09/01/2025

Thủ tướng Hun Sen đòi bồi thường 1 triệu USD

Thủ tướng Campuchia Hun Sen uỷ quyền cho luật sư quyết kiện thủ lĩnh đối lập yêu cầu bồi thường 1 triệu USD vì hành vi phỉ báng.

 

Thủ tướng Hun Sen đòi bồi thường 1 triệu USD

Thủ tướng Campuchia Hun Sen uỷ quyền cho luật sư quyết kiện thủ lĩnh đối lập yêu cầu bồi thường 1 triệu USD vì hành vi phỉ báng.



Trang Facebook của Thủ tướng Hun SenCHỤP TỪ MÀN HÌNH

Chính trị gia đối lập Campuchia Sam Rainsy đối diện thêm 2 vụ kiện mới ngay sau phiên toà phúc thẩm xử vụ ông này bị cáo buộc có phát ngôn bôi nhọ rằng Thủ tướng Hun Sen “sống ảo, mua like Facebook”.
Theo Reuters, trước khi lên đường đến Davos (Thuỵ Sĩ) để dự Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới, ông Hun Sen ủy quyền cho luật sư Ky Tech nộp đơn kiện Sam Rainsy, đang lưu vong tại Pháp, về tuyên bố nhà lãnh đạo Campuchia đã dùng 1 triệu USD mua chuộc bà Thy Sovanntha tổ chức các hoạt động phá hoại đảng đối lập CNRP. Bà Sovanntha nguyên là một nhà hoạt động dân sự tích cực ủng hộ CNRP, nhưng nay đã quay sang ủng hộ đảng cầm quyền CPP.
Trong vụ này, đơn kiện của Thủ tướng Hun Sen yêu cầu ông Rainsy bồi thường 1 triệu USD, đúng bằng số tiền mà ông này nêu ra trong phát ngôn nói trên. “Hành vi của ông Rainsy đã bóp méo sự thật, ảnh hưởng đến danh tiếng của Thủ tướng”, Reuters dẫn lời luật sư Ky Tech nói.
Cùng lúc, bà Sovanntha cũng đâm đơn đòi ông Rainsy bồi thường 250.000 USD vì “những lời lẽ phỉ báng nghiêm trọng danh dự của tôi”.
Thủ tướng Hun Sen đòi bồi thường 1 triệu USD - ảnh 1

Bà Thy SovannthaTHE PHNOM PENH POST

Trước đó, toà phúc thẩm Campuchia mở phiên xử vụ ông Sam Rainsy bị kiện liên quan đến “cuộc chiến Facebook” tại nước này. Lâu nay, Thủ tướng Hun Sen hoạt động rất tích cực trên Facebook và xem đây là công cụ hữu hiệu để lắng nghe tiếng nói của người dân. Đến tháng 3.2016, trang Facebook của ông Hun Sen có hơn 3,2 triệu lượt like (thích) trong khi trang của ông Rainsy chỉ có 2,3 triệu lượt.
Có vẻ như “nóng mặt” vì tụt lại phía sau, ông Sam Rainsy khi đó liên tục chỉ trích ông Hun Sen “sống ảo” và bỏ tiền thuê các đội “like dạo” từ nước ngoài hoặc cho lập tài khoản giả để tăng số lượt thích những nội dung mà nhà lãnh đạo đưa lên mạng xã hội. Sam Rainsy còn tung lên mạng văn bản được cho là chỉ thị của ông Sam Soeun, một quan chức mang hàm bộ trưởng chuyên phụ trách thông tin và hình ảnh của thủ tướng trên mạng. Trong đó, ông Sam Soeun chỉ đạo thành viên chính quyền các cấp và đảng viên CPP “tích cực phổ biến” trang Facebook của ông Hun Sen và bấm “không thích” trang của Sam Rainsy.
Ông Sam Soeun lập tức nộp đơn kiện ông Rainsy vì những “phát ngôn bôi nhọ, bẻ cong sự thật”, đồng thời cực lực bác bỏ chuyện tạo tài khoản giả để like ảo, theo BBC.
Ngày 8.11.2016, tòa sơ thẩm Phnom Penh phán quyết ông Rainsy phạm tội phỉ báng và phải nộp phạt 6.250 USD bên cạnh tiền bồi thường tổng cộng 39.590 USD. Trong phiên phúc thẩm hôm 17.1, công tố viên Nget Sarath tiếp tục đề nghị giữ nguyên phán quyết. Tờ The Cambodia Daily dẫn lời ông Sarath cho rằng ông Rainsy “ghen tức” vì ông Hun Sen chứng tỏ được vị thế cao hơn và được người dân ủng hộ hơn.
“Ông Rainsy dùng Facebook trước ông Hun Sen 2 năm nhưng lại thất bại. Cách phản ứng của bị đơn hệt như những lần ông ấy thất cử”, công tố viên nói với báo giới sau phiên toà. Đến chiều 19.1, trang Facebook của ông Hun Sen có hơn 6,67 triệu lượt thích trong khi trang của ông Rainsy có 3,59 triệu lượt. Theo thông báo, toà phúc thẩm sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 9.2.
Ông Sam Rainsy lưu vong tại Pháp từ tháng 11.2015 nhằm trốn tránh bản án 2 năm tù giam do tội phỉ báng Phó thủ tướng Hor Namhong từ năm 2008. Ngày 27.12.2016, toà án Phnom Penh tiếp tục tuyên phạt vắng mặt chính trị gia này 5 năm tù giam vì hành vi tung lên mạng tài liệu giả mạo với nội dung bịa đặt về vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia, theo Reuters.

 

Khánh An