09/01/2025

Tư vấn mùa thi: Không học đại học có thể khởi nghiệp?

Nhiều học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (TP.HCM) đã đặt những câu hỏi liên quan đến khởi nghiệp, bằng cấp và cách phát hiện ra thế mạnh bản thân, trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại trường này sáng 18.1.

 

Tư vấn mùa thi: Không học đại học có thể khởi nghiệp?

Nhiều học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (TP.HCM) đã đặt những câu hỏi liên quan đến khởi nghiệp, bằng cấp và cách phát hiện ra thế mạnh bản thân, trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại trường này sáng 18.1.



Tiến sĩ Trần Đình Lý hướng dẫn học sinh lựa chọn ngành nghề tại buổi tư vấn /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tiến sĩ Trần Đình Lý hướng dẫn học sinh lựa chọn ngành nghề tại buổi tư vấnẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Chương trình do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức. Bên cạnh số học sinh (HS) tham dự trực tiếp, chương trình được phát trực tiếp trên website thanhnien.vn, fanpage Facebook/Thanhnien và YouTube/Thanhnien.
Khát vọng khởi nghiệp
Một HS thắc mắc: “Gần đây em nghe nói đến khởi nghiệp rất nhiều. Vậy nó quan trọng như thế nào đối với sinh viên ĐH?”.
Thạc sĩ Huỳnh Tôn Nghĩa, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhấn mạnh đến những lợi thế nếu ngay từ khi bước chân vào ĐH sinh viên đã học được tinh thần làm chủ. “Các bạn trẻ, có rất nhiều ý tưởng, nhiều đam mê, vì vậy hãy nuôi dưỡng và tìm cách biến ý tưởng thành hiện thực. Đừng nghĩ mình học xong ra trường kiếm một việc làm lương tháng chục triệu đã là tốt. Như vậy các em sẽ thui chột đi những khả năng tiềm ẩn trong bản thân, tự hạn chế mình, từ đó sẽ giảm đi ý chí và học hỏi để thành công. Nếu các em đã khao khát thành công bằng những ý tưởng và dùng nó để khởi nghiệp thì chắc chắn khi ra trường sẽ có rất nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để làm bất cứ việc gì”.
Theo ông Nghĩa, tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM hiện có khoa sáng tạo khởi nghiệp, nhằm hỗ trợ sinh viên biến ý tưởng của mình thành hiện thực bằng cách liên kết với các khoa chuyên môn, kêu gọi vốn…
Trong khi đó, một HS đã nêu ra vấn đề thú vị mà rất nhiều bạn trẻ chưa xác định được rõ ràng: “Em thấy có nhiều người khởi nghiệp mà không cần học hành. Vậy nếu em không học ĐH thì có khởi nghiệp được hay không?”.
Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhìn nhận: “Không học ĐH, các bạn vẫn có thể khởi nghiệp. Khởi nghiệp thành công hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, Steve Jobs, đồng sáng lập Apple, người từng rời bỏ trường ĐH danh tiếng để ra khởi nghiệp thành công, vẫn khuyên bạn trẻ không nên bỏ ĐH. Bởi nếu có thái độ học tập nghiêm túc, thì ĐH là môi trường cung cấp cho bạn trẻ khả năng tư duy, giải quyết vấn đề tốt hơn so với không học ĐH. Nó cũng góp phần làm nên thành công khi khởi nghiệp”.
Tư vấn mùa thi: Không học đại học có thể khởi nghiệp? - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Tiến sĩ, giám đốc cũng đi học… khởi nghiệp

Những ngày cuối năm, công việc tại các trường, công ty cũng tất bật, thế nhưng những tiến sĩ, trưởng khoa, những vị giám đốc vẫn dành thời gian để đi học khởi nghiệp.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, chia sẻ thêm: “Không hẳn ai học ĐH cũng giỏi hơn không học ĐH, nhưng nhìn chung các em sẽ có khả năng tư duy tốt hơn. Tuy nhiên, không học ĐH các em vẫn có thể khởi nghiệp thành công nếu có định hướng rõ ràng, có kiến thức về lĩnh vực sẽ khởi nghiệp, có kế hoạch, sự chuẩn bị tốt và có vốn”.
Cách xác định ngành nghề phù hợp
Mặc dù kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ đang đến rất gần, một số HS tại buổi tư vấn cho biết đến thời điểm này vẫn chưa lựa chọn được ngành nghề do chưa biết phù hợp với lĩnh vực nào. “Bây giờ đã kết thúc học kỳ 1 của lớp 12 nhưng nếu em chưa xác định được sở trường của bản thân, hiện em vẫn còn đang suy nghĩ, thì liệu có trễ hay không?”, một HS lớp 12A1 lo lắng.
Giải đáp băn khoăn này, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chia sẻ: “Có 3 vấn đề đặt ra mà em phải giải quyết: Em muốn làm nghề gì trong tương lai? Em phải chọn ngành học nào để có thể làm nghề đó và em nên chọn trường, chọn bậc học nào?”.
Cũng theo tiến sĩ Lý, đến thời điểm này, HS cần phải trả lời được 2 câu hỏi đầu. Muốn vậy, HS phải lắng nghe bản thân xem mình thích làm gì, có sở trường gì, bằng cách tham gia các phần mềm trắc nghiệm về ngành nghề, tìm hiểu các nội dung hướng nghiệp về ngành nghề…
Tiến sĩ Trần Đình Lý cũng cho biết thêm khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh mới có thể lựa chọn được trường mình theo học, bằng cách tham khảo điểm chuẩn, chỉ tiêu, tỷ lệ chọi của các trường để biết ngành mình muốn học xét tuyển tổ hợp môn nào, điểm thi của mình có phù hợp hay không…
Cũng đang hoang mang về việc chưa biết thế mạnh của mình là gì, Gia Huy – HS lớp 12A3, hỏi: “Em học giỏi đều các môn, vậy làm thế nào phát hiện ra thế mạnh của bản thân để chọn tổ hợp môn thi và chọn trường cho chính xác?”.
Thạc sĩ Lê Trọng Vinh, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Lợi thế của em là học giỏi đều các môn nên khi đi thi, điểm của em có khả năng sẽ cao. Lúc đó em có thể xét tuyển vào bất cứ tổ hợp môn nào, bất cứ trường nào. Tuy nhiên, quan trọng nhất là em phải biết mình phù hợp với ngành nghề gì. Vì vậy, em hãy tìm hiểu một nhóm ngành nghề mà em yêu thích, đặc thù của ngành đó ra sao, mình có khả năng theo đuổi lâu dài hay không?”.
Theo các chuyên gia tư vấn, thế mạnh của bản thân chỉ là một trong những yếu tố để chọn ngành học. Ngoài ra, còn phải xét đến sự yêu thích, khả năng và điều kiện theo đuổi…
Bằng cấp VN có được công nhận khi du học?

Nhiều HS băn khoăn liệu bằng cấp ĐH ở VN nếu đi ra nước ngoài học tiếp thì có được công nhận. Nếu không thì việc thi ĐH có còn quan trọng?
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Hiện nay nhiều chương trình đào tạo của các trường ĐH ở VN đã được quốc tế công nhận”.
Cụ thể hơn, tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thông tin: “Hiện nhiều trường ĐH tại VN có chương trình liên kết với nước ngoài, hoặc các chương trình được kiểm định bởi các tổ chức uy tín trên thế giới. Vì vậy, các em hoàn toàn có thể dùng bằng cấp đó để học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ ở nhiều nước như Mỹ, Anh, Úc, Canada…”.
Được biết, rất nhiều trường ĐH có chương trình liên kết quốc tế theo mô hình 2+2 hoặc 3+1. Sinh viên có thể học 2 năm hay 3 năm ở VN, sau đó tiếp tục hoàn thành khoá học ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, rào cản lớn nhất của bạn trẻ VN khi ra nước ngoài học là ngoại ngữ. Nếu trình độ ngoại ngữ không đạt yêu cầu mà trường ĐH ở nước ngoài đưa ra thì sẽ không thể học chuyển tiếp.


 

Mỹ Quyên