở cánh tả hay cánh hữu, mà là giữa người yêu nước và kẻ theo đuổi tính toàn cầu hoá” – bà Le Pen tuyên bố.

Tại Pháp có những ứng viên bị dư luận xem là dân tuý như Marine Le Pen, Jean-Luc Mélenchon hay Nicolas Dupont-Aignan. Bà Le Pen được dự đoán thắng vòng bầu cử đầu tiên, nhưng sẽ thua ở vòng tiếp theo.

PERRINE FABRE (một giáo viên ở Pháp) chia sẻ với Tuổi Trẻ

Truyền thông quốc tế nhận định bà Le Pen là đại diện cho làn sóng dân túy khắp thế giới, và so sánh bà với Tổng thống Mỹ Donald Trump – người cũng đặt “nước Mỹ trên hết”, và theo đuổi khuynh hướng rút khỏi các hiệp định thương mại quốc tế nếu nó không phục vụ lợi ích quốc gia. Ngoài ra, bà Le Pen cũng giống ông Trump ở chỗ từng tuyên bố cải thiện quan hệ với Nga.

Các cuộc khảo sát trước bầu cử cho thấy nữ chính trị gia tự xưng là “ứng viên của nhân dân” này đang là nhân vật nổi trội bậc nhất cho chặng đua vào điện Elysée năm nay.

Quá khứ hình thành chính kiến

Có thể nói bà Le Pen là “phiên bản” rất giống với ông Donald Trump về khuynh hướng chính trị. Nếu ông Trump là người đang hứng chỉ trích về vấn đề nhập cư, bà Le Pen thậm chí còn cứng rắn hơn thế.

Sinh ngày 5-8-1968 tại Neuilly-sur-Seine, tây Paris, bà Le Pen chính là con gái ruột của Jean-Marie Le Pen – người sáng lập Đảng FN hiện nay. Bà Le Pen đã hai lần ly hôn, có ba người con và thường xuyên phải “nài nỉ” báo chí tôn trọng sự riêng tư của con cái mình.

Bà được biết là người có tài diễn thuyết trước công chúng và không giấu giếm tham vọng tiếp nối sự nghiệp chính trị của cha. Năm 1998, bà bắt đầu giữ vai trò cố vấn pháp lý cho Đảng FN của ông Jean-Marie, trước lúc thăng tiến thành phó chủ tịch FN, làm thành viên của Nghị viện châu Âu, thành viên Quốc hội Pháp. Năm 2011, bà Le Pen chính thức kế nhiệm cha làm chủ tịch FN.

Đài CNN (Mỹ) trong bài viết mô tả bà Le Pen dẫn lại sự kiện rằng một vụ nổ bom gần căn hộ gia đình bà ở Paris năm bà 8 tuổi đã khiến người phụ nữ này bắt đầu chú ý tới công việc của cha. Sau khi cha mẹ ly hôn, bà Le Pen càng dành nhiều thời gian ở trong văn phòng của cha.

Dù có nhiều mâu thuẫn với ông Jean-Marie, song bà Le Pen có điểm chung với cha về vấn đề nhập cư, và hiện vẫn lấy đó làm quan điểm cốt lõi trên chính trường. Bà muốn giảm số lượng người nhập cư hợp pháp từ 200.000 người xuống còn chỉ 10.000 người mỗi năm, đồng thời hạn chế việc dân nhập cư tiếp cận các cơ quan công quyền, theo CNN.

Bà Le Pen tin rằng chỉ chính sách của bà có thể bảo vệ lợi ích của nước Pháp, và tự nhận là nhân vật chiến thắng xứng đáng đại diện cho người lao động chân tay ở Pháp.

Cục diện tranh cử tổng thống Pháp 2017

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra vào tháng 4 và 5-2017. Vòng đầu tiên tổ chức ngày 23-4, vòng hai dự kiến diễn ra ngày 7-5.

Ngoài bà Le Pen (Đảng FN), các ứng viên sáng giá còn lại có thể kể đến Benoît Hamon (Đảng Xã hội), François Fillon (Đảng Cộng hòa), Emmanuel Macron (Đảng Xung phong – En Marche!), Jean-Luc Mélenchon (Đảng Mặt trận cánh tả)…

Với việc đương kim Tổng thống Pháp François Hollande đang “mất uy tín”, cuộc chơi được cho san sẻ đều đối với các ứng viên còn lại. Ông François Fillon trước đây khá nổi bật, nhưng lại gặp hạn vì vụ bê bối “làm việc giả” của vợ mình. Trong bối cảnh ấy, bà Marine Le Pen là người duy nhất trong số các ứng viên đến nay được dự đoán chắc chắn vượt qua vòng một, nhưng lại chịu dự đoán bi quan ở vòng hai. Đối thủ lớn nhất của bà Le Pen và cũng là người được đánh giá rất cao lúc này là ông Macron, cựu bộ trưởng kinh tế, tài chính và công nghiệp Pháp.

Vừa qua, ông Macron cũng tự sáng lập Đảng Xung phong. Người đàn ông 39 tuổi này nổi bật trên chính trường Pháp từ chỗ hầu như vô danh hai năm qua, giờ trở thành một trong những ứng viên sáng giá nhất cạnh tranh với bà Le Pen.

NHẬT ĐĂNG