Tăng tính thực nghiệp ở cuối cấp
Tại Hội nghị khởi động dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông được tổ chức vào ngày 17-1, GS Nguyễn Minh Thuyết – tổng chủ biên chương trình tổng thể giáo dục phổ thông – đã trình bày định hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.
DỰ THẢO MỚI NHẤT CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG:
Tăng tính thực nghiệp ở cuối cấp
Tại Hội nghị khởi động dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông được tổ chức vào ngày 17-1, GS Nguyễn Minh Thuyết – tổng chủ biên chương trình tổng thể giáo dục phổ thông – đã trình bày định hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giờ học môn sử của học sinh lớp 12A4 Trường THPT Lê Quý Đôn Q.3, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG |
“Thực học – thực nghiệp, học đi đôi với hành, tăng phân luồng hướng nghiệp” là quan điểm mà GS Thuyết đã nhấn mạnh tại hội nghị.
Bên cạnh đó, GS Thuyết cũng trình bày quan điểm xây dựng chương trình tổng thể giáo dục phổ thông phải đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp học, lớp học; kế thừa, phát triển các chương trình giáo dục phổ thông đã có; tiếp thu có chọn lọc chương trình giáo dục phổ thông các nước có nền giáo dục phát triển; đảm bảo sự liên thông giữa các bậc học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
Lớp 11, 12: học sinh tự chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp
Theo dự thảo mới nhất chương trình tổng thể giáo dục phổ thông, chương trình dành một năm lớp 10 là năm dự hướng (tìm hiểu trước về nghề nghiệp tương lai). Lớp 11, 12 sẽ để học sinh tự chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp.
Chia sẻ về dự thảo, GS Thuyết giải thích: “Ở lớp 10, học sinh vẫn học đủ các môn, với nội dung hướng nghiệp của từng môn rõ hơn chương trình hiện hành. Nhưng trừ ba môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, các môn học khác chỉ bố trí học trong một học kỳ. Môn giáo dục thể chất sẽ được tổ chức dưới hình thức các câu lạc bộ thể thao tự chọn. Theo cách này, số lượng các môn học ở lớp 10 chỉ khoảng 6-7 môn thay cho 13 môn như hiện nay”.
Cụ thể, lớp 10 có 11 môn học bắt buộc: ngữ văn, ngoại ngữ 1, toán, giáo dục công dân, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, thiết kế và công nghệ. Nhưng mỗi học kỳ bố trí học không quá 7 môn.
Từ lớp 11, 12, học sinh sẽ được giáo viên, phụ huynh tư vấn để lựa chọn các môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Mỗi học sinh chỉ cần chọn 5 môn học. Ngoài các môn học tự chọn cần cho nghề nghiệp mà học sinh dự kiến sẽ theo đuổi, các em có thể đăng ký học thêm các môn theo sở trường, sở thích.
Ví dụ, ngoài các môn phù hợp với nghề nghiệp tương lai như toán, ngữ văn, ngoại ngữ, hoá, lý, sinh… học sinh có thể chọn học thêm về mỹ thuật, âm nhạc…
Với hướng này, theo GS Thuyết, số lượng môn học sẽ giảm nhiều so với hiện tại. Học sinh có thời gian tập trung cho các môn học cần thiết, có điều kiện thực hành, bổ sung thêm các năng lực cần thiết cho nghề nghiệp tương lai.
Theo đó, lớp 11 và 12, học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn học, tổng số của các môn tự chọn không được thấp hơn 20 tiết/tuần.
Lịch sử, địa lý chỉ tích hợp ở bậc tiểu học
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, trong dự thảo mới nhất, ở bậc tiểu học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm tiếng Việt, ngoại ngữ 1, toán học, giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, tìm hiểu xã hội, tìm hiểu tự nhiên, kỹ thuật và tin học, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Ngoài ra, bậc học này có môn tự chọn tiếng dân tộc thiểu số, hoạt động tự học có hướng dẫn đối với học sinh học 2 buổi/ngày.
Ở bậc THCS, có các môn học bắt buộc gồm ngữ văn, ngoại ngữ 1, toán, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, tin học, công nghệ và hướng nghiệp, lịch sử và địa lý, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Theo nhóm biên soạn, một số môn học, hoạt động của bậc học này sẽ được thiết kế thành các học phần (modun), trong đó có một số học phần bắt buộc với một số học sinh, một số học phần tự chọn tùy theo chương trình giáo dục của các địa phương. Ngoài ra, bậc học này có môn tự chọn là ngoại ngữ 2.
So với dự thảo đã công bố năm 2015, dự thảo mới nhất này không gộp lịch sử, địa lý thành môn khoa học xã hội. Tương tự, ở bậc THPT cũng không gộp lịch sử vào môn công dân với Tổ quốc.
Chia sẻ về điểm mới này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết nhóm chuyên gia tham gia xây dựng dự án đồng tình với phương án Bộ GD-ĐT thống nhất với Hội Khoa học lịch sử VN trong việc để môn lịch sử, địa lý là môn học độc lập từ bậc THCS trở lên.
Chương trình không quy định cứng số môn học từng tuần
Theo tổng chủ biên chương trình tổng thể giáo dục phổ thông, chương trình mới sẽ chỉ quy định tổng thời lượng học mỗi môn học trong năm, không quy định chi tiết tới từng tuần như trước đây. Các trường có quyền chủ động sắp xếp kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện của địa phương mình, trường mình.
Ví dụ ở lớp 11, 12, mỗi môn học được nhóm chuyên gia xây dựng chương trình ước tính tối đa 5 tiết/tuần. Nhưng sẽ có những nhóm môn học chỉ 3-4 tiết/tuần. Các trường có thể linh hoạt sắp xếp số môn học trong tuần phù hợp với nhu cầu, điều kiện hiện có.
“Ngay trong một môn học cũng có thể chia nhánh để học sinh tự chọn. Ví dụ, trong môn ngữ văn có ngữ văn 1, ngữ văn 2. Ngữ văn 1 để rèn luyện cho học sinh kỹ năng đọc hiểu, viết các loại văn bản… Ngữ văn 2 dành cho học sinh muốn học chuyên sâu ngành văn học” – GS Thuyết giải thích.
Bên cạnh đó, một điểm mới khác là chương trình mới sẽ có hướng dẫn nội dung giáo dục và việc sử dụng quỹ thời gian cho chương trình giáo dục địa phương; tránh tình trạng có địa phương bỏ hẳn chương trình giáo dục địa phương, hoặc đưa vào các nội dung giáo dục không thiết thực, mang tính hình thức, gây lãng phí, quá tải cho học sinh.
80 triệu USD hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Ngày 17-1, Hội nghị khởi động dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT và Ngân hàng Thế giới tổ chức. Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 4-2015, thời gian thực hiện từ năm 2015-2020. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao kết quả học tập của học sinh, qua việc xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực, nâng cao chất lượng dạy học theo chương trình mới và đổi mới đánh giá giáo dục học sinh. Dự án này bao gồm hỗ trợ phát triển chương trình (xây dựng chương trình, thực hiện chương trình); hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới (biên soạn một bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT thực hiện và thẩm định các bộ sách giáo khoa khác); cung cấp sách giáo khoa cho học sinh khó khăn; hỗ trợ đánh giá, phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông. Kinh phí thực hiện dự án là 80 triệu USD, bao gồm 77 triệu USD vốn ODA vay ưu đãi (IDA) và 3 triệu USD vốn đối ứng. |
Các bước triển khai xây dựng chương trình tổng thể giáo dục phổ thông – Tháng 10-2015: Bộ GD-ĐT công bố dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông. – Tháng 12-2015: Trên cơ sở tiếp thu góp ý, ban xây dựng chương trình tổng thể giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT đã hoàn thiện một bước dự thảo, để có phiên bản dự thảo tháng 12-2015. – Tháng 11-2016: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18-10-2016 phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, Bộ GD-ĐT đã triệu tập một số chuyên gia nghiên cứu hoàn thiện dự thảo chương trình tổng thể. GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội – đã được chọn làm tổng chủ biên chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới. |