06/01/2025

Châu Âu một năm đầy biến động

Có lẽ chẳng cần đến những tiên đoán của các nhà tiên tri, người dân trong khối EU cũng biết 2017 sẽ là một năm đầy biến động khi diễn ra những cuộc bầu cử quan trọng và có ảnh hưởng mạnh đến cả châu lục.

 

Châu Âu một năm đầy biến động 

Có lẽ chẳng cần đến những tiên đoán của các nhà tiên tri, người dân trong khối EU cũng biết 2017 sẽ là một năm đầy biến động khi diễn ra những cuộc bầu cử quan trọng và có ảnh hưởng mạnh đến cả châu lục.

 

 

Châu Âu một năm đầy biến động 
Bà Angela Merkel đang đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc bầu cử tháng 9-2017 – Ảnh: AFP

Đó là bầu cử tổng thống tại Pháp, Hungary và Slovenia, bầu cử quốc hội tại Đức, Hà Lan, Na Uy và Cộng hòa Czech.

Dư luận quan tâm nhất đến các cuộc bầu cử tại Pháp, Đức và Hà Lan – ba trong số các thành viên sáng lập Liên minh châu Âu (EU). Một thành viên sáng lập khác là Ý, nền kinh tế lớn thứ ba trong khối Eurozone, cũng có khả năng sẽ bầu cử quốc hội trong năm nay.

Hà Lan trước nguy cơ cực hữu

Diễn ra sớm nhất là bầu cử Quốc hội Hà Lan vào ngày 
15-3. Kỳ bầu cử này được xem như cuộc đua giữa Thủ tướng Mark Rutte – chủ tịch Đảng Dân chủ tự do và ông Geert Wilders – chủ tịch Đảng Tự do cực hữu.

Ông Geert Wilders đang hô hào trưng cầu ý dân về việc rời EU và cấm người nhập cư từ các nước theo Hồi giáo.

Tuy bị đả kích là có tư tưởng kỳ thị nhưng dư âm của Brexit cũng như chiến thắng của ông Donald Trump hẳn sẽ tạo thêm lợi thế cho ông Wilders.

Thăm dò mới nhất cho thấy Đảng Tự do có khả năng giành được từ 30-35 trên tổng số 150 ghế, trong khi Đảng Dân chủ tự do chỉ được 25-30 ghế. Nếu kết quả đúng như vậy thì Thủ tướng Rutte sẽ phải liên minh với bốn hay năm đảng khác mới giành được quyền lập chính phủ.

“Thăm dò dư luận ở nhiều nước thành viên EU cho thấy vấn đề an ninh, di cư và người tị nạn, quyền tự chủ của các nước trong khối… là những mối quan tâm hàng đầu của cử tri.”

Tuy một liên minh của các đảng phái “chính thống” vẫn có thể cô lập hoá ông Geert Wilders nhưng trong trường hợp đảng của ông Wilders trở thành đảng lớn nhất trong quốc hội thì có khả năng Hà Lan sẽ có một thái độ cứng rắn hơn trong các quan hệ với khối EU.

Đầu năm 2016 Brussels đã rất thất vọng vì cử tri Hà Lan bác bỏ một thoả thuận thương mại quan trọng giữa EU với Ukraine trong một cuộc trưng cầu ý dân.

Hơn thế nữa, dưới áp lực của khối các nghị sĩ hoài nghi EU, quốc hội nước này đã thông qua một đạo luật buộc chính phủ phải trưng cầu trên bất kỳ đạo luật mới nào nếu có sự yêu cầu của 300.000 công dân, bao gồm cả các quy định mới của EU.

Pháp từ trung dung sang hữu khuynh

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra trong hai vòng, vòng 1 ngày 23-4 và vòng 2 ngày 7-5. Hai ứng cử viên nổi bật nhất là Marine Le Pen – lãnh đạo Mặt trận Quốc gia cực hữu, với chủ trương bài EU và người nhập cư, và nguyên thủ tướng François Fillon – Đảng Cộng hoà.

Theo dự đoán của Oxoda và Đài truyền hình France 2 thì ông Fillon sẽ giành chiến thắng trong vòng 1 với 32% số phiếu. Vào vòng 2, ông Fillon sẽ giành được 71%, trong khi bà Le Pen chỉ được khoảng 20%.

Cả bà Le Pen lẫn ông Fillon đều có chung quan điểm: Pháp không phải là một quốc gia đa văn hoá, và đều được coi là thân Nga. Thế nên dù ai chiến thắng thì cũng có khả năng nước Pháp sẽ trở thành hữu khuynh sau nhiều thập kỷ theo đường lối trung dung.

Ngoài ra còn có gương mặt mới toanh – Emmanuel Macron, 39 tuổi, một chuyên gia về đầu tư, từng giữ chức bộ trưởng kinh tế và kỹ nghệ trong nội các của Thủ tướng Manuel Valls.

Tháng 8-2016, ông Macron đã từ chức để ra tranh cử tổng thống với tư cách ứng cử viên độc lập sau khi thành lập phong trào “En Marche” (Tiến lên).

Ông Macron chưa từng tham gia một kỳ bầu cử nào, tuyên bố mình là một người tự do “tiến bộ”, “không tả cũng không hữu” nhưng nghiêng về cánh tả trong những vấn đề xã hội.

Thử thách cho bà Merkel

Đức đã xác định ngày bầu cử quốc hội liên bang là 24-9.

Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Angela Merkel và đồng minh thân thiết là Liên minh xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) được xem như có khả năng giành được nhiều phiếu nhất và bà Merkel sẽ trở thành thủ tướng lần thứ tư. Tuy nhiên, họ khó có khả năng giành được 42% số phiếu như vào năm 2013.

Bà Merkel vẫn được dư luận cả trong và ngoài nước coi là nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm nhất ở phương Tây. Tuy nhiên, chính sách tị nạn “mở cửa” của bà và sự gia tăng đe doạ khủng bố gần đây đã khiến bà phải nhận nhiều lời chỉ trích, kể cả từ trong nội bộ Đảng CDU, và tạo thuận lợi cho đảng chống nhập cư AfD.

Sau vụ tấn công bằng xe tải ngày 19-12-2016 tại Berlin khiến 12 người thiệt mạng, sự ủng hộ dành cho AfD đã tăng vọt đến hơn 15% trên cả nước.

Theo thăm dò của báo Stern thì liên minh của bà Merkel được 38% phiếu của cử tri, đồng minh của họ – đảng trung tả Dân chủ xã hội (SPD) – được 21%, AfD được 11%. Đây sẽ là lần đầu tiên AfD có đại biểu trong quốc hội liên bang.

Một năm đầy biến động đang chờ người dân châu Âu!

Ý và tương lai khu vực Eurozone

Trên nguyên tắc thì cử tri Ý sẽ đi bầu quốc hội vào mùa thu 2018, nhưng có khả năng Tổng thống Sergio Mattarella sẽ phải tổ chức bầu cử sớm trong năm nay hầu chấm dứt tình trạng bất ổn hiện nay, cho dù chưa có luật bầu cử mới.

Trong tình hình nước Ý phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng nhập cư vẫn tiếp diễn, kỳ bầu cử này sẽ thuận lợi cho Phong trào 5-Sao (phản đối đồng euro) và đảng bài nhập cư Liên minh Europhobic Bắc phương – một đồng minh thân thiết của bà Le Pen.

Trong kỳ bầu cử năm 2013, Phong trào 5-Sao đã đứng thứ hai với 25,5% phiếu cử tri nhưng chỉ được 109/630 đại biểu do luật bầu cử (cũ) tạo thuận lợi cho các đảng tranh cử dưới hình thức liên minh.

Theo các thăm dò hiện nay thì 5-Sao đang theo sát nút Đảng Dân chủ của cựu thủ tướng Matteo Renzi.

Đồng sáng lập Phong trào 5-Sao, diễn viên hài kiêm blogger nổi tiếng Beppe Grillo, 69 tuổi, tuyên bố sẽ trưng cầu ý dân về đồng euro và thương thuyết lại với khối EU về nợ công của Ý.

QUẾ VIÊN (từ Copenhagen)