09/01/2025

Thế giới đang ở khúc ngoặt

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2017 khác với những năm trước, giới quan sát đồng tình như vậy. Điểm khác biệt – theo nhà kinh tế người Mỹ Paul Laudicina, thế giới không chuyển động như nó đã từng trong hai thập niên qua.

 

Thế giới đang ở khúc ngoặt

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2017 khác với những năm trước, giới quan sát đồng tình như vậy. Điểm khác biệt – theo nhà kinh tế người Mỹ Paul Laudicina, thế giới không chuyển động như nó đã từng trong hai thập niên qua. 

 

 

Thế giới đang ở khúc ngoặt
Cảnh sát đặc nhiệm của Thuỵ Sĩ chịu trận dưới trời tuyết bảo vệ Diễn đàn kinh tế Davos 2017 – Ảnh: Reuters

Thực tế phũ phàng là toàn cầu hoá làm giảm tiếng nói của người lao động và các tập đoàn đã lợi dụng điều đó

JOSEPH E. STIGLITZ (nhà kinh tế đoạt giải Nobel)

Ông Laudicina viết trên tạp chí Forbes: “Sau 25 năm toàn cầu hoá hết tốc lực, chúng ta giờ đây đang ở một khúc ngoặt, nơi toàn bộ tương lai của trật tự (thế giới) hậu thế chiến đang gặp nguy cơ đổ vỡ”.

Có thể tóm tắt nội dung chính của Davos 2017 như sau, theo báo New York Times: Toàn cầu hóa làm phát sinh bất bình đẳng giàu nghèo, bất bình đẳng khiến số đông thua thiệt tức giận.

Sự giận dữ này dẫn đến nhiều thay đổi trên thế giới năm vừa qua: dân Anh đòi ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, tự do thương mại toàn cầu bị đe doạ…

Tầng lớp tinh hoa của thế giới (tỉ phú, lãnh đạo quốc gia, doanh nghiệp…) tụ hội về Davos để tìm cách duy trì toàn cầu hoá và hồi sinh tầng lớp trung lưu.

Nhà báo Peter S. Goodman nhận xét Davos có thể bàn mọi cách để xoa dịu phong trào dân tuý, chỉ trừ một chủ đề: “Tăng lương cho người lao động và tái phân bổ của cải từ trên xuống dưới”.

“Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư” – theo cách gọi của ông Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm chủ tịch WEF – đã giúp tạo ra nhiều của cải, thay đổi chất lượng cuộc sống của nhân loại, nhưng phần lớn lợi ích của nó rơi vào tay “câu lạc bộ Davos”.

Báo cáo của Oxfam mới đây cho thấy 8 người giàu nhất thế giới sở hữu khối tài sản tương đương 3,6 tỉ người nghèo nhất.

Không gỡ lại được uy tín cho toàn cầu hóa, các thành viên Davos có lẽ ý thức được họ sẽ chứng kiến thêm nhiều hệ quả tương tự Anh, Mỹ trong các cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Đức, Hà Lan, Pháp và hơn 20 nước khác trong năm nay.

Tuy nhiên, nhà báo Goodman dự báo: “Dù bất cứ quyết định nào được đưa ra, chắc chắn nó sẽ không xung đột với những lợi ích Davos đang hưởng thụ. Điều này đồng nghĩa cuộc nổi loạn của chủ nghĩa dân túy toàn cầu sẽ chưa sớm dừng lại”.

Không ngạc nhiên khi một số lượng lớn phiên họp của WEF năm nay tập trung vào châu Á, trong đó có một phiên mang tựa đề “Châu Á giành vị trí dẫn đầu”.

“Ngày hôm nay, tôi đặt dấu hỏi lớn nhất là Trung Quốc làm cách nào xoay trục trong thế giới này? Họ sẽ thiên về khu vực hay toàn cầu trong tư tưởng và quan trọng hơn, trong cách họ thương lượng? Đó là điều chúng ta cần theo dõi trong 12 tháng sắp tới” – ông Bib Moritz, chủ tịch toàn cầu của PricewaterhouseCoopers, nhận xét từ Diễn đàn Davos 2017.

MINH TRUNG