|
Các ngân hàng có rất nhiều cách để chào mời khách hàng mở thẻ. Tuy nhiên khách hàng cần căn cứ theo nhu cầu của mình cũng như tìm hiểu kỹ các điều kiện để tránh phải trả phí oan – Ảnh: Thuận Thắng |
Do chưa có nhu cầu và quên luôn ba chiếc thẻ này, đến tháng 5-2016, anh Q. cùng lúc nhận được hàng loạt yêu cầu thu phí từ ngân hàng với số phí cho mỗi chiếc thẻ tín dụng quốc tế lên đến vài trăm ngàn đồng.
“Bút sa gà chết”
Anh P.V.Q. cho biết số tiền anh bị ngân hàng đòi nợ lần đầu tiên đối với thẻ mang thương hiệu American Express là 250.000 đồng, gồm 200.000 đồng phí và 50.000 đồng phí phạt do chậm thanh toán.
Với thẻ tín dụng mang thương hiệu Visa, anh Q. cũng bị thu 150.000 đồng phí và 50.000 đồng tiền phạt.
Trong thông báo thu phí, ngân hàng cho biết từ tháng 4-2016 (nghĩa là từ năm sử dụng thứ 2) anh Q. chưa thanh toán phí, nên yêu cầu phải thanh toán ngay để tránh tiền lãi và phí phạt.
Cho rằng từ ngày mở thẻ đến nay mình chưa từng sử dụng thẻ, anh Q. quyết định không thanh toán. Sự việc không dừng ở đó, mới đây anh lại nhận thêm một thư đòi nợ thứ 2 của thẻ American Express với số tiền lên 600.000 đồng, gồm phí 550.000 đồng và 50.000 đồng phí phạt.
“Khi mở thẻ, nhân viên ngân hàng chỉ nói là mở thẻ được miễn phí chứ không thông báo cho tôi là chủ thẻ sẽ bị thu phí từ năm thứ 2. Bây giờ ngân hàng có quyền thu phí và lãi phạt của tôi hay không?” – anh Q. lo lắng.
Đó không phải là trường hợp cá biệt. Chị T.H. (Q.3) cùng cơ quan với anh Q. cũng xiêu lòng trước lời mời gọi của ngân hàng và mở thẻ tín dụng quốc tế trong đợt khuyến mãi tháng 4-2015, sau đó một năm cũng bị ngân hàng thu 200.000 đồng tiền phí và lãi phạt.
Trước đó Tuổi Trẻ từng phản ánh trường hợp chị T.T. (Q.Tân Bình) mở cùng lúc bốn loại thẻ quốc tế để được tặng một vé máy bay khứ hồi đi Hong Kong, theo lời mời của nhân viên ngân hàng này.
Tuy nhiên sau khi mở thẻ, chị mới biết phải sử dụng thẻ để thanh toán lệ phí của vé máy bay là 50 USD, rồi bị tính thêm 4% phí chuyển đổi ngoại tệ của ngân hàng này.
Chưa hết, trong bốn thẻ đã mở tại ngân hàng, chị T. chỉ sử dụng hai thẻ của ngân hàng này để mua hàng, hai thẻ còn lại chị không hề đụng đến và nghĩ rằng thẻ mình chưa kích hoạt chắc không có vấn đề gì.
Do không đọc kỹ hợp đồng khi mở thẻ, chị T. không biết rằng sau một năm cả hai thẻ kia sẽ tự động phát sinh phí thường niên, trong đó một thẻ có mức phí 880.000 đồng và thẻ còn lại chịu mức phí 660.000 đồng.
Do quá hạn thanh toán một ngày, chị T. còn chịu phát sinh 300.000 đồng phí phạt trễ hạn. Phản ảnh đến ngân hàng, chị T. được trả lời là việc thẻ tự phát sinh phí thường niên trong hợp đồng đã có đề cập.
Phải đọc kỹ hợp đồng
Các ngân hàng đang chạy đua phát hành thẻ với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu không đọc kỹ hợp đồng trước khi ký, người tiêu dùng có thể sẽ gặp nhiều rắc rối không ngờ tới sau này.
Để mời khách hàng mở thẻ, các ngân hàng thường có nhiều chính sách hấp dẫn như miễn phí thường niên năm đầu tiên, tặng vé máy bay, tặng vali, tặng tiền, hoàn tiền khi mua sắm đến một mức nhất định…
Người có nhu cầu và biết cách sử dụng có thể tận dụng được rất nhiều ưu đãi này từ thẻ tín dụng. Với người chưa có nhu cầu thì nên cân nhắc vì thông thường sau một năm sử dụng thẻ sẽ phát sinh phí thường niên.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, biểu phí thường niên của các ngân hàng trong nước hiện dao động từ 200.000 – 500.000 đồng/năm, tùy theo loại thẻ và hạn mức tín dụng. Còn tại các ngân hàng nước ngoài, mức phí thường niên rất cao, phổ biến từ 1,1 – 1,2 triệu đồng/thẻ.
Chưa kể mới đây có ngân hàng nước ngoài còn áp dụng tính phí theo tháng với mức 165.000 đồng/tháng, tương đương 1,98 triệu đồng/năm.
Về nguyên tắc, ngân hàng sẽ phải tư vấn đầy đủ cho người dùng về các quyền lợi cũng như nghĩa vụ khi mở thẻ, đặc biệt là mức phí. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều trường hợp nhân viên tiếp thị chỉ nêu lên những quyền lợi mà lờ đi các điểm bất lợi khiến nhiều người không am hiểu về thẻ “dính bẫy”.
Chưa kể trong các hợp đồng mở thẻ đều có điều khoản về việc khách hàng đã đọc và đồng ý với các điều kiện và điều khoản mà ngân hàng nêu ra.
Theo chuyên gia thẻ Huỳnh Trung Minh, khi đã đặt bút ký vào hợp đồng nghĩa là khách hàng đã đọc và hiểu rõ các điều kiện và điều khoản mà ngân hàng đặt ra. ngân hàng đều có lưu lại các chứng từ và chữ ký của chủ thẻ.
“Do vậy trước khi ký hợp đồng mở thẻ, khách hàng phải xem mình thực sự có nhu cầu dùng thẻ hay không. Nếu có thì xem kỹ những nghĩa vụ cũng như quyền lợi phải đáp ứng khi mở thẻ. Trong trường hợp vì khuyến mãi mà mở thẻ, chủ thẻ phải ghi nhớ thời gian để kịp hủy thẻ ngay khi kết thúc năm đầu tiên để tránh bị thu phí khi bước sang năm thứ 2” – ông Minh khuyên.
Phải làm rõ
về chính sách
thu phí
Trong thông báo phát hành vào tháng 11-2016, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương khẳng định việc NH tự ý thu phí thường niên thẻ năm thứ 2 mà không có thoả thuận trước, không thông báo và không được sự đồng ý của người tiêu dùng là vi phạm khoản 5 điều 10 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về các hành vi bị cấm.
Để tránh các tranh chấp phát sinh liên quan đến hành vi này, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo trong quá trình sử dụng thẻ, người tiêu dùng cần liên hệ và làm rõ với ngân hàng về chính sách thu phí thẻ, số tiền, thời điểm thu…
Đặc biệt, do thẻ tín dụng thu phí theo từng năm nên người tiêu dùng cần làm rõ sau khi hết hạn sử dụng của năm đầu tiên, thẻ sẽ được gia hạn tự động hay theo thoả thuận giữa người tiêu dùng với NH; việc thu phí từ năm thứ 2 trở đi có được thông báo trước cho người tiêu dùng hay không, phương thức thông báo như thế nào…
|
ÁNH HỒNG