Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết Chính phủ đã đồng ý thành lập Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế, tiến tới thực hiện đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia nhằm tránh tình trạng chênh lệch giá.
Minh bạch để giảm tiêu cực trong đấu thầu thuốc
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết Chính phủ đã đồng ý thành lập Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế, tiến tới thực hiện đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia nhằm tránh tình trạng chênh lệch giá.
Từ năm 2013, việc đấu thầu thuốc thực hiện theo Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC. Theo đó, thuốc được phân chia nhóm theo các tiêu chí kỹ thuật, mỗi nhóm lựa chọn một loại thuốc trúng thầu. Tuy nhiên, việc đấu thầu hầu như được tổ chức riêng cho từng địa phương, dẫn đến nhiều bất cập.
Tưởng chặt hóa “cục bộ”
Một lãnh đạo công ty dược (ở TP.HCM) cho biết trong đấu thầu, đầu tiên nhà thầu phải đạt năng lực kinh nghiệm, sau đó là điểm kỹ thuật, giá. Có tỉnh đấu thầu thuốc nhưng trong hồ sơ năng lực kinh nghiệm họ yêu cầu nhà thầu có ít nhất 5 hợp đồng, mỗi hợp đồng phải có giá trị lớn hơn 5 tỉ đồng. “Nghe có vẻ dễ nhưng làm thì khó, vì có thể trúng thầu nhiều tỉ đồng ở một tỉnh, nhưng cho một bệnh viện (BV) thì rất khó có một hợp đồng đạt 5 tỉ đồng. Mục đích của tiêu chí này thực chất là để loại nhà thầu”, vị này nói.
Có tỉnh thì “tàn sát” hơn, đòi hỏi nhà thầu phải có kho GSP (thực hành tốt bảo quản) tại tỉnh đó. Thực tế, chỉ rất ít các công ty dược lớn hoặc các nhà máy sản xuất tại tỉnh mới có kho này, còn nhiều công ty ở địa phương khác tham gia đấu thầu thì “chết” vì điều kiện “kho GSP”! Nói cách khác, điều kiện này thực chất cũng tạo điều kiện bảo hộ thuốc trong tỉnh, loại các nhà thầu ngoài tỉnh.
Về điểm kỹ thuật, Bộ Y tế quy định có hệ thống phân phối tại địa phương, nếu công ty nào có thì được cộng 1 điểm. Tuy vậy, tiêu chí này khiến cho công ty dược của tỉnh mới đạt điểm, vì không công ty nào mở nhiều chi nhánh ở các tỉnh! Trong khi điểm kỹ thuật đấu thầu thì chênh nhau 1 điểm là “vàng”.
Mua nhiều hơn nhưng giá cao hơn
Năm 2016, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM phát hiện cùng một loại thuốc kháng sinh nhưng BV ở TP.HCM mua với giá cao hơn BV ở tỉnh nhiều lần, mặc dù số lượng mua nhiều hơn. Sau khi BHXH TP yêu cầu BV ở TP điều chỉnh giá mua bằng với giá mua của BV tỉnh thì số tiền dôi dư là 11 tỉ đồng!
Đây là vấn đề mới của VN nên cần tiến hành một cách thận trọng, chú trọng khâu tổ chức thực hiện theo hướng công khai. Khi quy về một mối thì số lượng nhà thầu, doanh nghiệp “bao vây” đầu mối có chức năng này lớn hơn rất nhiều, nên làm sao để mọi hoạt động của tổ chức này được giám sát chặt, minh bạch
Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT)
Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, khi đấu thầu đơn lẻ, các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ chủ động trong việc cung ứng thuốc, đáp ứng nhu cầu điều trị, thời gian tổ chức đấu thầu nhanh hơn. Tuy nhiên, thực tế này có nhược điểm là chi phí đấu thầu tốn kém, giá thuốc không thống nhất, khó quản lý và có sự chênh lệch giữa các cơ sở khám, chữa bệnh. Kết quả so sánh (qua một nghiên cứu thống kê trong năm 2010) cho thấy việc đấu thầu riêng lẻ có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ tăng giá thuốc giữa các tỉnh với Hà Nội và TP.HCM. Áp dụng giá thuốc so sánh và số lượng từng loại thuốc thanh toán BHYT năm 2010 của từng tỉnh cho kết quả: Số tiền chênh lệch do giá trúng thầu cao hơn giá so sánh là 519,93 tỉ đồng. Ngược lại, 11 tỉnh có số tiền thanh toán thấp hơn giá so sánh 211,52 tỉ đồng – chứng tỏ có sự chênh lệch lớn giữa giá thuốc gốc và giá thanh toán BHYT.
Cần giám sát chặt
Theo ông Nguyễn Nam Liên, sẽ thí điểm đấu thầu cấp quốc gia với 5 loại thuốc và tổ chức đàm phán giá với 8 loại thuốc. Thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia phải đảm bảo việc đáp ứng các thuốc có nhu cầu sử dụng lớn ở các cơ sở y tế trên cả nước về số lượng và trị giá sử dụng. Các thuốc đưa vào danh mục đàm phán giá là loại cần thiết cho nhu cầu sử dụng đặc thù của các cơ sở y tế, có ít hoặc không có sự cạnh tranh nếu thực hiện theo các hình thức đấu thầu khác. “Đấu thầu tập trung sẽ khắc phục tình trạng cùng một thuốc nhưng giá trúng thầu chênh lệch giữa các BV”, ông Liên nhận định. Còn theo Bộ Y tế, việc đấu thầu tập trung để lựa chọn nhà thầu nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.
Nhìn nhận đấu thầu tập trung là hình thức mua thuốc thuận lợi cho công tác quản lý, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh với sự tham gia của số đông đơn vị cung ứng, giúp lựa chọn nhà cung cấp thuốc có chất lượng và hợp lý… nhưng ông Phạm Lương Sơn đề nghị cần đưa đại diện của cơ quan BHXH (bên đại diện cho người bệnh, chi trả tiền mua thuốc) là một thành phần trong hội đồng đấu thầu thuốc; đồng thời quy định rõ vai trò, trách nhiệm của đại diện cơ quan BHXH trong tất cả các khâu của quy trình đấu thầu thuốc từ xây dựng kế hoạch đấu thầu đến thẩm định và xét duyệt kết quả trúng thầu.
Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT), cho rằng đấu thầu thuốc tập trung là việc các nước tiên tiến đã làm từ lâu và cho thấy hiệu quả rõ rệt. “Từ chỗ hàng chục trung tâm đấu thầu, giờ gom về một mối thì về lý thuyết sẽ có hiệu quả kinh tế”, ông Tăng nói nhưng cũng cảnh báo: “Đây là vấn đề mới của VN nên cần tiến hành một cách thận trọng, chú trọng khâu tổ chức thực hiện theo hướng công khai. Khi quy về một mối thì số lượng nhà thầu, doanh nghiệp “bao vây” đầu mối có chức năng này lớn hơn rất nhiều, nên làm sao để mọi hoạt động của tổ chức này được giám sát, minh bạch”.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định: “Nếu chuyển qua hình thức đàm phán giá sẽ công khai minh bạch hơn nhiều so với đấu thầu tập trung. Trong quá trình đàm phán, mỗi bên công khai minh bạch với nhau để thương lượng giá giữa Bộ Y tế và các công ty. Đấu thầu tốn quá nhiều thời gian và nhiều chuyện khác, có khi không minh bạch”. Còn một chuyên gia ở TP.HCM đặt vấn đề “Tại sao không làm mô hình như các nước là: Bộ Y tế đưa ra khung giá để các BV mua và chấp nhận chênh lệch giá ở giới hạn nhất định?”.
Sai phạm trong đấu thầu
Năm 2016, qua thanh tra, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện sai phạm tại BV Y học cổ truyền (YHCT) TP. Theo đó, trong hai năm 2014, 2015, BV này thực hiện 3 gói thầu gồm: Gói thầu mua sắm dược liệu, vị thuốc YHCT năm 2013 (gói thí điểm) thuộc dự án thuốc y tế năm 2013; Gói thầu mua sắm dược liệu, vị thuốc YHCT năm 2013; Gói thầu mua sắm dược liệu, vị thuốc YHCT năm 2014 – 2015. Tuy nhiên, so sánh giá trúng thầu tại BV với giá nhập đầu vào của nhà thầu (giá từ Công ty TNHH đông dược Hoà Phú, Công ty CP dược T.Ư Mediplantex đến BV) thì giá trúng thầu chênh lệch cao nhất gấp 1,5 lần. Còn nếu so sánh giá trúng thầu tại BV với giá nhập vào của riêng nhà thầu là Công ty TNHH đông dược Hòa Phú thì chênh lệch cao nhất gấp 146 lần. Phát hiện nhiều mẫu dược liệu kém chất lượng, khi kiểm nghiệm xong thì đã… sử dụng hết.
Bên cạnh đó, hồ sơ của nhà thầu là Công ty TNHH đông dược Hoà Phú có dấu hiệu bất thường về chứng minh năng lực tài chính. Kết quả xác minh tại Chi cục Thuế Q.5 và H.Hóc Môn cho thấy công ty này đã khai khống năng lực tài chính. Theo quy định, tất cả hồ sơ dự thầu của các gói thầu đều không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu, phải bị loại bỏ theo luật Đấu thầu và hủy đấu thầu tại thời điểm lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên BV YHCT đã không làm. Bên cạnh kiểm điểm trách nhiệm BV YHCT, Sở Y tế đã chuyển vụ việc sang công an điều tra về Công ty TNHH đông dược Hoà Phú. Vụ việc đến nay vẫn đang được công an làm rõ.