Đức Giáo Hoàng, Giáng sinh, và “Tin tức Ngụy tạo” về Hitler

Trong bài diễn từ phát thanh Giáng sinh ngày 24 tháng 12 năm 1940 gửi “thành phố và thế giới”, Giáo hoàng Piô XII đã lên án Đức Quốc xã về “việc sử dụng trái phép các lực lượng phá hoại chống lại dân thường, người tị nạn, người già và trẻ em; một sự khinh miệt đối với phẩm giá con người, tự do và sự sống làm phát sinh những hành động mà tiếng kêu than báo oán lên đến trước Thiên Chúa….”

George J. Marlin

https://www.thecatholicthing.org/, December 15, 2016

 

Trong bài diễn từ phát thanh Giáng sinh ngày 24 tháng 12 năm 1940 gửi “thành phố và thế giới”, Giáo hoàng Piô XII đã lên án Đức Quốc xã về “việc sử dụng trái phép các lực lượng phá hoại chống lại dân thường, người tị nạn, người già và trẻ em; một sự khinh miệt đối với phẩm giá con người, tự do và sự sống làm phát sinh những hành động mà tiếng kêu than báo oán lên đến trước Thiên Chúa….”

 

Một bài xã luận của tờ Nữu Ước Thời báo (New York Times) vào ngày Giáng sinh nhận định rằng “trật tự luân lý của Đức Giáo hoàng, tóm tắt một lời, hoàn toàn trái ngược với trật tự của Hitler”.

 

Một năm sau, bài diễn từ Giáng sinh của đức Thánh cha cho Hồng y đoàn lên án Đức quốc xã vi phạm các quyền của các nhóm thiểu số. Ngài nói, không thể nào có chỗ cho “(1) sự áp bức công khai hoặc tinh tế những đặc điểm văn hóa và ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số; (2) sự đối nghịch những khả năng kinh tế của họ; (3) những hạn chế hoặc huỷ bỏ khả năng sinh sản tự nhiên của họ”.

 

Và một lần nữa ban biên tập tờ Thời báo không chỉ hoan nghênh tuyên bố của đức Giáo hoàng nhưng còn tuyên bố: “Tiếng nói của Đức Piô XII là một tiếng nói cô đơn trong sự im lặng và bóng tối bao trùm châu Âu mùa Giáng Sinh này…. [Ngài] là nhà lãnh đạo duy nhất còn lại trên lục địa châu Âu, dám cất lên tiếng nói…. [Ngài] rõ ràng không chút hồ nghi rằng các mục tiêu của Phát xít Đức cũng không thể hòa hợp với quan niệm của ngài về một nền hòa bình Kitô giáo”.

 

Trong diễn từ Giáng sinh 1942 của mình, ngài khẳng định: “Giáo Hội sẽ không chân thật với chính mình, sẽ không còn là một người mẹ, nếu giả điếc làm ngơ trước những tiếng kêu của các trẻ em đau khổ đến tai Giáo Hội từ mọi tầng lớp của gia đình nhân loại”. Ngài cũng yêu cầu các đối phương của Đức quốc xã thực hiện “lời thề trang trọng không bao giờ nghỉ ngơi cho đến khi các linh hồn dũng cảm của mọi dân tộc và mọi quốc gia trỗi lên trong các lữ đoàn của họ, quyết tâm đem xã hội trở lại trung tâm bất di bất dịch của trọng lực trong Luật của Thiên Chúa, và hiến thân phục vụ con người, phục vụ một xã hội con người linh thiêng và cao quý. Ngài kết luận, lời thề này phải được thực hiện nhân danh các nạn nhân chiến tranh, “hàng trăm ngàn người không phải do lỗi của mình, mà duy nhất chỉ vì quốc gia hay chủng tộc của họ, đã bị kết án tử hình hoặc bị diệt chủng dần dần”.

 

Một lần nữa ban biên tập tờ Thời báo khen ngợi đức giáo hoàng: “Không có bài giảng Giáng sinh nào đến một cộng đoàn lớn mà lớn hơn sứ điệp Giáo hoàng Piô XII ngỏ lời với một thế giới đang bị chiến tranh tàn phá vào mùa này. Giáng sinh này, hơn bao giờ hết, ngài là một tiếng nói cô đơn vang lên giữa sự im lặng của một lục địa. Bục giảng nơi ngài phát biểu, hơn bao giờ hết, như một tảng đá trên đó Giáo Hội được thành lập, một hòn đảo tí hon bao quanh và bị vùi dập bởi một biển cả chiến tranh”.

 

 

 

Đức Piô XII phát biểu trên đài phát thanh, 1942

 

Bài xã luận cũng chỉ ra rằng đức giáo hoàng không phải là một nhà lãnh đạo chính trị mà là “một nhà giảng thuyết được thụ phong để đứng trên chiến trường, gắn kết một cách vô tư…. với tất cả mọi người và sẵn sàng hợp tác trong bất kỳ trật tự mới nào sẽ mang lại một nền hòa bình công chính”. Và kết luận: “Giáo hoàng Piô diễn tả một cách say đắm như bất kỳ nhà lãnh đạo nào về các mục tiêu chiến tranh của bên chúng ta đấu tranh vì tự do khi nói rằng những người nhắm mục đích xây dựng một thế giới mới phải đấu tranh cho sự tự do lựa chọn chính phủ và trật tự tôn giáo”.

 

Những gì bạn vừa đọc không phải là “tin tức nguỵ tạo”. Sự thực là, Giáo Hội là một kẻ thù không ngừng của Hitler. Chính sự tuyên truyền chống Công giáo, đầu tiên từ Liên Xô và gần đây hơn từ các trí thức, mới là nguỵ tạo.

 

Nếu cần thêm bất kỳ chứng cứ nào như vậy, thì đây quyển sách mới của Peter Bartley Người Công giáo đối đầu với Hitler (Catholic Confronting Hitler) là một quyển sách hay cực kỳ, mô tả các phong trào kháng chiến Công giáo và công tác cứu trợ tại Vatican và tại khắp châu Âu đang bị Đức Quốc xã chiếm đóng.

 

Người Công giáo đã phải trả giá cho sự đề kháng của mình: các giám mục lưu vong hoặc bị giết hại, linh mục và giáo dân tích cực bị tống vào tù hay bị xử tử trong các trại tử thần. Với sự chúc lành của đức giáo hoàng, hàng giáo phẩm Công giáo Đức nhiều lần lên án từ tòa giảng chương trình cái chết êm dịu của Đức Quốc xã, cũng như chủ thuyết ngoại giáo của mình và chống Do Thái. Họ che giấu và hỗ trợ người Do Thái, và trong năm 1943, các giám mục “ra một tuyên bố chung lên án việc buôn bán và giết hại người Do Thái”.

 

Tại Pháp, các văn bản ngầm do dòng Tên soạn thảo và được đức giáo hoàng phê duyệt, phô bày các tội ác của Đức Quốc xã, đặc biệt là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và khuyến khích  kháng chiến, ngay cả việc chống lại chính phủ bù nhìn Vichy. Sứ thần của đức giáo hoàng tại Slovakia, Hungary, vùng Balkan và các nước bị chiếm đóng của Tây Âu, trung thành với mệnh lệnh của đức giáo hoàng, phản đối công khai bất cứ khi nào có người Do Thái bị bắt giữ hoặc trục xuất. Hành động của họ thường gây ra sự chậm trễ và đình chỉ lệnh trục xuất và cho phép hàng chục ngàn người Do Thái chạy trốn để tìm nơi trú ẩn trong các cơ sở của Giáo Hội và trong nhà các người Công giáo.

 

Ðức giáo hoàng Gioan XXIII tương lai là Khâm sứ Toà thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trong chiến tranh, và ngài đã cứu mạng sống vô số người Do Thái ở Hungary, Slovakia, Bulgaria và Rumani. Ngài đã cứu ít nhất 50.000 người Do Thái bằng cách cấp cho họ giấy chứng nhận rửa tội.

 

Bên cạnh những nỗ lực ngầm, Ủy ban Giáo Hoàng về Cứu trợ, do Giáo hoàng Piô XII lập ra, phân phát thực phẩm, vật tư y tế và quần áo đến hàng trăm ngàn người lâm vào cảnh di cư. Bartley nêu rõ Văn Phòng Thông tin Vatican “đã giúp 2 triệu người liên lạc được với những người thân mất tích hoặc bị giam giữ làm tù nhân chiến tranh hoặc trong các trại tập trung”. Ngoài ra, “các quốc gia thân thiện phải vượt quá hạn ngạch cho những người tị nạn Do Thái khi họ đến các bờ biển những nước này mang theo tài liệu có chữ ký của các viên chức Vatican”.

 

Những phản ứng đáp trả này đối với sự áp bức của Đức Quốc xã đã đưa Albert Einstein đến chỗ thừa nhận “chỉ có Giáo hội Công giáo phản đối chống lại sự tận diệt của Hitler về quyền tự do”.

 

Và tại một hội nghị quốc tế tháng 9 năm 2008, các học giả và giáo sĩ Do Thái nói với Giáo hoàng Bênêđictô XVI rằng Giáo hoàng Piô XII đã cứu gần 1.000.000 mạng sống của người Do Thái.

 

Vậy tại sao các huyền thoại vẫn còn tồn tại dai dẳng về “sự im lặng” của Giáo Hội? Vì cùng lý do với các huyền thoại chống Công giáo khác đã tìm thấy một chỗ trong nền văn hóa của chúng ta. Trong trường hợp này, nhiều hơn chỉ là “tin tức nguỵ tạo”, bởi vì khi những nỗ lực anh hùng nhắm mục đích cứu trợ của Giáo Hội bị bỏ qua hoặc thậm chí bị diễn giải, chuyển thành những điều hoàn toàn trái ngược, do bởi lời dối trá của Cha của những Kẻ Nói Dối.

 

 

Đan Quang Tâm chuyển ngữ

https://www.thecatholicthing.org/2016/12/15/the-pope-christmas-and-the-fake-news-about-hitler/