11/01/2025

Cơ hội cho ASEAN từ sắc lệnh của ông Trump

ASEAN đang đứng trước cơ hội mới về du lịch, giáo dục và thu hút nhân tài đến từ sắc lệnh di trú gây tranh cãi của tổng thống Mỹ.

 

Cơ hội cho ASEAN từ sắc lệnh của ông Trump

ASEAN đang đứng trước cơ hội mới về du lịch, giáo dục và thu hút nhân tài đến từ sắc lệnh di trú gây tranh cãi của tổng thống Mỹ.



 

Indonesia mong đợi sẽ thắng đậm khi quảng bá du lịch HalalSHUTTERSTOCK

Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump có hiệu lực từ ngày 28.1 hạn chế nhập cảnh trong vòng 90 ngày đối với công dân 7 nước Hồi giáo là Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen. Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng “đóng băng” chương trình di dân suốt 120 ngày và cấm tiếp nhận vô thời hạn dân tị nạn từ Syria. Đến nay, việc áp dụng sắc lệnh đã tạm ngưng do phản ứng gay gắt từ chính quyền một số bang cũng như lệnh đình chỉ từ ít nhất 2 thẩm phán liên bang.
Tuy nhiên, động thái của Nhà Trắng vẫn gây tâm lý hoang mang cho người dân nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là du học sinh, du khách và người lao động. Theo giới quan sát, đây có thể là cơ hội mới cho ASEAN để mở rộng thị trường và tăng cường quan hệ về nhiều mặt với các quốc gia Hồi giáo.
Thời cơ của du lịch
Reuters dẫn lời ông Tony Fernandes, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng AirAsia, trụ sở tại Malaysia, nhận định rằng tuy sắc lệnh của ông Trump chỉ áp dụng đối với 7 nước nhưng vẫn gây ái ngại cho du khách đến từ những nước Hồi giáo khác. Vì thế, 10 thành viên ASEAN nên nhân cơ hội này thu hút các luồng du khách đang e ngại Mỹ. Theo ông, hiện các điểm đến nổi tiếng trên thế giới như Mỹ và châu Âu đều thể hiện xu hướng tự biệt lập hơn trước và “đã đến lúc ASEAN nên bắt đầu tạo điều kiện dễ dàng hơn cho du khách đến khu vực”.
Tính riêng trong khối, Malaysia vẫn là điểm đến được du khách Trung Đông ưa chuộng, với gần 200.000 lượt người nhập cảnh từ những quốc gia giàu có như UAE, Ả Rập Xê Út, Qatar… trong năm 2016. Nước này cũng là điểm đến chủ yếu của diện khách đến vì mục đích du lịch chữa bệnh và du lịch kiểu halal, tức phù hợp với lối sống hằng ngày của những người theo đạo Hồi. Nhờ vậy, Malaysia đang đứng đầu trong bảng chỉ số du lịch Hồi giáo toàn cầu năm 2016. Trong khi đó, Indonesia đứng thứ tư nhưng đang hướng tới mục tiêu “truất ngôi đầu” của quốc gia láng giềng.
Trang Tempo dẫn lời Bộ trưởng Du lịch Indonesia Arief Yahya cho biết thị trường du lịch halal thế giới được dự báo sẽ tăng lên 233 tỉ USD vào năm 2020 từ mức 116 tỉ USD trong năm 2016 và Jakarta quyết đón đầu xu hướng này. Trong đó, sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump có thể là “đòn bẩy” cho các nước Đông Nam Á.
Tương tự, Thái Lan kỳ vọng thu hút khách thuộc nhóm du lịch chữa bệnh và giới hữu trách du lịch đánh giá lượng khách nước ngoài sẽ gia tăng trong trường hợp tiếp tục xảy ra tranh cãi và thiếu ổn định về nhập cảnh và di trú tại Mỹ. “Trung Đông là thị trường lớn đối với chúng tôi, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch chữa bệnh. Họ có thể lựa chọn đến Thái Lan nhiều hơn, tạo đà phát triển cho mảng kinh doanh đầy tiềm năng này”, Reuters dẫn lời Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan Yuthasak Supasorn nói.
Lao động chất lượng cao
Đến nay, Mỹ vẫn là miền đất hứa thu hút chất xám từ khắp thế giới, tuy nhiên điều này có thể sẽ thay đổi. Theo tờ The South China Morning Post, bị “sốc” trước những cảnh tượng hỗn loạn ở các phi trường quốc tế Mỹ trong thời gian qua, giới lao động công nghệ cao trên thế giới đang tìm kiếm những đích đến phù hợp và dễ thở hơn. Tờ báo Hồng Kông dẫn lời Ali Nikdel đang theo học thạc sĩ công nghệ thông tin ở Đại học Waterloo (Canada) cho biết anh đã nhận được lời mời làm việc tại Mỹ. Thế nhưng Nikdel quyết định từ bỏ ý định lập nghiệp tại Mỹ vì anh là người Iran. “Tôi sẽ không cân nhắc công việc đó một lần nữa dù sau này Mỹ có dỡ bỏ lệnh cấm”, Nikdel nói.
Tương tự, giới sinh viên và lao động tay nghề cao đang cân nhắc lại sự lựa chọn của bản thân, và có vẻ như Đông Nam Á trở thành đích đến hấp dẫn mới. Những người muốn làm việc trong lĩnh vực công nghệ và khởi nghiệp đang hướng tới Thái Lan, Việt Nam và Indonesia nhờ mức sống hợp lý, hầu như không tồn tại tệ nạn kỳ thị và tiềm năng phát triển mạnh của kinh tế công nghệ. Trong khi đó, Singapore đang nỗ lực bù đắp “điểm yếu” giá cả đắt đỏ của mình bằng chính sách đãi ngộ cũng như đẩy mạnh phát triển để biến nước này trở thành đầu mối công nghệ đẳng cấp thế giới.
Ngoài ra, giới chuyên gia đánh giá nếu được quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, ASEAN cũng có thể trở thành điểm thu hút du học sinh khi một số thành viên cũng đã có những trường được đánh giá là mang đẳng cấp quốc tế. Mới đây, chuyên san Times Higher Education (trụ sở tại London, Anh) đã xếp Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đứng thứ tư trong danh sách những đại học quốc tế tốt nhất thế giới, vượt qua cả những tên tuổi truyền thống như Oxford, Cambridge và Harvard.

 

Thuỵ Miên