10/01/2025

Đắp chiếu, mỗi ngày chịu 1 tỉ đồng tiền lãi

Trong hơn 4.500 tỉ đồng đã rót vào dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 hiện đang dở dang, chi phí ngân hàng lên tới hơn 1.200 tỉ đồng và bình quân mỗi ngày, doanh nghiệp phải trả khoảng 1 tỉ đồng tiền lãi.

 Những hệ luỵ từ dự án thép Thái Nguyên:

Đắp chiếu, mỗi ngày chịu 1 tỉ đồng tiền lãi

 

Trong hơn 4.500 tỉ đồng đã rót vào dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 hiện đang dở dang, chi phí ngân hàng lên tới hơn 1.200 tỉ đồng và bình quân mỗi ngày, doanh nghiệp phải trả khoảng 1 tỉ đồng tiền lãi.



Công ty gang thép Thái Nguyên đang ngập trong nợ nần vì dự án mở rộng giai đoạn 2 	 /// Ảnh: Chí Hiếu

Công ty gang thép Thái Nguyên đang ngập trong nợ nần vì dự án mở rộng giai đoạn 2ẢNH: CHÍ HIẾU

Nợ gấp 1,5 lần vốn điều lệ
Đó là lý do chính mà trong cuộc trao đổi với Thanh Niên cuối tuần rồi, Tổng giám đốc gang thép Thái Nguyên (Tisco) thừa nhận doanh nghiệp gần như phá sản vì số nợ riêng với dự án mở rộng đã gấp 1,5 lần số vốn điều lệ 2.840 tỉ đồng của công ty.
Cụ thể, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Tisco có tổng mức đầu tư 3.843 tỉ đồng được Thủ tướng cho phép năm 2005 với mục tiêu là đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất luyện kim (bao gồm khai thác chế biến quặng sắt) nhằm tạo ra năng lực sản xuất 500.000 tấn phôi thép/năm, sử dụng nguồn nguyên liệu quặng sắt trong nước. Dự án bao gồm 2 gói thầu chính. Một là gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ: xây dựng nhà máy tuyển rửa quặng sắt công suất thiết kế 300.000 tấn quặng sắt tinh/năm, do nhà thầu trong nước trúng thầu, đã xây dựng hoàn thành đưa vào sản xuất tháng 5.2014, hiện nay đã đạt 100% công suất thiết kế.
Gói thầu thứ hai là xây dựng dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá, công suất 500.000 tấn phôi thép/năm do nhà thầu Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đảm nhận thông qua đấu thầu quốc tế. Tháng 7.2007, chủ đầu tư là Công ty cổ phần gang thép
Thái Nguyên (Tisco) và nhà thầu MCC đã ký hợp đồng EPC (thiết kế – E; cung cấp thiết bị – P; xây dựng và lắp đặt – C) với giá trị xấp xỉ 161 triệu USD (tương đương 2.587 tỉ đồng). Thời gian thực hiện 30 tháng.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm rưỡi khởi công, với lý do giá cả vật tư nguyên nhiên liệu tăng cao nằm ngoài tầm kiểm soát của Tisco và MCC, nên trong vòng 18 tháng không thể triển khai thực hiện thi công dự án theo tiến độ. Tháng 3.2009, phía MCC đề nghị cho tách phần xây dựng và lắp đặt (C) giao lại cho nhà thầu VN là Tổng công ty xây dựng công nghiệp VN (Vinaincon) thực hiện. Nhà thầu MCC chỉ chịu trách nhiệm phần E và P. Do năng lực nhà thầu Vinaincon hạn chế, không đảm bảo tiến độ nên đầu năm 2011, Bộ Công thương cho phép Tisco và MCC được phép chọn thêm một số nhà thầu phụ trong nước vào thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án. Thế nhưng đến tháng 6.2012 do thiếu vốn, các nhà thầu đã dừng thi công, rút người ra khỏi hiện trường và công trình ngưng trệ từ đó tới nay.
Điều đáng nói là chủ đầu tư lại khá xông xênh trong vấn đề trả tiền cho nhà thầu. Theo hồ sơ dự thầu, đối tác MCC chỉ yêu cầu thanh toán 90% giá trị thiết bị sau khi nhà thầu đã giao hàng cho chủ đầu tư. Nhưng trong hợp đồng, chủ đầu tư lại đồng ý thanh toán tới 95% giá trị thiết bị khi đã giao hàng để rồi thực tế là doanh nghiệp đã thanh toán cho MCC tới hơn 93% giá trị thiết bị. Phần thiết bị này lại thiếu bộ phận quan trọng nhất là bộ điều khiển nên chủ đầu tư dù muốn thuê nhà thầu khác thi công lắp đặt cũng không thể nào làm được.
Trong khi dự án chưa thể vận hành nhưng do nhiệt tình thanh toán nên gánh nặng nợ nần càng trĩu nặng trên vai chủ đầu tư.
Vẫn muốn níu kéo
Trước thực trạng dự án, lãnh đạo Chính phủ đã không ít lần chủ trì họp với các bộ ngành để tìm cách tháo gỡ. Hồi giữa năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công thương thành lập tổ công tác, thuê tư vấn độc lập đánh giá toàn diện dự án, trong đó có phương án bán dự án, phương án bán Công ty CP gang thép Thái Nguyên và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư tiếp cho dự án.
Thủ tướng cũng chỉ đạo phải làm rõ khả năng đàm phán với đối tác để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm, từ đó đề xuất phương án xử lý đối với dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1.7. Vậy nhưng đến nay dự án vẫn trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Mới đây, Bộ Công thương cũng đã thành lập ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ của ngành. Trao đổi với báo chí tại buổi gặp gỡ cuối năm 2016, Vụ trưởng Công nghiệp nặng của Bộ Công thương, ông Trương Thanh Hoài, cho hay Bộ Công thương đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện công việc thẩm định giá đối với dự án và của công ty. Đại diện Bộ Công thương khẳng định, quan điểm của Chính phủ là không đổ thêm tiền vào dự án này đồng thời phải xử lý trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Do vậy, Bộ cũng kiến nghị thanh tra toàn diện dự án.
Vậy nhưng, trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Tisco vẫn tỏ ra muốn níu kéo được tiếp tục thực hiện dự án. Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan vẫn chưa rõ ràng. Thậm chí, ông Trần Văn Khâm, người từng giữ vị trí chủ tịch và tổng giám đốc trong 6 năm gắn liền với những diễn biến xấu nhất của dự án hiện vẫn là Bí thư đảng uỷ Tisco dù đã bị tổng công ty thép không giao nhiệm vụ đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

 

Thái Sơn – Chí Hiếu