Thuốc thử mới cho quan hệ Ấn – Trung
Thoả thuận hợp tác quốc phòng biên giới (BDCA) ký kết tuần này trong chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, đúng như tên gọi của nó “Hợp tác quốc phòng biên giới”
Thuốc thử mới cho quan hệ Ấn – Trung
Thoả thuận hợp tác quốc phòng biên giới (BDCA) ký kết tuần này trong chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, đúng như tên gọi của nó “Hợp tác quốc phòng biên giới”, là một dấu chỉ mới cho thấy trên bề nổi quan hệ hai nước này đang chuyển qua một giai đoạn mang tính cách “hợp tác”, không còn trong giai đoạn “đôi công” ở biên giới như trước kia.
Ấn – Trung hoà hoãn?Ấn – Trung khôi phục tập trận chung
Hôm qua, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết đã điều máy bay F15 của Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) xuất kích khi có tin bốn chiếc máy bay Trung Quốc, trong đó có hai chiếc Y-8 (ảnh) và hai chiếc máy bay ném bom H-6, lởn vởn trên vùng trời giữa đảo Okinawa và Miyako. Báo Asahi Shimbun đưa tin trong khoảng tháng 7-9 năm nay, máy bay Trung Quốc đã 80 lần tiếp cận không phận của Nhật – Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật |
Nếu nhớ lại vụ đôi co kéo dài những 20 ngày (từ ngày 15-4 đến ngày 5-5 năm nay) sau khi một lực lượng cỡ trung đội phía Trung Quốc bỗng dưng dựng trại ở khu vực giới tuyến cách Daulat Beg Oldi 30km về phía nam, khiến phía Ấn Độ phải kéo quân đến dựng trại cách đó 300m, tức hoàn toàn trong tầm súng trường, thì có thể thấy nguy cơ xung đột lớn đến đâu! Cuối cùng, sau những thương thuyết vất vả, đến ngày 5-5 hai bên nhất trí cùng nhổ trại, rút quân đi, kịp cho tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (vừa nhậm chức tháng 3) sang thăm New Delhi vào hạ tuần tháng 5 đó! Trong quá khứ, những hành vi “giỡn mặt tử thần” kiểu đó thường xuyên diễn ra! Từ những vụ “kênh nhau” đó, sẽ thấy hết ý nghĩa của cụm từ “Thoả thuận hợp tác quốc phòng biên giới” mà hai bên vừa ký.
“Hợp tác quốc phòng” ở đây chưa phải là cùng nhau tập trận như Trung Quốc với Pakistan, mà mới chỉ là thông báo cho nhau những điều động quân sự của mình ở khu vực biên giới. Cụ thể, lính biên phòng hai bên sẽ thôi không diễn trò mèo chuột “Tom và Jerry” với nhau dọc khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya, để rồi thỉnh thoảng lại bóp cò và bom bay đạn lạc! Từ nay, hai bên sẽ tăng cường trao đổi thông tin về các hoạt động của mỗi bên ở khu vực biên giới, sẽ có những cuộc họp định kỳ tại một số giao điểm ở biên giới.
Để đi đến thỏa thuận này, hai bên đã lập ra cơ chế đàm phán gồm các đại diện đặc biệt (SRs) nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề. Thủ tướng Singh cho biết sau những đàm phán cật lực, hai bên đã đạt đến một số thông số chính trị cùng nguyên tắc chỉ đạo nhằm tiến đến một cái khung cho một giải pháp về biên giới. Tất nhiên, đó mới chỉ là bước đầu và sẽ còn mất nhiều thời gian nữa để giải quyết vấn đề “lịch sử” này, Thủ tướng Singh kết luận.
Khách quan từ bên ngoài nhìn vào, có thể thấy BDCA này chính là cam kết duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực biên giới, được thể hiện bằng văn bản chính thức và chữ ký của những người lãnh đạo hai chính phủ, và bao gồm những quy định cụ thể như một bản quy ước ứng xử mang tính bắt buộc.
Thời gian và thực tế sẽ cho thấy giá trị thật sự của thỏa thuận cấp chính phủ này. Nhất cử nhất động của quân đội mỗi bên dọc theo 4.000km biên giới sẽ có được thông báo cho nhau hay không, các vụ dựng đồn, lập trại mới ở những vị trí nhạy cảm có còn tiếp tục hay sẽ chấm dứt…, tất cả sẽ chứng tỏ lòng tin chiến lược mà thoả thuận này nêu ra sẽ có thật sự được xây dựng hay không, hoặc giả thoả thuận này chỉ là một tờ giấy lộn thêm nữa.
Đây cũng là một chỉ báo cho viễn tượng của những thoả thuận tương tự với những tên gọi khác, như Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) đang chậm rãi đàm phán xuân thu nhị kỳ hai lần một năm cũng sẽ là “Thoả thuận hợp tác quốc phòng trên biển” với những quy định nghiêm nhặt không khiêu khích… Hi vọng rằng phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường về thoả thuận này là: “Tôi chắc chắn rằng thoả thuận này sẽ giúp duy trì hoà bình, yên tĩnh và ổn định trong khu vực biên giới” cũng đồng thời phản ánh “giấc mơ phát triển” trong hoà bình của nhà nước mới ở Trung Quốc.
Binh pháp Tôn Tử hại chính sách ngoại giao Trung Quốc Trong cuốn sách mới xuất bản The rise of China vs the logic of strategy (Sự trỗi dậy của Trung Quốc đối lập logic của chiến lược), tác giả – chiến lược gia quân sự Edward Luttwak, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định rằng việc Trung Quốc thực hiện các hành vi bắt nạt các nước láng giềng là xuất phát từ việc chính quyền Bắc Kinh áp dụng triệt để các bài học trong Binh pháp Tôn Tử. Tuy nhiên hậu quả của chiến lược này là làn sóng phản đối Trung Quốc ngày càng lan rộng trong khu vực và trên thế giới. Khảo sát của Hãng Pew cho thấy chỉ 5% người Nhật và 37% người Mỹ có thiện cảm với Trung Quốc. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Global Post, chuyên gia Luttwak cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần từ bỏ cuốn Binh pháp Tôn Tử nếu muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng. “Ví dụ như vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc không triển khai một đội tàu chiến tới xâm lược bởi hành vi đó sẽ dẫn tới chiến tranh. Thay vào đó, Bắc Kinh dùng tàu tuần tra bao phủ Senkaku/Điếu Ngư với hi vọng sẽ đe doạ được Nhật và giành chiến thắng. Tuy nhiên hậu quả của chính sách này là việc Nhật tăng cường lực lượng bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư, từ bỏ xu hướng xích lại gần Trung Quốc, khiến Mỹ hưởng lợi. Chiến lược của Bắc Kinh khiến Tokyo quân sự hoá chống lại họ” – ông Luttwak đánh giá. Tương tự Trung Quốc cũng đang dùng hạm đội tàu cá, tàu bán quân sự để gây hấn và bắt nạt các nước láng giềng trên biển Đông. Hậu quả là Nhật từ khách hàng trở thành đối thủ của Trung Quốc. Còn Philippines từ việc phản đối quân đội Mỹ đóng tại nước này giờ trải thảm đỏ mời gọi lực lượng Mỹ quay trở lại. Myanmar cũng mở cửa ra với phương Tây. Mông Cổ mới phát hiện một mỏ than khổng lồ gần biên giới Trung Quốc, nhưng thay vì xây tuyến đường sắt vận chuyển than sang thị trường Trung Quốc, Mông Cổ lựa chọn xây đường sắt sang Nga. |