29/11/2024

Hiểm hoạ vũ khí chợ đen ở châu Âu

Vụ bắt giữ số vũ khí “khủng” ở Tây Ban Nha là minh chứng cho thấy châu Âu đã và sẽ còn tiếp tục khổ sở với nạn buôn lậu vũ khí.

 

Hiểm hoạ vũ khí chợ đen ở châu Âu

Vụ bắt giữ số vũ khí “khủng” ở Tây Ban Nha là minh chứng cho thấy châu Âu đã và sẽ còn tiếp tục khổ sở với nạn buôn lậu vũ khí.




Tang vật bị tịch thu 	 /// Daily Mail

Tang vật bị tịch thuDAILY MAIL

Cảnh sát Tây Ban Nha vừa phá vỡ đường dây buôn lậu vũ khí có liên quan đến khủng bố và tịch thu đến 12.000 đơn vị vũ khí, bao gồm các loại súng ngắn, súng trường và cả súng máy hạng nặng có thể bắn hạ máy bay chở khách. Theo Đài RT, cảnh sát đã bắt giữ 4 người đàn ông và 1 phụ nữ sau một cuộc điều tra kéo dài nhiều năm.
Đường dây tinh vi
Các đối tượng nói trên bị cáo buộc phục chế bất hợp pháp một số lượng lớn vũ khí đã bị vô hiệu hóa rồi bán cho các tổ chức khủng bố và tội phạm có tổ chức ở châu Âu. Số vũ khí bị tịch thu trị giá khoảng 10 triệu euro trên thị trường chợ đen. Năm nghi phạm đã bị bắt giữ tại các khu vực Cantabria, Girona và Vizcaya. Họ được cho là đang điều hành một xưởng sửa chữa “tinh vi và được trang bị đầy đủ”.
Tại đó, giới hữu trách tìm thấy hàng ngàn bộ phận rời được sử dụng trong quá trình sửa chữa súng, cùng với tem và giấy chứng nhận dùng để làm giấy tờ giả cho “sản phẩm” phục chế. Tại hiện trường, cảnh sát còn phát hiện khoảng 80.000 euro tiền mặt. Trong một thông báo đưa ra cuối tuần trước, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết 3 trong 5 nghi phạm không được hưởng chế độ bảo lãnh sau khi bị bắt giữ, trong khi 2 người còn lại bị hạn chế đi lại cho đến khi bắt đầu các thủ tục truy tố.
RT dẫn lại thông tin từ truyền thông Tây Ban Nha cho biết các nghi phạm buôn lậu vũ khí đã đăng ký công ty của họ là doanh nghiệp bán thiết bị thể thao ở Getxo, một thị trấn nhỏ gần thành phố Bilbao nhưng không xin giấy phép kinh doanh súng để tránh gây chú ý. Nhóm này sau đó đấu thầu mua vũ khí đã bị vô hiệu hoá do quân đội và cảnh sát thanh lý. Chủ công ty cũng được cho là đã đặt hàng bộ phận rời của vũ khí từ nhiều website trên mạng, vốn không bị xem là hành động vi phạm pháp luật.
Trong vụ tấn công nhằm vào tạp chí Charlie Hebdo và một cửa hàng tạp phẩm ở thủ đô Paris (Pháp) khiến 12 người thiệt mạng hồi tháng 1.2015, thủ phạm đã sử dụng vũ khí phục chế mua từ Slovakia. Giới chức EU khi đó đã báo động về sự lan tràn của những loại vũ khí đã bị vô hiệu hoá trên thị trường cùng việc chúng dễ dàng được phục chế để dùng cho mục đích giết người hàng loạt hoặc khủng bố.
Cuộc điều tra dẫn đến các vụ bắt giữ trên xuất phát từ quá trình theo dõi vũ khí do một công dân Pháp gốc Algeria sử dụng trong vụ tấn công Trung tâm Do Thái ở thủ đô Brussels (Bỉ) hồi tháng 5.2014, khiến 4 người thiệt mạng. Giới chức Tây Ban Nha đang xem xét liệu có mối liên hệ trực tiếp nào hay không giữa thủ phạm của vụ việc trên và đường dây buôn lậu vừa bị phanh phui ở Tây Ban Nha. Nước này cũng khẳng định sẽ tiếp tục trấn áp hoạt động mua bán vũ khí trái phép với sự phối hợp của cảnh sát châu Âu (EUROPOL).
 
“Khối u” Balkan
Vụ việc ở Tây Ban Nha đã khiến dư luận một lần nữa chú ý đến thị trường vũ khí chợ đen đang phát triển mạnh ở châu Âu. Theo báo Đức Die Welt, những người hoạt động trên thị trường này thường bán vũ khí bị bỏ lại sau những cuộc xung đột ở khu vực Balkan, cũng như những vũ khí được cải tạo từ loại dùng để trang trí thành công cụ tác chiến.
Chuyên gia Nils Duquet thuộc Viện Hòa bình Flemish (Bỉ), tác giả một cuộc nghiên cứu về vấn đề trên, nhận định: “Chúng tôi có thể nói rằng ở các nước thuộc khu vực tây Balkan, có nhiều vũ khí phi pháp hơn hợp pháp”. Theo Đài DW, sau các cuộc xung đột ở Nam Tư cũ vào thập niên 1990 cùng vụ cướp phá các kho vũ khí ở Albania hồi năm 1997, một loạt vũ khí đã xâm nhập thị trường chợ đen châu Âu.
Tại Albania, khoảng nửa triệu đơn vị vũ khí đã bị lấy đi từ các kho của nhà nước sau cuộc chính biến năm 1997. Trong khi đó, tại Serbia và Bosnia, gần 2 triệu đơn vị vũ khí phi pháp được cho là đang thuộc sở hữu cá nhân kể từ sau cuộc nội chiến. Giá cả chênh lệch rất lớn, chẳng hạn một khẩu AK có giá 300 – 500 euro ở Balkan, nhưng ở một số nước châu Âu khác, giá có thể tăng lên đến 2.000 euro.
Giới phân tích cho rằng hoàn toàn có lý do để lo ngại về sự nguy hiểm của vũ khí có thể bắn hạ máy bay trên thị trường chợ đen đối với an toàn hàng không nói chung. Theo tờ International Business Times, vào tháng 6.2014, 49 người đã thiệt mạng khi một máy bay vận tải quân sự của Ukraine bị quân nổi dậy bắn hạ, và vũ khí được sử dụng tiêu diệt máy bay chính là súng máy hạng nặng.
Ngoài ra, điều tra về vụ tấn công tạp chí Charlie Hebdo ở Pháp hồi năm 2015 cho thấy những kẻ tấn công cũng đã tìm mua súng máy từ một tay buôn ở Slovakia. Điều đó cho thấy phạm vi thị trường chợ đen đã mở rộng ra khỏi khu vực Balkan và điều này đang đặt ra những thách thức đáng kể cho giới chức an ninh châu Âu.
CNN đưa tin các nước châu Âu hiện cố gắng siết chặt luật kiểm soát súng nhằm đối phó với những vụ tấn công khủng bố và xả súng hàng loạt. Cuối tháng 12.2016, EU đã đạt được thoả thuận cấm bán một loại súng trường bán tự động được đánh giá thuộc loại nguy hiểm nhất, đồng thời đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn trong việc mua bán hợp pháp các loại vũ khí khác trong EU.
Người dân châu Âu giờ đây phải qua kiểm tra y tế mới được cấp phép mua vũ khí. Việc mua bán trên mạng cũng sẽ bị khống chế. EU cũng sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn đối với việc theo dõi vũ khí được mua nhằm ngăn chúng bị bán lại trên thị trường chợ đen. Các nước châu Âu cũng sẽ bắt đầu chia sẻ thêm thông tin về việc mua bán vũ khí nhằm đảm bảo những người chưa thực hiện các cuộc kiểm tra tại một nước thành viên sẽ không thể mua súng ở nơi khác trong EU.

 

Trùng Quang