09/01/2025

Giá rau Đà Lạt “nhấp nhổm” tăng

Theo dự báo của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, giá rau củ sẽ tăng khoảng 30% so với dịp tết năm ngoái. Ghi nhận giá nông sản tại cửa vườn đã tăng 20% so với những ngày bình thường.

 

Giá rau Đà Lạt “nhấp nhổm” tăng

 Theo dự báo của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, giá rau củ sẽ tăng khoảng 30% so với dịp tết năm ngoái. Ghi nhận giá nông sản tại cửa vườn đã tăng 20% so với những ngày bình thường.

 

 

 

Giá rau Đà Lạt “nhấp nhổm” tăng
Các nhà xưởng sơ chế đang hoạt động hết công suất để kịp đưa rau đi các tỉnh thành – Ảnh: MAI VINH

Do ảnh hưởng của các đợt lũ và mưa muộn, sản lượng rau tại vùng rau lớn của Lâm Đồng như TP Đà Lạt, các huyện Đức Trọng và Đơn Dương bị sụt giảm mạnh, trong đó chủ yếu là các loại rau củ thông dụng như xà lách, cải, cà chua, khoai tây, cà rốt… 

Ưu tiên cho siêu thị 
đã ký hợp đồng

Các đơn vị cung ứng rau lớn tại Đà Lạt đang trong trạng thái hoạt động hết công suất để kịp sơ chế nông sản chuyển đi TP.HCM và các tỉnh thành.

Theo số liệu hợp đồng cung ứng nông sản tính từ 23 tháng chạp đến 15 tháng giêng từ các đơn vị cung ứng lớn như HTX Anh Đào, Công ty Phong Thuý, Công ty Thảo Nguyên…, tổng lượng nông sản chuyển về TP.HCM và các tỉnh tăng gấp 4 lần so với ngày thường.

Ông Nguyễn Công Thừa, tổng giám đốc HTX Anh Đào, cho biết các đơn vị ưu tiên cung cấp đủ sản lượng rau đã ký hợp đồng với các siêu thị trước đó, chỉ khoảng 20% lượng nông sản bán ra chợ đầu mối các tỉnh.

“Kênh chợ đầu mối, chợ lẻ sẽ thiếu hụt khoảng 20% so với dịp tết trước” – ông Thừa cho biết. Theo ông Thừa, hiện mỗi ngày HTX này cung cấp cho TP.HCM và đưa ra Hà Nội khoảng 80 tấn, dự kiến sẽ tăng lượng bán lên 200 tấn từ 25 tháng chạp.

Các siêu thị cho biết trước 27 tháng chạp sẽ không thể bán hết lượng hàng lớn nhưng các tổng kho phải hoạt động hết công suất để trữ hàng cho những ngày giáp tết và trong dịp tết.

Bà Nguyễn Thị Diễm Thuý, phụ trách thu mua tại Công ty Phong Thúy (huyện Đức Trọng) – đơn vị cung ứng nông sản lớn cho TP.HCM, cũng cho biết phải thuê thêm hàng chục công nhân thời vụ để đóng gói và làm sạch nông sản nhằm kịp tiến độ giao hàng.

Toàn bộ nông sản của công ty cũng chủ yếu cung cấp cho các siêu thị tại TP.HCM và Bình Dương, chỉ cung cấp một ít cho các chợ đầu mối nông sản tùy theo nguồn cung của từng loại nông sản.

“Cà chua khan hiếm nên chúng tôi không bán ra ngoài một quả nào cả, dành hết cho siêu thị. Có thể nói gần 90% sản lượng nông sản dịp tết bán hết cho siêu thị” – bà Th cho biết.

Thương lái gom rau non

Ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết các siêu thị liên kết với đơn vị cung ứng nông sản tại địa phương và nông dân khá sớm, không chỉ ký hợp đồng mà các nhà phân phối này còn tạm ứng tiền mua nông sản để nông dân tính toán đầu tư.

Do đó, dù sản lượng rau tại Đà Lạt bị thiếu hụt, các nhà sản xuất và nông dân vẫn ưu tiên giao hàng theo hợp đồng.

“Các nhà cung ứng và nông dân tại Đà Lạt cũng từng đặt vấn đề liên kết với các đối tác ngoài siêu thị nhưng không thành công, nên khó có thể nói nông dân thiếu công bằng trong việc cung ứng nông sản” – ông Sơn nói.

Do nguồn cung thiếu hụt, nhiều thương lái (chủ yếu là các vựa rau lớn tại TP Đà Lạt, Đơn Dương và Đức Trọng) đã tổ chức thu gom rau non, phần lớn lượng rau có thể thu hoạch từ 25 tháng chạp đến giữa tháng giêng đều đã được thương lái thu mua.

Bà Nguyễn Ngọc Bích, vựa rau Ngọc Bích (huyện Đức Trọng), cho biết một số loại rau chỉ thu hoạch sau 75 ngày xuống giống, nhưng chưa đến 60 ngày cũng được thương lái mua ngay với giá bằng giá rau đủ tuổi.

“Do chưa đủ tuổi, nhiều loại rau sẽ không ngon nhưng phải gom cho đủ rau” – bà Bích thừa nhận.

Theo ghi nhận của chúng tôi, có hiện tượng thương lái gom hàng để tìm cách đẩy giá nông sản lên cao. Sau khi thu mua rau ngay trên vườn, thương lái neo hàng để tạo sốt giá rồi bán ra 
từ từ.

Ông Lại Thế Hưng – chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng – cho rằng người tiêu dùng nên thay đổi thói quen mua sắm để tránh bị lợi dụng tạo nên những trận sốt giá.

“Thay vì mua nông sản nhiều rồi trữ trong tủ lạnh, chỉ nên mua vừa đủ dùng bởi nhiều siêu thị hay chợ nghỉ khoảng hai ngày rồi hoạt động lại. Nếu không, giá rau củ và nhiều nhu yếu phẩm sẽ bị đội giá” – ông Hưng khuyến cáo.

TP.HCM: sẽ đưa rau truy xuất ra chợ truyền thống

Phát biểu tại buổi triển khai chương trình “Nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả tại TP.HCM” ngày 18-1, ông Lê Thanh Liêm – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho rằng việc truy xuất nguồn gốc thịt heo, rau quả là cần thiết và được người tiêu dùng hoan nghênh, hưởng ứng.

Tuy nhiên, theo ông Liêm, hoạt động này không nên dừng lại ở các siêu thị mà cần mở rộng ra chợ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Để làm được điều này cần mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao chất lượng, đặc biệt là sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan ban ngành.

“Trước mắt có HTX Phú Lộc và Phước An tham gia chương trình truy xuất nhưng số lượng rau còn quá ít so với nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, cần huy động thêm nhiều HTX nông nghiệp khác tham gia, tạo thành chuỗi liên kết bền vững, có giá trị và đạt chất lượng cao” – ông Liêm nhấn mạnh.

Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Phước Trung – giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM – cho biết chương trình được triển khai đồng loạt tại các điểm của siêu thị Co.op Mart với 33 điểm, Big C (10 điểm), siêu thị Lotte Q.7, chợ phiên nông sản an toàn tại Kỳ Hoà (Q.10)… Số lượng rau được truy xuất 5,3 tấn/ngày do HTX Phú Lộc và Phước An cung cấp và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thành Nhân – tổng giám đốc Saigon Co.op, một trong những đơn vị tham gia chương trình này – cho biết mỗi ngày hệ thống này sẽ phân phối từ 100-120 tấn rau củ quả có truy xuất nguồn gốc.

So với nhu cầu của khách hàng trong dịp tết, con số này còn quá thấp nên cần mở rộng ra nhiều nhà cung cấp khác, bên cạnh hai HTX tham gia chương trình này.

Cùng ngày, ghi nhận tại siêu thị Co.op Mart Rạch Miễu (Q.Phú Nhuận) cho thấy rất đông khách hàng tìm hiểu, dùng điện thoại truy xuất thử nguồn gốc rau quả.

Cầm trên tay bó rau cải ngọt xanh mướt sau khi hí hoáy dùng điện thoại truy xuất, chị Mỹ Duyên (đường Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh) cho biết rất hài lòng về thông tin hiển thị trên smartphone.

Theo chị Duyên, trong khi thịt heo chỉ mới truy xuất được nơi nuôi, giết mổ và vận chuyển thì thông tin về rau lại chi tiết và đầy đủ hơn, như ngày giờ bón phân, loại thuốc bảo vệ, nông dân trồng theo tiêu chuẩn nào…

“Đây là thông tin rất hữu ích cho người dùng, nên mở rộng hoạt động này ra các chợ truyền thống bởi nhiều người dân hiện vẫn có thói quen mua hàng tại chợ truyền thống” – chị Duyên nói.

CÔNG TRUNG

MAI VINH