11/01/2025

Xông đất nhà thầy giáo “Ánh sáng hạnh phúc”

Ở Trường THPT Ernst Thalmann (TP.HCM), thầy Phạm Thư Tùng không chỉ được biết đến với tư cách người đưa ra ý tưởng và hướng dẫn học sinh thực hiện thành công dự án “Ánh sáng hạnh phúc”.

 

Xông đất nhà thầy giáo “Ánh sáng hạnh phúc”

 Ở Trường THPT Ernst Thalmann (TP.HCM), thầy Phạm Thư Tùng không chỉ được biết đến với tư cách người đưa ra ý tưởng và hướng dẫn học sinh thực hiện thành công dự án “Ánh sáng hạnh phúc”. 

 

 

 

Xông đất nhà thầy giáo “Ánh sáng hạnh phúc”
Thầy Phạm Thư Tùng (giữa) cùng học sinh gắn bóng đèn bằng chai nhựa sử dụng năng lượng mặt trời tại một hộ dân ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh – Ảnh: Như Hùng

“Khi đi thực tế, em mới biết có rất nhiều gia đình đang phải sống trong điều kiện dưới mức tối thiểu. Em thấy mình thật may mắn, nên phải biết tận dụng sự may mắn ấy để trau dồi kiến thức, kỹ năng, làm cho cuộc sống của mình tốt hơn

Nguyễn Phùng Nhân (học sinh lớp 11A2 Trường THPT Ernst Thalmann)

Các giáo viên và học sinh còn nhắc đến thầy: “Giáo viên trẻ giảng dạy môn vật lý nhưng rất đa tài…”.

Mở đầu câu chuyện, thầy giáo trẻ Phạm Thư Tùng (sinh năm 1986) chia sẻ: “Tết năm nay cha mẹ tôi đi du lịch, giao cho tôi và em gái giữ nhà. Tính tôi lại không thích những chỗ chen chúc, đông người nên chọn phương án ở nhà tiếp học sinh, dành thời gian cho người yêu, đến thăm nhà người thân, bạn bè. Phần còn lại thì không thể không làm giai đoạn tiếp theo của dự án Ánh sáng hạnh phúc”.

Cụ thể dự án của anh đã được triển khai ra sao?

– Ánh sáng hạnh phúc do tôi và thầy Mai Xuân Long, giáo viên môn toán cùng trường hướng dẫn gần 50 học sinh thực hiện từ tháng 10-2016 với mong muốn đưa ánh sáng sạch và rẻ đến cho những gia đình khó khăn.

Học trò của tôi đã làm những chiếc bóng đèn từ vỏ chai nhựa, bên trong những chai này sẽ đổ đầy nước javel. Sau đó các em sử dụng bóng đèn led có kết nối với ăcquy năng lượng mặt trời, bóng đèn này được bao bọc bởi ống mica để khi cho vào vỏ chai nhựa không bị ướt.

Ban ngày, năng lượng mặt trời sẽ tích điện vào ăcquy, giúp bóng đèn chiếu sáng vào ban đêm. Học sinh của tôi thường gọi vui đó là bóng đèn ve chai.

Sau hơn hai tháng thực hiện, chúng tôi đã liên hệ và tiến hành lắp đặt thử nghiệm loại đèn này cho một hộ dân ở khu vực cầu Tám Nó (Q.8, TP.HCM) vào cuối tháng 12-2016.

Dự án đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí của ban giám hiệu, các đồng nghiệp trong và ngoài trường, phụ huynh học sinh… Ngày 24 tết vừa rồi, thầy trò chúng tôi lại tiếp tục lắp đặt đèn cho một số hộ dân ở xã Bình Hưng (H.Bình Chánh).

* Lý do nào khiến anh thực hiện dự án này?

– Năm học trước, cô Thanh Hiền – một giáo viên trong tổ vật lý của trường tôi – đã thực hiện dạy học theo dự án. Kết quả là học sinh rất hứng thú học tập, tìm tòi, nghiên cứu. Các em phải giải quyết một nhiệm vụ có tính thực tiễn thông qua kiến thức và kỹ năng của mình.

Năm học này, tôi được nhà trường cử đi học lớp bồi dưỡng về dạy học theo dự án do Sở GD-ĐT TP tổ chức. Tại lớp học, chúng tôi đã được cô Tô Thụy Diễm Quyên – chuyên viên của Sở GD-ĐT TP – “truyền lửa”.

Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản sẽ làm một dự án gì đó cho người nghèo, bởi tôi thích những hoạt động thiện nguyện và tôi tham gia khá tích cực hoạt động này từ thời sinh viên.

Mùa Trung thu năm 2016, khi thầy trò Trường Ernst Thalmann tổ chức chương trình “Trăng yêu thương” cho thiếu nhi khu vực cầu Tám Nó (Q.8), tôi mới phát hiện người dân ở đây thiếu thốn nhiều thứ.

Tối hôm đó, học trò của tôi đã phải mở đèn pin của điện thoại cho các em thiếu nhi có thêm ánh sáng để vui chơi. Ánh sáng hạnh phúc ra đời từ đó.

* Nghe nói anh đã tự bỏ ra 20 triệu đồng tiền túi để thực hiện dự án? Anh “được” gì từ dự án này?

– Tôi có thuận lợi là còn độc thân, không phải chịu áp lực chuyện cơm áo gạo tiền. Cha mẹ tôi đều là giáo viên nên hết lòng ủng hộ dự án. Thậm chí tôi còn nhờ cha mua giùm khá nhiều đồ đạc phục vụ cho dự án nhưng… quên không trả tiền (cười).

Cái “được” thì nhiều lắm: học sinh của tôi đã có cơ hội để ứng dụng kiến thức liên môn như vật lý, toán, giáo dục công dân, tin học, sinh học, hóa học vào thực tiễn. Các em đã rèn luyện và sử dụng được các loại cưa máy rồi máy khoan, các em biết lắp ráp mạch điện một cách thuần thục…

Rồi những xung đột, mâu thuẫn trong một nhóm hoặc giữa nhóm này với nhóm kia… – học sinh của tôi đã được trải nghiệm và tìm cách giải quyết.

* Nghe nói học sinh rất thích thầy Tùng vì thầy không chỉ là một cây văn nghệ mà còn thực hiện những chuyên đề “Nói với nhau” nhằm phát triển kỹ năng mềm cho các em?

– Có thể chị hơi quá khen chứ trong trường không phải em nào cũng thích tôi vì tôi hơi khó tính và chi li trong khi cho điểm. Ngày xưa tôi học khoa lý Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia TP.HCM), ra trường cũng đi làm một thời gian rồi mới nhận ra nghề dạy học phù hợp với mình nhất, mang lại cho mình niềm vui nhiều nhất.

Tôi cho rằng người thầy trong xã hội hiện tại phải vừa là một người anh, một người bạn với học trò. Dạy học bây giờ là dạy tư duy tích cực và khả năng phản biện chứ không chỉ dạy kiến thức. Vì vậy, bài dạy của tôi thường bắt đầu từ những vấn đề thực tế trước, cho học sinh có động lực tìm hiểu và giải quyết vấn đề, sau đó tôi mới trình bày nội dung bài học.

Cô Trần Thị Thơm (phó hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thalmann):

Thu hút nhiều học sinh tham gia dự án

Thầy Phạm Thư Tùng là một giáo viên trẻ, giỏi, năng động và đặc biệt là rất nhiệt huyết với nghề. Thầy là chủ nhiệm Câu lạc bộ Giáo viên trẻ của trường, là một trong những giáo viên đi đầu trong công tác đổi mới phương pháp giảng dạy và đã thực hiện thành công việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, giảng dạy vật lý bằng tiếng Anh…

Thầy lại rất xông xáo trong các hoạt động phong trào, hoạt động tình nguyện, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Vì vậy, thầy được nhiều học trò thương yêu, quý mến.

Không phải ngẫu nhiên mà thầy lôi kéo được gần 50 học sinh tham gia dự án, tranh thủ thời gian sau giờ học, những ngày nghỉ…

HOÀNG HƯƠNG thực hiện