Gần đây tình trạng chào mời đổi tiền thật lấy tiền giả trở nên rầm rộ, công khai trên mạng xã hội theo tỷ lệ 1 đổi 10, 2 đổi 10… Thế nhưng, đây chỉ là cái bẫy giăng ra để lừa tiền cọc.
Bẫy mua bán tiền giả cuối năm
Gần đây tình trạng chào mời đổi tiền thật lấy tiền giả trở nên rầm rộ, công khai trên mạng xã hội theo tỷ lệ 1 đổi 10, 2 đổi 10… Thế nhưng, đây chỉ là cái bẫy giăng ra để lừa tiền cọc.
1 triệu tiền thật đổi 10 triệu tiền giả
Nhận được tin nhắn trên Zalo mời chào mua tiền giả, anh Trần (TP.HCM) không khỏi ngạc nhiên khi hành vi bị cấm này lại công khai như vậy. “Tôi nhận tin nhắn mời chào mua tiền giả theo tỷ lệ 1 triệu đồng tiền thật đổi 10 triệu đồng tiền giả. Theo hướng dẫn của người tên Phú, trong giao dịch đầu tiên, người mua sẽ chuyển khoản đặt cọc qua tài khoản 1 triệu đồng theo số tài khoản chỉ định, người bán sẽ giao tận nơi cho người mua sau 3 tiếng đến 1 buổi, kể từ lúc tài khoản nhận được tiền. Khi nhận hàng (tức tiền giả) nếu thấy “ok” thì lấy, không thì người bán trả tiền cọc lại. Đến lần giao dịch thứ hai, người mua không cần đặt cọc, khi nào giao tiền thật thì bên đó sẽ giao tiền giả”, anh Trần kể.
Theo anh Trần, người bán tiền giả tên Phú rao “sẽ giao tiền giả mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng, giống 99% tiền thật và chỉ có máy kiểm tra mới biết tiền giả, mắt thường không biết được nên người mua tiền giả khi sử dụng cần tránh những máy kiểm tra tiền”. Người này cũng cho số điện thoại, tài khoản ngân hàng để giao dịch và cũng để làm tin.
Ngoài đường dây này, còn một nơi khác rao bán tỷ lệ 1 triệu đồng tiền thật đổi 8 triệu đồng tiền giả. Để tạo sự tin tưởng, những kẻ buôn tiền giả không quên gửi hình ảnh về nhiều bó tiền giả như thật, những máy in tiền giả và hình ảnh người giao dịch. Tuy nhiên, anh Trần cũng thừa nhận có thể đó là hình ảnh của tiền thật mà những kẻ lừa đảo muốn cho người mua thấy để họ chuyển tiền cọc rồi rút tiền, chuồn mất tăm.
Lừa tiền cọc
Bán tiền giả hưởng chênh lệch Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ buôn bán và tiêu thụ tiền giả. Điển hình, ngày 21.12.2016, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp Chi cục Hải quan Cốc Nam bắt giữ Đỗ Trọng Thuỷ (30 tuổi, thường trú xã Yên Chính, H.Ý Yên, Nam Định) từ Trung Quốc về mang theo một túi ni lông màu đen bên trong đựng 496 tờ tiền VN mệnh giá 200.000 đồng có sê ri trùng nhau. Thuỷ khai qua Trung Quốc mua số tiền giả này về quê tiêu thụ, bán lại hưởng chênh lệch. Trước đó, Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp Chi cục Hải quan, Bộ đội biên phòng cửa khẩu Cốc Nam phát hiện và kiểm tra ba lô của một nam thanh niên có số tiền VN giả loại mệnh giá 200.000 đồng với tổng số tiền gần 100 triệu đồng…
Chỉ cần gõ từ khoá “mua tiền giả” hay “mua bán tiền giả”, sẽ có ngay hàng triệu kết quả chỉ trong chưa đầy 1 giây. Trong đó, nhiều trang Facebook ghi rõ chi tiết như: “Hiện tại bên mình vừa mới nhập vài lô hàng về nếu bạn nào có túng thiếu trong dịp tết hãy liên hệ để được hỗ trợ ”; “Hiện nay bên chúng tôi mới nhập một lô hàng mới về từ Lào nha, chỉ buôn bán qua trang Facebook. Tỷ lệ 1=7 không nhận tiền cọc từ khách. Nghiêm cấm xài tiền này ở nơi có máy soi nha”…
Theo giới thiệu của những trang rao bán tiền giả, đây là lượng tiền được nhập về với độ tinh xảo và chi tiết giống tiền thật lên đến 99%. Hầu hết tiền giả đang được rao bán có các mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng.
Tuy nhiên, cũng trên mạng xã hội, một người tên Ngân cảnh báo hình thức đổi tiền thật lấy tiền giả là lừa đảo. “Nhiều người bị lừa theo hình thức này rồi. Sau khi chuyển khoản tiền cọc xong, tụi lừa đảo khoá số điện thoại, còn tài khoản ngân hàng thì người bình thường không truy ra được thông tin. Vấn đề là khi bị mất tiền rồi, người mua cũng ngậm bồ hòn, không dám báo công an khi đi mua tiền giả bị lừa tiền”, Ngân viết. Trong khi đó, N. (Q.10, TP.HCM) thừa nhận từng bị lừa mất cọc hai lần khi thử mua tiền giả. “Tình trạng lừa cọc nhan nhản là lý do nhiều trang Facebook được mở ra và thòng câu “mua bán tiền giả không cần đặt cọc trước”. Nhưng toàn là lừa đảo cả thôi”, N. nói.
Có thể bị tù chung thân
Việc giao dịch, lưu hành tiền giả là bất hợp pháp nhưng vẫn có rất nhiều người lập ra các fanpage, group kín hoặc thậm chí sử dụng cả tài khoản cá nhân trên Facebook để mua bán, trao đổi công khai. Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, vấn nạn tiền giả đều xuất hiện ở nhiều quốc gia. Tiền càng có giá trị thì bị làm giả càng nhiều như USD.
Chuyên gia này nhận định: Dù quảng cáo “giống đến 99%” nhưng nếu cẩn thận khi soi tiền dưới ánh nắng mặt trời thì những người có kinh nghiệm vẫn phân biệt được tiền giả và tiền thật. Thông thường tiền thật khi so và sờ lướt qua sẽ có độ nhám vì có những biểu tượng được in nổi trên bề mặt đồng tiền, trong khi tiền giả thì in phẳng nên trơn láng hơn. Thế nhưng, đôi khi người dùng trộn lẫn vài tờ tiền giả trong một xấp tiền thật thì người nhận chủ quan nên sẽ bỏ qua luôn mà không phát hiện được.
“Nếu chỉ mới dừng ở việc trao đổi, mua bán như tiền đồ chơi… thì chưa vi phạm pháp luật. Tuy nhiên nếu người mua hay bán đưa tiền giả này vào lưu thông trên thị trường thì đã vi phạm pháp luật và trường hợp bị phát hiện sẽ bị xử lý rất nặng, thậm chí truy tố hình sự”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho hay: “Chúng tôi có biết về tình trạng mua bán tiền giả và hiện cơ quan chức năng đang vào cuộc để làm rõ việc này”. Ông Minh nhấn mạnh, việc sản xuất, tàng trữ, lưu hành tiền giả, ngoài hình thức phạt hành chính từ 10 – 100 triệu đồng còn có thể bị tịch thu tài sản và cao nhất là xử lý hình sự, phạt tù từ 3 năm đến chung thân.