29/11/2024

Những hệ luỵ từ Dự án thép Thái Nguyên: Xử lý trách nhiệm đến đâu ?

Dù đã bị miễn nhiệm các chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, song ông Trần Văn Khâm hiện vẫn giữ cương vị Bí thư Đảng ủy doanh nghiệp.

 

Những hệ luỵ từ Dự án thép Thái Nguyên: Xử lý trách nhiệm đến đâu ?

Dù đã bị miễn nhiệm các chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, song ông Trần Văn Khâm hiện vẫn giữ cương vị Bí thư Đảng ủy doanh nghiệp.



Dự án thép Thái Nguyên thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng
 /// Ảnh: Chí Hiếu

Dự án thép Thái Nguyên thua lỗ hàng nghìn tỉ đồngẢNH: CHÍ HIẾU

Liên tiếp bị xử lý
Đây là điều được cho rằng khá bất thường trong bối cảnh Chính phủ yêu cầu xử lý trách nhiệm cá nhân tại các dự án thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước. Cần phải nhắc lại là, trong giai đoạn Công ty gang thép Thái Nguyên (Tisco) ngụp lặn trong dự án gang thép mở rộng (giai đoạn 2) với khoản nợ hơn 4.500 tỉ đồng thì ông Trần Văn Khâm là người đứng đầu Tisco khi nắm giữ cả hai chức vụ chủ tịch HĐQT lẫn tổng giám đốc.
Giữa năm 2009, khi ông Khâm từ vị trí phó tổng giám đốc ngồi vào ghế tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT của Tisco thì dự án giai đoạn 2 gần như giậm chân tại chỗ sau 1 năm rưỡi khởi công.
Cụ thể, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Tisco với tổng mức đầu tư 3.843 tỉ đồng được Thủ tướng cho phép năm 2005 với mục tiêu là đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất luyện kim (bao gồm khai thác chế biến quặng sắt) nhằm tạo ra năng lực sản xuất 500.000 tấn phôi thép/năm, sử dụng nguồn nguyên liệu quặng sắt trong nước. Dự án bao gồm 2 gói thầu chính: một là gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ; hai là xây dựng dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm rưỡi khởi công, đến tháng 6.2012 do thiếu vốn, các nhà thầu đã dừng thi công, rút người ra khỏi hiện trường và công trình ngưng trệ từ đó tới nay.
Những hệ lụy từ Dự án thép Thái Nguyên: Xử lý trách nhiệm đến đâu ? - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Đắp chiếu, mỗi ngày chịu 1 tỉ đồng tiền lãi

Trong hơn 4.500 tỉ đồng đã rót vào dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 hiện đang dở dang, chi phí ngân hàng lên tới hơn 1.200 tỉ đồng và bình quân mỗi ngày, doanh nghiệp phải trả khoảng 1 tỉ đồng tiền lãi.
Gần một năm sau ngày công trình bị dừng thực hiện, đến tháng 5.2013, dự án chính thức được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 3.843 tỉ đồng lên 8.104 tỉ đồng. Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường cuối năm 2014 của công ty, Tisco đã nhất trí thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Trần Văn Khâm. Chưa hết, hơn 2 tháng sau đó, HĐQT Tisco lại tiếp tục ban hành nghị quyết thông qua chủ trương miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên nhiệm kỳ 2014 – 2019 đối với ông Khâm.
Như vậy, tính đến giữa tháng 3.2015, ông Khâm đã không còn đảm nhận một cương vị lãnh đạo nào trong HĐQT hay ban giám đốc. Trọng trách mà vị cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tisco còn giữ là Bí thư Đảng ủy công ty, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2010 – 2015. Dù tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy công ty nhiệm kỳ 2016 – 2020 song tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tháng 10 năm ngoái, ông Khâm đã không còn có tên trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng giám đốc Tisco thừa nhận, việc Bí thư Đảng uỷ công ty không trúng Tỉnh uỷ viên là điều đáng tiếc bởi trước đây thì người đứng đầu doanh nghiệp hay lãnh đạo Đảng uỷ công ty đều tham gia Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, thậm chí có thời kỳ còn tham gia Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
“Bí thư không vào HĐQT và ban giám đốc thì vai trò lãnh đạo yếu đi nhiều”, ông Diệp thừa nhận. Ông Diệp cho hay về mặt Đảng, Đảng bộ Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên với hơn 2.000 đảng viên tương đương một đảng bộ huyện và do Tỉnh uỷ Thái Nguyên quản lý chứ không thuộc tổng công ty thép. Dù vậy, ông Diệp lưu ý rằng, việc miễn nhiệm đối với ông Khâm không phải là kỷ luật do trách nhiệm tại dự án mở rộng giai đoạn 2 mà chỉ là do ông không được tổng công ty lựa chọn làm người đại diện phần vốn nhà nước nữa, khi công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Tổng công ty thép VN (VNSTEEL), cũng cho biết khi tiến hành miễn nhiệm các chức danh quản lý, không làm đại diện phần vốn của VNSTEEL tại Tisco đối với ông Trần Văn Khâm thì tổng công ty đều thông báo cho tỉnh Thái Nguyên chứ không kiến nghị gì về mặt Đảng do tổng công ty không quản lý về mặt này.
“Sẽ có uy lực hơn, nếu…”
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Thái Nguyên cũng nhìn nhận, không riêng tại Tisco mà bất cứ doanh nghiệp nào nếu Bí thư Đảng bộ kiêm lãnh đạo thì “sẽ có uy lực hơn trong việc lãnh đạo điều hành công việc”.
Tuy nhiên, theo ông Khoa, “Trường hợp ông Khâm đang làm Bí thư Đảng ủy là phải có sự đồng ý của tổng công ty thép, nếu không thì chúng tôi sẽ không để như vậy”. Ông Khoa cho biết thêm: “Trong quá trình thẩm định, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Thái Nguyên không nhận được bất cứ tố cáo hay tố giác về tiêu cực tham nhũng đối với ông Trần Văn Khâm. Mới đây, đoàn kiểm tra số 2 của Uỷ ban Quốc gia về phòng chống tham nhũng khi làm việc tại Thái Nguyên và Tisco cũng đã kiểm tra và không đề cập đến trách nhiệm ông Khâm”.
Trả lời Báo Thanh Niên về việc Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ đã từng kiểm tra và nhìn nhận như thế nào về vai trò ông Trần Văn Khâm với tư cách là người đứng đầu Đảng bộ và doanh nghiệp để xảy ra hệ luỵ, ông Khoa giải thích rằng: “Đối với Uỷ ban Kiểm tra thì chúng tôi chỉ kiểm tra về mặt Đảng, tức họ có chấp hành chủ trương, chính sách, còn về chuyên môn phải là tổng công ty thép. Nhưng đến nay thì tổng công ty thép không có bất cứ văn bản nào về trách nhiệm liên quan đến ông Khâm”.
Trong bối cảnh xem xét, xử lý rốt ráo vụ dự án Thép Thái Nguyên, cũng cần thiết việc xem xét kiểm điểm trách nhiệm đảng viên đang làm công tác lãnh đạo gắn liền với nhiệm vụ xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết T.Ư 4 khoá XII.
Xây nhà sai phép
Trong giai đoạn điều hành Tisco, ông Trần Văn Khâm đã gây ra bức xúc dư luận khi xây nhà trái phép tại tổ 13, P.Trung Thành, TP.Thái Nguyên. Giấy phép xây nhà của ông Khâm cho phép xây dựng 2 tầng, chiều cao của công trình là 7 m nhưng ông Khâm và gia đình đã xây thành một biệt thự cao 5 tầng, vượt quá chiều cao hơn 10 m. Ngoài ra, một phần công trình xây dựng sai phép vi phạm lộ giới đường quy hoạch là 22 m. Từ tháng 9.2013, UBND TP.Thái Nguyên đã ra Quyết định số 7355/QĐ-XPHC xử phạt hành chính đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng của ông Trần Văn Khâm với mức phạt 7,5 triệu đồng, buộc tháo dỡ công trình sai phép, nhưng đến nay, phần vi phạm vẫn chưa được tháo dỡ.

 

Thái Sơn – Chí Hiếu