09/01/2025

Nhiều ngành năng khiếu có nguy cơ giải tán

Tại Huế, nhiều ngành năng khiếu, nghệ thuật trong nhiều năm liền tuyển sinh èo uột, không có thí sinh và có nguy cơ giải tán ngành học.

 

Nhiều ngành năng khiếu có nguy cơ giải tán

 Tại Huế, nhiều ngành năng khiếu, nghệ thuật trong nhiều năm liền tuyển sinh èo uột, không có thí sinh và có nguy cơ giải tán ngành học.

 

 

Nhiều ngành năng khiếu có nguy cơ giải tán
Sinh viên hội họa Trường ĐH Nghệ thuật Huế trong giờ thực hành. Trong 2 năm liền, trường này không tuyển được sinh viên hội họa – Ảnh: THÁI LỘC

Số liệu từ ĐH Huế cho thấy trong đợt tuyển sinh năm 2016, Trường ĐH Nghệ thuật trực thuộc chỉ tuyển được 63 thí sinh, đạt 30% so với 210 chỉ tiêu đề ra…

Lo giải tán ngành học

Ngành bi đát nhất của trường này là ngành đồ họa, chỉ với 10 chỉ tiêu nhưng không tuyển được thí sinh nào. Kế đến là ngành điêu khắc, chỉ tuyển được 1 thí sinh trong số 5 chỉ tiêu. Các ngành sư phạm mỹ thuật (30 chỉ tiêu) và hội họa (20 chỉ tiêu) mỗi ngành chỉ tuyển được 3 thí sinh. Hai ngành khác là thiết kế thời trang (25 chỉ tiêu) và thiết kế nội thất (60 chỉ tiêu) chỉ tuyển được 10 thí sinh.

Khả quan nhất trong các ngành là thiết kế đồ họa, nhưng cũng chỉ tuyển được 36 thí sinh trong số 60 chỉ tiêu, đạt 60%…

Không chỉ năm 2016, vài năm trở lại đây, số liệu thí sinh trúng tuyển của Trường ĐH Nghệ thuật – ĐH Huế cho thấy sự “tuột dốc không phanh” của tuyển sinh.

Vào năm 2012, trường này tuyển được 153 thí sinh trong tổng số 180 chỉ tiêu. Trong năm này, tuyển thấp nhất là ngành đồ họa với 16 thí sinh trúng tuyển, đạt 53% trong số 30 chỉ tiêu; và tuyển cao nhất là các ngành mỹ thuật ứng dụng, đạt gần 100% chỉ tiêu.

Đến năm 2013, số chỉ tiêu của trường này tăng lên 260 và trường tuyển được 144 thí sinh.

Năm 2014, tình hình có khả quan hơn khi trường tuyển được 153 thí sinh trong tổng số 225 chỉ tiêu.

Đến năm 2015, số chỉ tiêu giảm còn 210 nhưng chỉ tuyển được 84 thí sinh.

Và trong năm 2016, tình hình gần như “chạm đáy” khi chỉ tuyển được 63 thí sinh, đạt 30% trên tổng số 210 chỉ tiêu…

Trong số các ngành của trường thì có ngành đồ hoạ ong 2 năm liền 2015 và 2016 không tuyển được thí sinh nào. Số lượng sinh viên theo học ngành này tại Trường ĐH Nghệ thuật hiện nay là 25 sinh viên và giảm rõ theo từng năm: trong đó lớp năm thứ 5 (khóa 2012-2017) 13 sinh viên, lớp năm 4 (khóa 2013-2018) 10 sinh viên và lớp năm 3 (khóa 2014-2019) chỉ 2 sinh viên theo học.

Trước tình trạng năm 2 và năm 1 không có sinh viên, nhiều giảng viên của trường lo ngại đến việc giải tán ngành học này, nếu năm tuyển sinh sắp tới ngành học này tiếp tục không tuyển được thí sinh nào…

“Ngành đồ họa tạo hình có nguy cơ đóng cửa. Nền giáo dục mất đi một mảng học thuật mang tính chất kinh điển, và trong tương lai sẽ thiếu vắng nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật đồ họa” – ThS Nguyễn Thị Hòa, trưởng bộ môn đồ họa Trường ĐH Nghệ thuật Huế, bày tỏ sự lo lắng tại một cuộc hội thảo về đào tạo mỹ thuật ở VN mới đây.

Không chỉ Trường ĐH Nghệ thuật, các ngành năng khiếu khác thuộc ĐH Huế cũng tuyển sinh sụt giảm.

Trong đó, khoa giáo dục thể chất từ năm 2012 trở về trước luôn tuyển đủ, thậm chí tỉ lệ chọi luôn ở mức cao. Tuy nhiên, đến năm 2013 thì bắt đầu giảm nhẹ, tuyển được 174 trong số 220 chỉ tiêu. Năm 2014 tuyển 170 thí sinh trong số 180 chỉ tiêu. Năm 2015 chỉ tuyển được 23 thí sinh trong số 167 chỉ tiêu, đạt chưa đến 14%. Đến năm 2016, khoa này chỉ tuyển được 14 thí sinh trong số 150 chỉ tiêu, chỉ đạt 9,4%!

Đối với ngành kiến trúc, vốn là một ngành “nóng” trong nhiều năm liền, có tỉ lệ chọi cao, nhưng đến năm 2012 lại bắt đầu giảm, chỉ tuyển được 148 thí sinh trong 180 chỉ tiêu, đạt 82%. Sang năm 2013 và 2014 thì tuyển đủ. Nhưng đến năm 2015 thì sụt giảm, tuyển 111 thí sinh trong số 150 chỉ tiêu, đạt 74%. Đặc biệt trong năm 2016, ngành kiến trúc tuyển được 84 thí sinh trong tổng số 150 chỉ tiêu, chỉ đạt 56%…

Cần một cơ chế khác

Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Huế, kế hoạch khắc phục tình trạng trên vừa được bàn bạc, trong đó có việc tăng cường quảng bá về nhà trường thông qua trang tin điện tử. Nhiều hoạt động đưa nghệ thuật ra đường phố, đưa triển lãm nghệ thuật vào trường phổ thông… sẽ được tổ chức để tăng cường sự tương tác giữa nhà trường với xã hội.

Riêng về công tác tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, nguyên giám đốc ĐH Huế, cho biết đang bàn đến phương án dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia kết hợp với xét học bạ…

Ông Phan Thanh Bình cho rằng trước đây nhà trường thuộc Bộ Văn hóa thì “không vấn đề gì”, nhưng đến năm 1994, khi ĐH Huế trực thuộc Bộ GD-ĐT thì việc đào tạo tài năng đã bị coi nhẹ, mà tập trung quá nhiều vào đào tạo nguồn nhân lực.

Ông bức xúc nói: “Nghệ thuật không thể nào đào tạo cả ngàn người! Ở đây phải đào tạo tài năng, tinh hoa, hạt giống của đất nước quan trọng hơn!”.

PGS.TS Nguyễn Văn Toàn cho biết dù chính sách của Nhà nước là tương đương, nhưng ĐH Huế cũng đã cố gắng hết sức, ưu tiên đầu tư cho trường nghệ thuật hơn hẳn các trường khác. Các ngành năng khiếu, chuyên biệt hiện nay nằm trong sự khó khăn chung, do tác động của cơ chế thị trường. Vì vậy, cần phải có một chính sách vĩ mô của Nhà nước trong vấn đề nói trên.

“Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT&DL phải có tiếng nói đồng thuận, để giúp có các khoản ngân sách đầu tư cho các trường năng khiếu và chuyên biệt; nhằm để phát triển, đào tạo theo đơn đặt hàng của Nhà nước, chứ không thể coi những trường này như các trường đại học khác” – ông Toàn nói.

Nhà trường chủ quan!

PGS.TS Phan Thanh Bình cho rằng việc Bộ GD-ĐT thay đổi, sử dụng phương thức tuyển sinh mới đã tác động rất lớn đến tâm lý thí sinh. Các thí sinh không tập trung toàn lực được cho các môn thi năng khiếu. Trong tình hình cơ hội việc làm của các ngành nghệ thuật thấp, nên thí sinh không chọn vào trường nghệ thuật.

Kế đến, cơ hội vừa học vừa kiếm tiền, vừa hoạt động tương tác nghệ thuật của sinh viên nghệ thuật Huế kém hẳn so với nơi khác, nhất là TP.HCM, nên “thế hệ trước kéo thế hệ sau lũ lượt vào học ở Sài Gòn”.

Bên cạnh đó, các trường dân lập mở nhiều ngành mỹ thuật với điểm vào dễ thở hơn.

Ngoài ra, theo ông Bình: “Nhà trường cũng còn một phần tư duy nhận thức chủ quan, chưa đầu tư nhiều cho quảng bá tuyển sinh. Chủ quan này thì ban giám hiệu nhận lỗi!”.

THÁI LỘC