11/01/2025

Thi THPT quốc gia: Cần lấy điểm 1 môn, phải thi luôn 3 môn?

Nhiều ý kiến tranh luận xung quanh quy định để tăng cơ hội xét tuyển ĐH, thí sinh là học sinh phổ thông bắt buộc phải thi hết cả 3 môn thành phần của bài tổ hợp chứ không được quyền dự thi từng môn lẻ.

 

Thi THPT quốc gia: Cần lấy điểm 1 môn, phải thi luôn 3 môn?

Nhiều ý kiến tranh luận xung quanh quy định để tăng cơ hội xét tuyển ĐH, thí sinh là học sinh phổ thông bắt buộc phải thi hết cả 3 môn thành phần của bài tổ hợp chứ không được quyền dự thi từng môn lẻ. 



Việc phải làm hết các môn bài thi tổ hợp thứ hai sẽ tạo áp lực cho thí sinh 
 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Việc phải làm hết các môn bài thi tổ hợp thứ hai sẽ tạo áp lực cho thí sinhẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Phần lớn các ý kiến phản biện cho rằng điều này vô tình tạo áp lực không đáng cho thí sinh.
Theo Quy chế thi THPT quốc gia năm nay, để xét công nhận tốt nghiệp thì thí sinh (TS) là học sinh THPT thi 4 bài (toán, văn, ngoại ngữ và một bài tổ hợp tự chọn). Để tăng cơ hội xét tuyển ĐH, TS có thể thi cả 2 bài tổ hợp, khi đó điểm bài thi nào cao hơn được tính điểm xét tốt nghiệp. Chỉ những TS đã tốt nghiệp (TS tự do) mới được quyền lựa chọn dự thi từng môn thành phần của bài thi tổ hợp. Còn TS chưa tốt nghiệp, ngoài bài thi tổ hợp xét tốt nghiệp, bắt buộc phải thi hết cả 3 môn thành phần của bài tổ hợp thứ hai.
Thi THPT quốc gia: Cần lấy điểm 1 môn, phải thi luôn 3 môn? - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Tích hợp nhiều tiện ích trong một cẩm nang

Năm nay, lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan với hầu hết các môn thi (trừ ngữ văn). Với các thí sinh (TS), đây là điểm đổi mới đáng lưu ý nhất trong kỳ thi năm nay.


Tạo áp lực không đáng cho thí sinh
Những ý kiến phản biện với quy định này đều quan tâm tới quyền lợi TS. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng khi từng môn thành phần trong bài thi tổ hợp đã có đề riêng, thời gian thi riêng thì không nên bắt buộc những TS chỉ có nguyện vọng thi 1 – 2 môn phải dự thi hết cả bài tổ hợp. Vì chỉ có nguyện vọng lấy điểm 1 môn mà phải dự thi cả 3 môn thì quá cực cho TS, và hình thức này đã vô tình tạo áp lực không đáng cho TS.
Đại diện một sở GD-ĐT tại ĐBSCL cho biết sở đã áp dụng hình thức thi trắc nghiệm 2 bài thi tổ hợp trong đợt kiểm tra học kỳ 1 vừa rồi và nhận thấy nhiều học sinh (HS) bị đuối khi thi liên tiếp 3 môn. “Dù chỉ 1 bài thi tổ hợp nhưng bản chất vẫn là 3 môn khác nhau. Vì vậy, bắt buộc TS phải thi hết cả 6 môn của 2 bài thi tổ hợp, trong đó có những môn không có mục đích sử dụng sẽ rất tội cho TS. Với nhiều tổ hợp xét tuyển mới mà các trường ĐH, CĐ công bố trong phương án dự kiến, TS phải thi thêm môn thành phần của bài thi tổ hợp để tăng cơ hội xét tuyển. Chẳng hạn phương án tuyển sinh Trường ĐH Luật TP.HCM, ngoài tổ hợp truyền thống thì để mở rộng cơ hội trúng tuyển, TS phải thi thêm môn giáo dục công dân của bài thi khoa học xã hội để xét tuyển bằng nhiều tổ hợp”, người này nói.

Lãnh đạo phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cũng cho rằng không nhất thiết buộc TS phải thi hết cả 3 môn nếu chỉ có nhu cầu lấy điểm 1 – 2 môn phục vụ xét tuyển. Từ đó, lãnh đạo này đề xuất cần cho phép TS xác định rõ bài thi tổ hợp để xét tốt nghiệp và môn tự chọn thi thêm nhằm xét tuyển ĐH. Khi tổ chức thi, ở 2 bài tổ hợp, những TS chọn thi môn lẻ nên được xếp chung để dự thi cùng với TS tự do vì thực tế sẽ không quá nhiều TS rơi vào trường hợp này.

Ông Lê Ngọc Linh, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Tiền Giang, cũng đồng tình việc cho phép TS thi từng môn để phục vụ xét tuyển và xếp các TS này dự thi chung với TS tự do. Khi đó, các TS này sẽ thi theo từng môn chứ không thi theo bài, sẽ giữ trật tự trong và ngoài phòng thi mà vẫn đảm bảo được quyền lợi TS. Bởi nếu cho phép TS thi từng môn lẻ nhưng vẫn chung phòng thi với TS thi đủ 3 môn thì sẽ rất phức tạp. Các năm trước, TS tự do vẫn thi chung với TS các trường phổ thông thì việc ghép chung này không có gì khó khăn khi thực hiện.

Cần quy định điểm liệt chỉ tính với bài thi xét tốt nghiệp

Lo ngại có sự xáo trộn trong công tác coi thi, có những ý kiến đồng tình với quy chế cho rằng TS có thể thi 3 môn nhưng Bộ cần quy định rõ hơn về điểm liệt để không thiệt thòi cho TS.
Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nêu ý kiến: “Mọi phương án khác sẽ chỉ là chắp vá nên ổn nhất trong tổ chức thì TS vẫn phải thi hết 3 môn. Trong trường hợp này, TS chỉ cần tập trung làm tốt môn thi của mình. Khi đó, Bộ cần có quy định rõ về cách tính điểm liệt, để điểm liệt chỉ tính với bài thi tổ hợp sử dụng xét tốt nghiệp, không tính với bài thi còn lại”.


Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết để tránh phức tạp cho các hội đồng thi trong khâu sắp xếp, TS nên thực hiện theo phương án được đưa ra trong quy chế. Khi đó, mỗi môn thành phần bài thi được xem là một phần của bài thi trắc nghiệm và không quy định điểm liệt với bài thi tổ hợp không sử dụng để xét tốt nghiệp. Như vậy, TS tham dự mà không cần thiết phải làm tốt tất cả các môn.

Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, để đảm bảo sự ổn định, tránh lộn xộn của các hội đồng thi thì TS nên thi hết cả 3 môn vì sẽ không nhiều TS có nhu cầu này. Việc cho phép TS vô ra trong từng môn thi sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn trong giám sát cũng như đảm bảo một kỳ thi nghiêm túc.


Nên linh động cho TS lựa chọn
Với trường hợp HS lựa chọn thi cả 2 tổ hợp thì trường sẽ tính toán và tư vấn thật kỹ, vì đôi khi chỉ cần điểm 1 môn các em vẫn bắt buộc phải tham gia thi cả 3 môn trong tổ hợp đăng ký. Điều này sẽ khiến các em mệt mỏi và áp lực. Thay vì bắt HS thi đủ cả tổ hợp gồm 3 môn, Bộ nên linh động cho HS được phép lựa chọn và thi môn mà mình có nhu cầu lấy điểm, giúp các em giảm mệt mỏi trong mùa thi.
Trương Thị Bích Thuỷ  (Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TP.HCM)
Áp lực rất lớn
Với quy định HS phổ thông có quyền thi cả 2 bài thi tổ hợp, em và rất nhiều bạn muốn lựa chọn thi cả hai để cơ hội trúng tuyển cao hơn. Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng sẽ lấy đủ kết quả của tất cả các môn thi để xét tuyển mà có khi chỉ cần điểm của 1 hoặc 2 môn. Như vậy, việc ngồi trong phòng thi suốt thời gian còn lại là không có ý nghĩa. Áp lực từ kỳ thi THPT quốc gia là rất lớn. Ngoài những môn học chuyên sâu thì việc phải học thêm những môn khác để làm cho đủ cả bài thi tổ hợp sẽ chỉ là đối phó và không đảm bảo về mặt kiến thức.
Bùi Tấn Tài (HS Trường THPT Marie Curie, TP.HCM) 
Bị điểm thấp cũng rất ngại
Em dự tính sẽ thi cả 2 bài thi tổ hợp, sau đó lấy điểm môn ngữ văn, vật lý, địa lý, lịch sử để kết hợp xét tuyển ĐH. Cộng tổng với các môn bắt buộc thì số lượng môn em phải thi là 9. Nếu khi tham gia bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên mà 2 môn hóa, sinh bị điểm kém thì em cũng rất ngại. Đó là chưa kể trường hợp xấu bị điểm 0 thì sẽ ảnh hưởng tới kết quả thi môn vật lý.
Trần Mạnh Đức (HS Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM)
Lam Ngọc (ghi)


 

Hà Ánh