Tình thầy trò
Qua nửa chặng đường, ban tổ chức hội thi sáng tác ảnh “Dấu ấn thời gian” do Sở GD-ĐT TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM phối hợp tổ chức đã nhận được nhiều tấm ảnh thể hiện tình thầy trò gắn kết và gần gũi.
Tình thầy trò
Qua nửa chặng đường, ban tổ chức hội thi sáng tác ảnh “Dấu ấn thời gian” do Sở GD-ĐT TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM phối hợp tổ chức đã nhận được nhiều tấm ảnh thể hiện tình thầy trò gắn kết và gần gũi.
Nét đẹp phấn trắng – tác giả Nguyễn Nhật Trường Duy, giáo viên Trường THCS Phú Mỹ, P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM |
Đó là những tấm ảnh không chỉ ghi lại hình ảnh người thầy tận tâm hướng dẫn, chỉ dạy cho học trò, mà còn bắt trọn khoảnh khắc thầy trò vui chơi, cười đùa bên nhau hết sức thân tình.
Nét đẹp phấn trắng
Tác giả Nguyễn Nhật Trường Duy, giáo viên Trường THCS Phú Mỹ, P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, gửi đến hội thi tấm ảnh Nét đẹp phấn trắng.
Nổi bật trong tấm ảnh là tà áo dài thướt tha của cô giáo trẻ, sự chăm chú của cô học trò nhỏ trước sự hướng dẫn của cô giáo. Bức ảnh còn thú vị ở những ánh mắt lém lỉnh, tò mò và nụ cười tinh nghịch của các bạn học sinh trong lớp. Xem những hình ảnh ấy, người xem bất giác mỉm cười theo và thêm yêu, thêm nhớ những kỷ niệm một thời áo trắng cắp sách đến trường.
Tác phẩm Thực hành thí nghiệm của thầy Trần Văn Tám, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM, cũng lưu giữ những hình ảnh đẹp về tình thầy trò.
Thầy Tám đã ghi lại tiết học thực hành môn khoa học của lớp 5/2 Trường tiểu học Trung Lập Hạ, dưới sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hội. Trong tiết thực hành này, học sinh được chia thành từng nhóm nhỏ, và trực tiếp làm thí nghiệm để tạo ra dung dịch từ nước pha với đường hoặc nước pha với muối.
Đồng thời, các em còn tự mình nếm xem vị của dung dịch đó như thế nào, rồi trao đổi trong nhóm và ghi ý kiến vào phiếu học tập. Sau đó, từng nhóm sẽ cử đại diện trình bày kết quả thực hành của nhóm mình trước lớp và được các bạn, giáo viên đóng góp, bổ sung ý kiến.
“Cách học như thế này sẽ làm học sinh thích thú, nhớ nội dung bài học được lâu” – thầy Tám chia sẻ.
Thực hành thí nghiệm – tác giả Trần Văn Tám, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM |
Nhảy dây
Tác giả Huỳnh Lê Thanh Hải, giáo viên Trường THCS Long Trường, đường Nguyễn Duy Trinh, P.Long Trường, Q.9, TP.HCM đã gửi đến hội thi một tấm ảnh có tựa đề Nhảy dây.
Thầy Hải giới thiệu về tấm ảnh của mình: “Trong giờ thể dục, nhiều cô giáo của Trường THCS Trường Thạnh (đường 3, P.Trường Thạnh, Q.9, TP.HCM) cũng mặc quần áo thể thao để chơi nhảy dây với các em học sinh.
Đây không chỉ là hoạt động thể dục thể thao bổ ích trong môi trường học đường, mà còn là cách để giáo viên hòa đồng với học sinh. Các cô giáo đã trở thành “đồng đội” của học trò, khi cùng nhau sát cánh hoàn thành bài nhảy dây tập thể tương đối khó.
Nhảy dây – tác giả Huỳnh Lê Thanh Hải, giáo viên Trường THCS Long Trường, đường Nguyễn Duy Trinh, P.Long Trường, Q.9, TP.HCM |
Chỉ sau vài phút cật lực nhảy dây, ai cũng đổ mồ hôi nhễ nhại, nhưng cả cô lẫn trò đều rất vui vẻ và hào hứng. Đặc biệt, cô giáo nhảy rất dẻo dai, không kém học sinh”.
“Hoạt động này luôn được duy trì thường xuyên ở Trường THCS Trường Thạnh. Thỉnh thoảng vẫn có “tai nạn nghề nghiệp” nhỏ như cô bị vấp ngã, sây sát nhẹ… nhưng đổi lại là những trận cười sảng khoái, giúp giáo viên và học sinh thêm hưng phấn khi vào học tiết tiếp theo” – thầy Hải cho biết thêm.