10/01/2025

Bất động sản ‘không sợ’ Mỹ rút khỏi TPP

Bất chấp việc tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hầu hết các doanh nghiệp từng tuyên bố thực hiện dự án để “đón đầu” TPP đều khẳng định thị trường bất động sản VN ít bị ảnh hưởng.

 

Bất động sản ‘không sợ’ Mỹ rút khỏi TPP

Bất chấp việc tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hầu hết các doanh nghiệp từng tuyên bố thực hiện dự án để “đón đầu” TPP đều khẳng định thị trường bất động sản VN ít bị ảnh hưởng.



Thị trường bất động sản VN sẽ ít bị tác động từ việc Mỹ rút khỏi TPPẢNH: ĐÌNH SƠN

“Gió” không đủ mạnh
Ông Trần Văn Dũng, CEO của Hoàng Nam Group, cho rằng bất chấp có Mỹ tham gia TPP hay không, thị trường bất động sản (BĐS) cũng không thể chững lại hoặc bị “tuột dốc”. Bởi thị trường trong nước vẫn chưa phát triển chuyên nghiệp, chưa hội nhập sâu rộng, chưa “sống” theo “nhịp thở” của BĐS toàn cầu mà vẫn mang tính chất “cây nhà lá vườn”, “tự cung tự cấp” nhiều hơn. Thực tế thì BĐS VN thời gian qua vẫn phát triển đều đặn khi không có TPP. Một điều nữa, hiện những nước đang đổ vốn nhiều vào thị trường BĐS VN là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… chứ không phải Mỹ. Vì vậy, ảnh hưởng là không lớn.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận nếu có Mỹ tham gia vào TPP thì BĐS sẽ được hưởng lợi thêm, nhất là phân khúc BĐS khu công nghiệp, văn phòng cho thuê, logistics khi các nhà đầu tư có thể chuyển hướng từ một số nước, nhất là từ Trung Quốc sang mở nhà máy, văn phòng tại VN để được hưởng các chính sách ưu đãi.
“Đến nay các doanh nghiệp BĐS không hề sợ hãi hay lo lắng gì trước thông tin Mỹ rút khỏi TPP. Thị trường cũng sẽ không bị tác động gì, vẫn sẽ tiếp tục nóng trong năm 2017 và những năm tiếp. Tôi nghĩ, cơn gió này không đủ mạnh để có thể làm lung lay, tác động tiêu cực đến thị trường BĐS VN”, ông Dũng nhận định.
Ông Alex Carane, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield VN, cho rằng hiện nay các nhà đầu tư lớn của châu Á đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã không bị lung lay trong suốt quá trình tạm ngưng TPP và vẫn tiếp tục theo đuổi những cơ hội đầu tư tại VN. Thông qua các nghiên cứu của Cushman & Wakefield cho thấy lĩnh vực BĐS của VN chưa có bất kỳ ảnh hưởng nào từ tác động của TPP. Thời gian qua, thị trường BĐS VN phát triển khá nóng, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh vào dự án BĐS, trong đó có những dự án quy mô vốn đầu tư khá lớn do những chính sách liên quan ngày càng hoàn thiện và cởi mở.
 
 
Bất động sản 'không sợ' Mỹ rút khỏi TPP - ảnh 1

Đến nay các doanh nghiệp BĐS không hề sợ hãi hay lo lắng gì trước thông tin Mỹ rút khỏi TPP. Thị trường cũng sẽ không bị tác động gì, vẫn sẽ tiếp tục nóng trong năm 2017 và những năm tiếp. Tôi nghĩ, cơn gió này không đủ mạnh để có thể làm lung lay, tác động tiêu cực đến thị trường BĐS VN

Bất động sản 'không sợ' Mỹ rút khỏi TPP - ảnh 2
 

Ông Trần Văn Dũng, CEO của Hoàng Nam Group

 

Dựa vào nội lực là chính

Trong các bản báo cáo đánh giá về thị trường BĐS VN, các công ty tư vấn của nước ngoài như Savills hay CBRE đều nhận định thị trường BĐS VN đang ở giai đoạn phát triển cực thịnh, rất nhiều tiềm năng và đang nằm trong số những thị trường có lợi suất đầu tư, lợi nhuận cao nhất toàn cầu. Vì thế, dù TPP có thành hiện thực hay không thì dòng vốn từ nước ngoài, nhất là từ các quỹ đầu tư, vẫn tiếp tục chảy vào VN.
Trao đổi với báo giới, lãnh đạo Công ty Savills VN nói rằng thị trường nhà ở trong năm 2017 vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nguyên do nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… quá lớn và ngày càng tăng. Quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, nhanh chóng kéo theo đó là một lượng lớn lao động từ nông thôn lên thành thị và từ các nước vào VN làm ăn, sinh sống. Cùng với đó là sự xuống cấp nhà ở tại hầu hết các TP, khiến nhu cầu nâng cấp, đổi nhà của người dân ngày càng lớn. Trong khi đó, người VN đang có xu hướng sống độc lập, hình thành các gia đình nhỏ thay vì đại gia đình, “tứ đại đồng đường” như trước nên nhu cầu nhà ở sẽ vẫn tiếp tục gia tăng.
Đồng quan điểm trên, một chuyên gia BĐS nhận định sự phát triển của BĐS VN vẫn phụ thuộc vào chính nội lực của thị trường, chịu sự chi phối của các doanh nghiệp nội địa. Đặc biệt là thị trường đang chịu tác động mạnh mẽ từ các chính sách của Chính phủ; sự linh hoạt, năng động của các doanh nghiệp, nhất là từ sức cầu rất lớn của thị trường hơn là chịu sự tác động của các yếu tố bên ngoài như TPP. Hiện nay, thị trường BĐS VN đang ở thời kỳ non trẻ, lợi nhuận thu được khá lớn nên đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Nếu có TPP thì các doanh nghiệp ngoại có thể sẽ đầu tư thêm vào VN ở phân khúc BĐS công nghiệp. Khi đó sẽ kéo thêm các chuyên gia, nhân công vào làm việc và nhu cầu về văn phòng cho thuê, nhà ở sẽ tăng lên.
Tuy nhiên cũng không nhất thiết phải nhờ TPP mới có được điều đó. Bởi nếu chính sách liên quan đến thị trường BĐS thông thoáng, lao động rẻ, môi trường đầu tư thuận lợi, cởi mở, chúng ta vẫn thu hút được đầu tư nước ngoài như thường. Hiện nay, bình quân nhà ở đầu người tại VN khoảng 22 m2/người, ở Thượng Hải (Trung Quốc) khoảng 30 m2/người. Do đó, diện tích nhà ở trung bình tại VN rất thấp, trong khi tâm lý của hơn 90 triệu dân VN đều muốn sở hữu nhà, xem nhà đất như tài sản tích luỹ. Đây là nguồn cầu về nhà ở rất lớn trong trung và dài hạn.
Ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản), khi đổ vốn vào thị trường BĐS VN đã khẳng định quỹ đầu tư của ông có hơn 10 năm tìm hiểu, nghiên cứu về thị trường BĐS VN và nhận thấy thị trường này đang giống như thị trường ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… những năm đầu mới hình thành và phát triển. Mặt khác, VN hiện đang có tỷ lệ dân số vàng, người trẻ chiếm tỷ lệ rất cao nhưng quỹ nhà ở còn khiêm tốn. Đặc biệt, VN hiện nay đã bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, Chính phủ đã có những chính sách mở cửa với nhiều ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư… nên nhu cầu về các loại hình BĐS của người dân rất lớn.
BĐS đứng thứ 2 trong thu hút vốn FDI
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trong tháng đầu tiên của năm 2017 đã tăng trở lại sau khi bị sụt giảm liên tiếp vào những tháng cuối năm qua.
Tính đến ngày 20.1, cả nước cấp phép được 175 dự án mới với số vốn đăng ký đạt hơn 1,243 tỉ USD, tăng 37,8% về số dự án và tăng 23% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 76 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư lên đến 179,2 triệu USD. Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn bổ sung FDI đạt 1,423 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. FDI thực hiện tháng đầu năm nay ước đạt 850 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Thống kê cho thấy, vốn FDI cấp mới tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt 834,9 triệu USD, chiếm 67,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh BĐS đạt 297,4 triệu USD, chiếm 23,9% và các ngành còn lại đạt 111,5 triệu USD, chiếm 9%. Như vậy, nếu tính luôn số vốn FDI đăng ký bổ sung, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến tháng 1 đạt hơn 1,013 tỉ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh BĐS đạt 297,4 triệu USD, chiếm 20,9%…
Trong tháng 1, có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án được cấp phép mới tại VN. Trong đó, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với số vốn cam kết đạt 416,7 triệu USD, chiếm 33,5% tổng vốn đăng ký mới, kế đến là Hàn Quốc với 347,8 triệu USD, chiếm 28%; Trung Quốc 310,1 triệu USD, chiếm 24,9%; Nhật Bản 56,8 triệu USD, chiếm 4,6%…
Cũng trong tháng 1, Bình Dương dẫn đầu thu hút FDI với số vốn đăng ký lên đến 666,2 triệu USD, chiếm 53,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bắc Giang 159,5 triệu USD, chiếm 12,8%…
H.Nga – B.Đương

 

Đình Sơn