10/01/2025

Xử lý dứt điểm tình trạng “không biết dự án của ai” tại Vinachem

Trước bốn dự án thua lỗ của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải có phương án xử lý dứt điểm và khắc phục tình trạng “không biết dự án của ai”.

 

Xử lý dứt điểm tình trạng “không biết dự án của ai” tại Vinachem

 Trước bốn dự án thua lỗ của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải có phương án xử lý dứt điểm và khắc phục tình trạng “không biết dự án của ai”.  

 

 

Xử lý dứt điểm tình trạng “không biết dự án của ai” tại Vinachem
Nhà máy đạm Hà Bắc – một trong bốn công ty thua lỗ của Vinachem – Ảnh: L. BẰNG

Thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Vinachem sáng 14-1.

Mặc dù đánh giá cao những hoạt động của Vinachem trong năm 2016 như đẩy mạnh đầu tư các dự án, triển khai tái cấu trúc đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy tiêu thụ thị trường… nhưng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thẳng thắn chỉ ra và yêu cầu Vinachem cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém.

Báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất năm 2016, đại diện Vinachem cho biết giá trị sản xuất của Tập đoàn đạt thấp và không hoàn thành mục tiêu đề ra. Mặc dù có 20 đơn vị đạt chỉ tiêu, nhưng có 4 đơn vị thua lỗ, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả chung.

Cụ thể, doanh thu đạt 41.931 tỉ đồng, giảm tới 8,4%; kim ngạch xuất khẩu đạt 445 triệu USD, giảm 12%; lợi nhuận hợp nhất ước lỗ 627 tỉ đồng; thu nhập bình quân người lao động giảm 10%.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như thị trường không thuận lợi, nhu cầu thị trường phân bón trong nước giảm sút, cần nhận diện đủ yếu tố chủ quan. Trong đó, công tác quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, đặc biệt quản trị chi phí còn nhiều hạn chế làm tăng chi phí đầu vào, giảm sức cạnh tranh sản phẩm.

Ngoài ra, chất lượng đầu tư một số dự án rất hạn chế, thậm chí yếu kém từ khâu quy hoạch, lập dự án đầu tư, lựa chọn thiết bị công nghệ, tính toán chi phí đầu vào, thực hiện đầu tư, kiểm soát quá trình đầu tư. Hoạt động tái cấu trúc nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tránh thất thoát, lãng phí cũng còn nhiều vấn đề…

Năm 2017, Phó Thủ tướng yêu cầu Vinachem cần phải tái cấu trúc và tổ chức lại để có sức cạnh tranh. Bên cạnh những kiến nghị của Tập đoàn, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết, báo cáo Thủ tướng những nội dung vượt thẩm quyền.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Vinachem cần phải tiếp tục xây dựng phương án để duy trì vị thế là tập đoàn đi đầu trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm hoá chất cơ bản, giữ vững vị thế với 4 nhóm ngành kinh doanh chính.

Muốn vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu tập đoàn cần phải tập trung xử lý triệt để tồn tại ở những dự án thua lỗ gồm đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP số 2 Vinachem và DAP Vinachem. Theo đó, cần đưa ra phương án cụ thể, trường hợp Nhà nước vẫn quản lý, hoặc mời thêm các đơn vị khác để giảm vốn Nhà nước, bán vốn hoặc tính đến phá sản.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng dự án, khắc phục tình trạng dự án đầu tư kém, làm theo hình thức, “không biết dự án đó là của ai”. Đây là những dự án được Nhà nước giao cho các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện, nên các lãnh đạo trong Hội đồng thành viên đều phải chịu trách nhiệm hiệu quả, chất lượng dự án, gắn bảo vệ môi trường.

NGỌC AN