08/01/2025

Săn hàng nhà làm trên chợ tết online

Các năm trước, những người chọn mua sắm tết trên mạng là để tránh cảnh đông đúc, chen lấn ở siêu thị, chợ; năm nay khách hàng còn có thêm một lý do nữa để mua hàng tết online: săn hàng handmade, nhà làm.

 

Săn hàng nhà làm trên chợ tết online

Các năm trước, những người chọn mua sắm tết trên mạng là để tránh cảnh đông đúc, chen lấn ở siêu thị, chợ; năm nay khách hàng còn có thêm một lý do nữa để mua hàng tết online: săn hàng handmade, nhà làm.

 

 

 

Săn hàng nhà làm trên chợ tết online
Sau khi mua hàng online, “thượng đế” được phục vụ tận nhà – Ảnh: HOÀI LINH

Tâm lý của người mua hàng là muốn thưởng thức một hương vị riêng, không phải là những sản phẩm thực phẩm công nghiệp, nên các món ăn đậm đà hương vị quê hương vùng miền được rao trên mạng xã hội rất hút khách.

“Thương hiệu” cá nhân lên ngôi

Còn một ngày nữa về quê, chị Phương Anh, nhân viên văn phòng ở Q.1 (TP.HCM), vẫn phải xử lý các công việc từ văn phòng mẹ ở nước ngoài.

Bên bàn làm việc, một giỏ quà lớn với mứt cam, mứt gừng, hạt điều, dưa món, thịt heo ngâm… được gói ghém cẩn thận, đẹp mắt. Mứt cam được gói trong những bao bì bằng giấy, có miếng dán nhựa chắc chắn, trên bao gắn một logo nhỏ “Su’s kitchen” (Bếp của Su).

Chị Phương Anh cho biết toàn bộ những món ăn tết này đều được chị đặt qua mạng xã hội, từ nhiều địa chỉ khác nhau, thông qua sự giới thiệu của bạn bè.

Đó là những trang bếp cá nhân, chỉ làm mùa vụ, chẳng hạn tré và chả bò, dưa món mặn được đặt từ một đồng nghiệp người Huế; mứt cam và mứt gừng của cô người miền Tây.

“Cũng có món mình đặt người quen làm, giá thậm chí cao hơn thị trường, như mứt cam này lên đến 250.000 đồng/bịch… nhưng mà yên tâm chất lượng, lại rất vừa vị” – chị Phương Anh nói thêm.

Săn hàng nhà làm trên chợ tết online
Các trang mạng giới thiệu bán món ăn ngày tết – Ảnh: Châu Anh

Bếp của Su, Bếp của Phước, Bếp của bà, Bếp bà mập… – những thương hiệu mang đậm tính cá nhân trở thành thương hiệu phổ biến trên các trang mạng xã hội.

Trên trang Bếp của Phước – một địa chỉ quen thuộc của dân văn phòng – rôm rả: “Bếp ơi cho em đặt 1kg thịt heo ngâm nước mắm, 2 cây chả, 2 bánh chưng, mứt cóc nhé”.

Lại một lời đặt hàng khác: “Bếp ơi, em đặt một hũ dưa món, 1/2kg giò thủ nhé…, 1/2kg mứt rong sụn nhé, còn gửi kèm…”.

Chị Phước, chủ trang Bếp của Phước trên Facebook, cho biết tết năm nay bếp chỉ chuẩn bị toàn những món tết ngon đặc thù miền Trung đã được người Sài Gòn “đóng dấu” chứng nhận chất lượng trong suốt cả năm như giò thủ heo quê, thịt heo quê kho trứng vịt quê, khô heo, bắp bò ngâm mắm, bắp bò khìa, tai heo ngâm mắm, tai heo ngâm giấm, thịt xíu… Đó là những món làm lai rai quanh năm nhưng vào dịp tết lượng hàng tăng cao.

Anh Anh Tuấn, quản lý cửa hàng Đặc sản Đà Nẵng (hẻm 285 CMT8, Q.10, TP.HCM), cho biết từ hơn tuần nay, cửa hàng ngập trong các đơn hàng tết.

90% khách là dân văn phòng, có thu nhập cao vì lý do bận rộn đã chọn đặt hàng, sắm tết qua mạng vì gặp khó khăn trong việc lựa chọn hàng và cả ngại cảnh chen lấn, chờ đợi tính tiền trong siêu thị.

Đặc sản miền Trung là các món được đặt hàng nhiều, như chả bò Đà Nẵng, nem chua Bình Định…, trong đó những món được quảng cáo “nhà làm” càng đắt khách.

Do tiệm chuyên bán đặc sản miền Trung nên khách hàng của tiệm chủ yếu là người miền Trung sống ở TP.HCM.

Những món được đặt hàng rôm rả nhất là kiệu ngâm nước mắm (khác với kiệu chua ngọt ở miền Nam), thịt heo và bắp bò ngâm nước mắm, chả bò, nem, tré, mắm…

Đây là những món không thể thiếu trong những ngày tết của các gia đình miền Trung. Lượng khách tăng mỗi năm, giá trị đơn hàng cũng tăng theo, không chỉ đặt hàng để sử dụng mà còn để làm quà biếu tặng.

Những người mua tặng sẽ đến tận cửa hàng chọn số lượng nhiều rồi đem đi tặng luôn, trong khi người mua dùng sẽ đặt từng món một ít và yêu cầu giao hàng tận nơi với những món thân thuộc trong bữa cơm gia đình như gia vị tỏi, cá bống kho tộ… Nhưng thú vị nhất vẫn là những đơn hàng của quý ông.

“Đa số các ông gõ phím đặt món trong những ngày này là dành cho bàn tiệc như món bê, cá, nem… Hàng giao tận nơi, hoá đơn gửi qua mạng và thanh toán chuyển khoản nên rất tiện” – anh Tuấn cho biết.

Đặc sản tự làm 
hút khách

Sau khi gọi điện cho gia đình ở quê làm thêm nem chua, chị Tâm – quản lý kinh doanh của một hãng thời trang tại Hà Nội – cho biết đã định “chốt” đơn hàng để 26 tết sẽ nghỉ.

Tuy nhiên, nhiều bạn bè, đồng nghiệp cứ nài nỉ đặt thêm nên chị lại gọi điện về nhà ở Thanh Hóa để bố mẹ làm thêm, phục vụ mọi người.

Theo chị Tâm, đặc sản nem chua Thanh Hóa khá nổi tiếng và được bày bán, giới thiệu rất nhiều tại Hà Nội.

Tuy nhiên, sản phẩm do chị cung cấp được tuyển lựa rất kỹ lưỡng từ nguồn thịt, các loại gia vị, nguyên liệu quan trọng như nem thính đảm bảo an toàn thực phẩm nên bạn bè, đồng nghiệp đặt hàng thường xuyên.

“Ông bà mình nghỉ hưu, làm nem chua phục vụ chủ yếu cho anh em, bạn bè thân thiết. Mình cũng chỉ giới thiệu trên Facebook cá nhân, mỗi tháng tiêu thụ đều đặn khoảng 500-700 cái nem nắm loại lớn.

Nhưng do được làm với công thức riêng từ nguyên liệu thính nem, đảm bảo an toàn nên ngày tết số lượng đặt hàng tăng vọt gấp 3-4 lần. Mình phải từ chối nhiều và chỉ nhận những đơn hàng của bạn bè thân thiết, nhưng ăn ngon quá nên bạn bè lại đặt thêm” – chị Tâm nói.

Để đáp ứng nhu cầu của khách, ngoài hai nhân công thường xuyên, gia đình chị Tâm phải thuê thêm nhân công thời vụ, trong khi chị Tâm cũng thuê hai sinh viên phụ khâu vận chuyển hàng giao cho khách.

Trong khi đó, chị Thanh Mai – giáo viên một trường phổ thông tại Điện Biên – cũng cho biết thông qua Facebook, các đặc sản Điện Biên như thịt trâu gác bếp, bánh khẩu xén (đặc sản tết của người Thái Mường Lay), chè shan tuyết trên cao nguyên Tủa Chùa… được nhiều khách hàng các nơi đặt mua, nhờ sự giới thiệu của bạn bè trên mạng.

Dù các sản phẩm đặc sản được chị Mai giới thiệu có giá bán cao hơn, như thịt trâu gác bếp là 750.000 đồng/kg, chè shan tuyết có giá 500.000 đồng/kg, bánh khẩu xén là 200.000 đồng/kg… nhưng người đặt mua nhiều lần rất “ưng”, với số lượng ngày tết thường gấp đôi, gấp ba.

“Các đặc sản được giới thiệu phần lớn đều do mình tự tay làm, như thịt trâu gác bếp bạn bè thân quen đặt mua thường xuyên nên phải làm hàng đảm bảo.

Với các sản phẩm khác, do mình là người bản địa, lấy đúng nguồn hàng chất lượng, mọi người tin tưởng đã ủng hộ. Hai tháng tết vừa rồi mình cũng có thêm thu nhập tới gần 30 triệu đồng, cũng có lời chút ít, giúp trang trải thêm chi phí” – chị Thanh Mai chia sẻ.

Không chỉ các cá nhân, hộ gia đình mà nhiều nhà sản xuất cũng trực tiếp bán hàng trên mạng. Anh Lâm – chủ một trang trại gà Đông Tảo, cũng là người quản lý trực tiếp fanpage “Gà Đông Tảo” – cho biết năm tới là năm gà nên lượng khách đặt mua gà Đông Tảo đi biếu khá nhộn nhịp.

Theo anh Lâm, mọi năm khách mua chủ yếu về tận trang trại để lựa chọn, nhưng năm nay số lượng đặt mua qua kênh online tăng mạnh, những con gà có mức giá trung bình từ 1-3 triệu đồng/con không còn hàng để bán.

Bán trực tiếp cho khách, không lo bị giả nhãn hiệu

Bà Nguyễn Thị Nhài – phó chủ nhiệm HTX chè Tân Hương, chuyên sản xuất và cung ứng chè sạch Tân Hương – cho biết trước đây chủ yếu bán sản phẩm thông qua đầu mối tại các địa phương, HTX đã bị không ít khách hàng gọi điện phản ảnh hiện tượng mua nhầm sản phẩm giả nhãn hiệu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây HTX đã lập một website và Facebook riêng để giới thiệu sản phẩm và khá bất ngờ khi lượng khách đặt mua qua mạng trong đợt tết này tăng vọt, gấp 3-4 lần so với tết năm trước.

“Dù giao dịch qua mạng chưa chiếm tỉ lệ nhiều nhưng nhờ đó HTX đã bảo vệ được thương hiệu sản phẩm, vì bán hàng trực tiếp cho khách thay vì thông qua đại lý, lại 
thu tiền nhanh” – bà Nhài khẳng định.

Sẵn sàng đổi hàng, trả lại tiền

Theo chủ các trang mạng bán hàng thực phẩm qua mạng, phần lớn khách mua hàng là người quen, những người bận rộn công việc văn phòng nhưng rất quan tâm đến thức ăn sạch và sức khoẻ.

Do đó vấn đề đảm bảo chất lượng và dịch vụ “bảo hành” luôn đặt lên hàng đầu. Chị Phước (Bếp của Phước) cho biết kinh doanh hàng online sợ nhất là khâu vận chuyển, bảo quản.

“Đồ không có chất bảo quản gì cả nên cũng có khi hư do vận chuyển, khách báo thì mình đền lại khách món khác hoặc gửi lại tiền nếu khách không cần món ăn nữa.

Cũng may thường là khách quen đã mua đồ quanh năm, họ hiểu và thông cảm. Khách mới chắc là sẽ buồn mình luôn” – chị Phước nói.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, một số tiệm chọn cách vận chuyển đông lạnh hết, giao hàng thời gian cũng rút ngắn hơn, chắc ăn hơn nữa là khuyến khích khách đến lấy hàng. Theo anh Tuấn, với hàng đặc sản vùng miền, khó nhất là vận chuyển bằng máy bay.

Những ngày gần tết hàng rất khó vào do vận chuyển đường hàng không cũng quá tải, đặc biệt là những ngày 
29 hay 30 tết, đường hàng không gần như không nhận khách lẻ nên chỉ cửa hàng nào đảm bảo nguồn hàng mới dám nhận đơn đặt hàng của khách.

Theo những người kinh doanh, ưu thế hàng online là đặc sản vùng miền, trong đó quan trọng nhất là nguyên liệu được cam kết nhập từ các tỉnh về, tươi ngon, an toàn.

Chẳng hạn như món tôm chua, người bán cho biết sử dụng tôm đất, không có phụ gia; bánh chưng được gói từ nếp cái hoa vàng nhập từ Bắc vào…

Với hàng bị lỗi, tùy theo cửa hàng mà có chính sách giải quyết riêng. Một số cửa hàng cho đổi trả thoải mái, một số đền bù phần thức ăn mới và lắng nghe ý kiến khách để điều chỉnh.

“Quan trọng là phải nhận ra sai sót của mình để khắc phục, chắc chắn khách sẽ quay lại mua tiếp” – anh Tuấn nói.

NHƯ BÌNH – NGỌC AN