10/01/2025

Thách thức cho tân ngoại trưởng Mỹ

Sau khi chật vật qua ải Thượng viện, Ngoại trưởng Rex Tillerson tiếp tục đối mặt thách thức trong việc thực thi chính sách “nước Mỹ trước hết” của Tổng thống Donald Trump.

 

Thách thức cho tân ngoại trưởng Mỹ

Sau khi chật vật qua ải Thượng viện, Ngoại trưởng Rex Tillerson tiếp tục đối mặt thách thức trong việc thực thi chính sách “nước Mỹ trước hết” của Tổng thống Donald Trump.



Ông Rex Tillerson (ngồi) tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức /// Reuters

 

Ông Rex Tillerson (ngồi) tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chứcREUTERS

Theo Hãng tin Reuters, Thượng viện Mỹ ngày 1.2 đã bỏ phiếu phê chuẩn ông Rex Tillerson làm ngoại trưởng Mỹ theo như đề cử của Tổng thống Donald Trump, bổ sung vị trí chủ chốt trong chính quyền Washington, bất chấp quan ngại về mối quan hệ của cựu Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil với Nga.
Đề xuất của ông Trump được thông qua với 56 phiếu thuận, 43 phiếu chống. Đây là kết quả sít sao nhất trong hơn nửa thế kỷ qua. Người tiền nhiệm của ông Tillerson là John Kerry nhậm chức với số phiếu 94 – 3, còn bà Condoleezza Rice, ngoại trưởng gần nhất từng được phe Cộng hòa đề cử, được thông qua với tỷ lệ 85 – 13. Trước đó, giới thượng nghị sĩ Dân chủ nỗ lực trì hoãn phiên bỏ phiếu này theo sau những tranh cãi liên quan đến sắc lệnh hành pháp về người nhập cư của ông Trump nhưng bất thành.
Cùng ngày, ông Tillerson đã tuyên thệ nhậm chức. Sau khi thông tin trên được loan tải, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết sẽ đến Mỹ hội kiến với người đồng nhiệm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần phải duy trì mối quan hệ tín nhiệm bấy lâu nay với đồng minh gần gũi nhất của Đức ngoài châu Âu. Theo AFP, ông Gabriel muốn có những câu trả lời về các chính sách đối ngoại mới của Mỹ, quan hệ với NATO và các vấn đề then chốt khác.
Hãng RIA-Novosti hôm qua cũng dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết Điện Kremlin sẵn sàng tiếp xúc với tân ngoại trưởng Mỹ và đang cân nhắc một cuộc gặp song phương tại Bonn hoặc Munich trong tháng này.
 
Những thách thức mà ông Tillerson hiện đối mặt sau khi nhậm chức là thực hiện những lời hứa của ông Trump về việc tái định hình quan hệ với Trung Quốc và Nga, chuyển đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem và xem xét lại thoả thuận về vấn đề hạt nhân của Iran. Một thách thức đáng chú ý khác là dàn xếp cuộc nội loạn trong Bộ Ngoại giao, nơi khoảng 900 viên chức ngoại giao vừa ký một lá thư bày tỏ sự phản đối trước sắc lệnh về di trú mới đây của Tổng thống Trump.
Không chỉ thế, ông Tillerson còn phải nỗ lực trấn an các đồng minh lâu đời trong bối cảnh ông Trump thực thi chính sách “nước Mỹ trước hết”. Hiện chính phủ Mỹ đối mặt với sức ép mới liên quan đến nội dung cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump với lãnh đạo 2 nước Úc, Mexico.
Theo tờ The Washington Post, ông Trump đã đột ngột cắt ngắn cuộc điện đàm nảy lửa với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull vào cuối tháng 2 sau khi kịch liệt chỉ trích thoả thuận tiếp nhận vào Mỹ các di dân đang bị mắc kẹt trong các trại tị nạn ở Thái Bình Dương. Đây là điều gây bất ngờ vì hơn 70 năm qua, Úc luôn được xem là đồng minh thân thiết của Mỹ. Đài ABC dẫn nguồn tin từ chính phủ Úc xác nhận thông tin này “khá chính xác”, nhưng Thủ tướng Turnbull bày tỏ sự thất vọng khi chi tiết về cuộc gọi “thẳng thắn” đã bị rò rỉ.
Cùng ngày, Nhà Trắng và chính quyền Mexico đã phải lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng ông Trump dọa sẽ đưa quân đội sang Mexico để xử lý tội phạm ma túy. Theo bản tin của AP, ông Trump đã đưa ra lời đe doạ với người đồng cấp Enrique Pena Nieto trong cuộc điện đàm ngày 27.1.

 

Thụy Miên