Gần 37 triệu USD bảo vệ Davos
Thuỵ Sĩ thiết lập chế độ an ninh tối đa để bảo vệ các yếu nhân đến dự hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới 2017 tại thị trấn Davos.
Gần 37 triệu USD bảo vệ Davos
Thuỵ Sĩ thiết lập chế độ an ninh tối đa để bảo vệ các yếu nhân đến dự hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới 2017 tại thị trấn Davos.
Suốt hầu hết thời gian trong năm, thị trấn nhỏ chỉ với hơn 11.000 dân của Thuỵ Sĩ nằm nép mình lặng lẽ vào dãy Alps. Tuy nhiên cứ mỗi độ diễn ra hội nghị thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Davos lại lột xác hoàn toàn khi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ, ông chủ những tập đoàn lớn và các chuyên gia đến dự một trong những sự kiện kinh tế, chính trị – xã hội quan trọng nhất thế giới.
Năm nay, hội nghị lần thứ 47 diễn ra từ ngày 17 – 21.1 trong bối cảnh tại châu Âu vừa xảy ra nhiều vụ tấn công đẫm máu. Vì thế, theo tờ USA Today, Thuỵ Sĩ quyết định chi gần 37 triệu USD để triển khai 5.000 binh sĩ, cảnh sát cho công tác an ninh.
Reuters dẫn số liệu từ WEF cho biết gần 3.000 người tham gia hội nghị 2017, quan trọng nhất là sự có mặt của hơn 20 lãnh đạo cấp cao các nước. Ngày 17.1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có mặt tại Davos và là nhà lãnh đạo cao nhất đầu tiên của nước này đến hội nghị.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không cử phái đoàn chính tham dự mà đại diện Mỹ là Phó tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry. Tuy nhiên, tờ Financial Review dẫn các nguồn tin cho biết ít nhất một cố vấn cấp cao của ông Trump sẽ có mặt. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông tuyên bố phái đoàn nước này sẵn sàng gặp đại diện của Tổng thống đắc cử Mỹ tại Davos.
TIN LIÊN QUAN
An ninh tận răng bảo vệ Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos
Những đoạn dây kẽm gai bao quanh thị trấn trên đỉnh Alps thuộc Thuỵ Sĩ, không phận bị đóng, lính gác và chó nghiệp vụ khắp nơi tuần tra 24/7 bảo vệ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2017 bắt đầu từ hôm nay 17.1.
Trước sự hiện diện của hàng loạt yếu nhân, lực lượng an ninh Thuỵ Sĩ đã biến Davos thành một pháo đài thực sự. Không quân và lục quân được triển khai bảo vệ các tuyến giao thông, kiểm soát không phận nhằm chặn đứng mọi mối đe doạ hạt nhân, hoá học và vũ khí sinh học đồng thời hỗ trợ cảnh sát.
Trong quá trình diễn ra hội nghị, hoạt động không lưu trên bầu trời Thuỵ Sĩ, Áo, Liechtenstein và Ý sẽ bị giới hạn trong vòng bán kính 46 km tính từ trung tâm Davos, trong khi chốt kiểm tra được bố trí dày đặc với lính bắn tỉa hiện diện thường trực trên các nóc nhà. Ngày 17.1, trong lúc trực thăng quần đảo trên không, từng tốp phái đoàn có mặt trước nơi trung tâm hội nghị chính và dùng thẻ từ để đi qua tầng tầng lớp lớp kiểm tra an ninh.
Truyền thông Thuỵ Sĩ dẫn lời giới chức tình báo nước này cảnh báo “mối đe dọa khủng bố vẫn cao” vì sự xuất hiện của lãnh đạo các quốc gia tham gia liên minh quân sự chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban bố lệnh cảnh báo đi lại tại châu Âu cho đến ngày 20.2. “Những thông tin đáng tin cậy cho thấy IS, al-Qaeda và các chân rết tiếp tục lên kế hoạch tấn công khủng bố châu Âu, với trọng tâm xoáy vào mùa lễ hội và những sự kiện lớn”, cảnh báo viết.
Bất chấp sự phiền hà, bất tiện đối với người dân địa phương và chi phí cao ngất ngưởng trong mỗi lần đăng cai hội nghị thường niên của WEF, Thuỵ Sĩ cũng thu được nguồn lợi lớn. Kết quả nghiên cứu do Đại học Thánh Gallen ở Geneva thực hiện theo yêu cầu của WEF cho thấy sự kiện này mang lại khoảng 50 triệu USD cho địa phương nói riêng và thêm 79 triệu USD cho Thuỵ Sĩ nói chung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường dự Hội nghị WEF
Nhận lời mời của Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, sáng 17.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị thường niên WEF tại Davos, Thuỵ Sĩ.
Tháp tùng Thủ tướng có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva (Thụy Sĩ) Dương Chí Dũng và lãnh đạo một số địa phương.
Chủ đề của hội nghị lần này là “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm” với hơn 300 phiên thảo luận về các nhóm vấn đề như nâng cao quản trị toàn cầu; ứng phó bất ổn an ninh và khủng hoảng; thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; tái cơ cấu kinh tế và cải cách xã hội ở các quốc gia và khu vực; và phát triển các hệ thống công nghiệp và mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cùng với việc tham dự hội nghị, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước và các đối tác phát triển. Đây cũng là dịp để Việt Nam quảng bá vị thế, vai trò của mình trên cương vị chủ nhà APEC 2017.
Theo TTXVN
|
Thuỵ Miên