Hàng loạt doanh nghiệp có mức tăng trưởng khá tốt trong năm qua và thu về được lợi nhuận hàng ngàn tỉ đồng.
Các ‘ông lớn’ thắng đậm
Hàng loạt doanh nghiệp có mức tăng trưởng khá tốt trong năm qua và thu về được lợi nhuận hàng ngàn tỉ đồng.
Bia, sữa tiếp tục gặt hái thành công
Tổng công ty bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) công bố doanh thu cả năm qua đạt 30.642 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.655 tỉ đồng, tăng 33% so với năm trước đó giúp cho thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 6.978 đồng. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục của Sabeco kể từ khi ra đời đến nay. Với kết quả đạt được, công ty cũng vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra đến 27%. Trong năm qua, Sabeco đã có nhiều xáo trộn về mặt nhân sự, niêm yết và cạnh tranh khốc liệt với những thương hiệu bia nhập ngoại… Tuy nhiên, với mức tiêu thụ bia thuộc hàng “khủng” tại VN và là đơn vị chiếm thị phần dẫn đầu nên doanh nghiệp (DN) này vẫn thu được mức lợi nhuận khổng lồ.
Tương tự, Công ty sữa VN (Vinamilk) năm 2016 cũng đạt lợi nhuận sau thuế 9.364 tỉ đồng, tăng 21% so với năm trước đó và EPS tương ứng đạt 5.831 đồng. Kết quả này đã vượt 13% kế hoạch lợi nhuận đề ra vào đầu năm và tiếp tục ghi nhận phong độ tăng trưởng liên tục trong thời gian qua của DN đứng đầu ngành sữa VN.
Trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng khiến cổ đông nức lòng khi cả năm vừa qua đạt doanh thu thuần 58.541,5 tỉ đồng, tăng 72% so với năm trước và vượt 30% kế hoạch năm. Đặc biệt lợi nhuận sau thuế của VIC tăng mạnh gấp hơn 2,3 lần so với năm trước đó, khi đạt 3.504,5 tỉ đồng. Tập đoàn này cho biết doanh thu tăng ở tất cả các mảng kinh doanh như khách sạn – du lịch, giáo dục, bệnh viện, bán lẻ… Một gương mặt khác cũng có mức tăng trưởng mạnh trong năm qua là Công ty cơ điện lạnh (REE) khi đạt lợi nhuận trước thuế 1.240 tỉ đồng, tăng 27% so với năm 2015. Đây là năm thứ hai REE có lợi nhuận vượt trên 1.000 tỉ đồng.
Các ngành hàng ảnh hưởng đến sức khỏe tuy đang giữ mức tăng trưởng tốt, tiêu thụ ngày càng nhiều, nhưng về mặt xã hội, y tế, cảnh báo đây là hiện tượng đáng lo, nên đến lúc nào đó thị trường sẽ xoay chiều. Chính vì thế, việc mở rộng thị trường ra nước ngoài là điều phải nghĩ đến
TS Nguyễn Trí Hiếu
Những DN có mức tăng trưởng cao và đạt lợi nhuận khủng còn có thể kể đến rất nhiều như Tổng CTCP phân bón và hoá chất dầu khí (DPM), Tập đoàn FPT, SSI, Tập đoàn Sao Mai… Thế nhưng, bên cạnh kết quả vượt mong đợi của những DN nêu trên thì vẫn có các DN không thể đạt được kế hoạch đề ra hoặc thậm chí bị thua lỗ như Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) sau kiểm toán lợi nhuận sau thuế chỉ còn 9,7 tỉ đồng, giảm đến gần 94% so với năm trước; Công ty vận tải biển VN (VOS) bị lỗ cả năm qua hơn 364 tỉ đồng, lỗ cao hơn gần 60 tỉ so với năm 2015; Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành bị lỗ lên đến 1.621 tỉ đồng dù năm trước đó vẫn lãi hơn 188 tỉ đồng…
Lợi thế doanh nghiệp đứng đầu
Dễ nhận thấy là hầu hết những DN đạt tăng trưởng cao và lợi nhuận “khủng” đều đang có thị phần tốt, có thương hiệu mạnh. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế tài chính, những DN này đã có vị thế trong lĩnh vực đang kinh doanh sản xuất. Chẳng hạn Sabeco dẫn đầu thị trường bia nội, Vinamilk dẫn đầu thị phần sữa nội, Vingroup dẫn đầu kinh doanh bất động sản, bán lẻ…
Vì vậy cho dù nền kinh tế gặp khó khăn hay ngành sản xuất kinh doanh đó có vài trở ngại, những DN này vẫn phát triển ổn định trong “ốc đảo” của họ, phát triển một cách tự tin và vững chãi. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng các DN không thể chủ quan bởi năm nay kinh tế thế giới có rất nhiều biến động, chắc chắn sẽ tác động khiến thị trường tài chính, đầu tư tài chính biến động. Dù DN dẫn đầu doanh thu và lợi nhuận năm qua cũng sẽ bị tác động nên phải tiếp tục củng cố, giữ vững và quan trọng hơn phải mở rộng thị phần mới giữ được doanh thu. Bên cạnh đó, các DN nằm trong khối đầu tư công nghệ cao, nông nghiệp sạch sẽ duy trì phong độ tốt.
“Thị phần là yếu tố quan trọng nhất, Sabeco năm qua có thể thắng lớn nhưng năm nay trước làn sóng bia ngoại và cả xu hướng sẽ giảm sử dụng các sản phẩm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, có thể sẽ gặp khó khăn hơn. Các ngành hàng ảnh hưởng đến sức khỏe tuy đang giữ mức tăng trưởng tốt, tiêu thụ ngày càng nhiều, nhưng về mặt xã hội, y tế, cảnh báo đây là hiện tượng đáng lo, nên đến lúc nào đó thị trường sẽ xoay chiều. Chính vì thế, việc mở rộng thị trường ra nước ngoài là điều phải nghĩ đến”, TS Hiếu phân tích thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nhận xét đây là những trường hợp cá biệt mà các DN nhỏ đáng học hỏi. “Lợi nhuận tăng vượt bậc rơi vào hầu hết các DN lớn, dẫn đầu của ngành, lĩnh vực đang hoạt động kinh doanh sản xuất. Không thể phủ nhận sự năng động và nỗ lực phát triển để có thị phần riêng của các DN này. Một số DN thành công bởi từ lâu đã có chiến lược mở rộng ra thị trường thế giới, không chỉ gói gọn trong nước. Tư duy thị trường toàn cầu họ đã có từ lâu và đây là thời điểm họ “hái” thành quả”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhận định.
Năm nay kinh tế khó dự báo
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét: “Rất khó dự báo tình hình kinh tế cho năm nay bởi kinh tế thế giới đang chịu chi phối khá lớn từ chính sách mới của Mỹ. Nếu Mỹ chọn chiến tranh thương mại với Mexico hay Trung Quốc, VN sẽ bị ảnh hưởng. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định năm nay kinh tế thế giới sẽ có nhiều biến động từ chính sách thương mại của Mỹ. Các DN có tỷ suất lợi nhuận lớn như năm qua rất khó giữ vững phong độ cho dù kinh tế có ổn định.