Ôn tập bằng cách thi… chơi!
Trường THPT Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang có cách ôn tập các môn xã hội cho học sinh cuối cấp rất sôi động, thú vị và hiệu quả.
Ôn tập bằng cách thi… chơi!
Trường THPT Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang có cách ôn tập các môn xã hội cho học sinh cuối cấp rất sôi động, thú vị và hiệu quả.
Các học sinh cuối cấp ở Trường THPT Vị Thanh, Hậu Giang ôn tập các môn xã hội qua hình thức thi trắc nghiệm rất vui nhộn – Ảnh: M.TÂM |
Đó là việc giáo viên các môn sử, địa, giáo dục công dân soạn cả kho câu hỏi trắc nghiệm dạy cho trò, rồi sau đó tổ chức những cuộc thi dưới hình thức vui chơi, để ôn lại những gì đã học. Hình thức học hết sức nhẹ nhàng này đã khiến các em học sinh nhớ bài lâu hơn…
…16h, tiếng trống tan trường vang lên, cả khối lớp 12 hồ hởi túa ra sân để tham dự vòng chung kết cuộc thi “Tôi yêu Việt Nam”. Trên sân khấu có 3 đội lớp 12 với các tên “Hương Lúa”, “Biển Đảo” và “Cây Bút”, mỗi đội gồm 5 bạn.
Thầy Hồ Thanh Hải, phó hiệu trưởng Trường THPT Vị Thanh, thông báo: “Vòng sơ khảo đã diễn ra tuần trước. Trong 10 đội dự thi có 3 đội lọt vào chung kết. Và trận chung kết hôm nay gồm 4 vòng. Đây là trò chơi chủ yếu để giúp các em ôn bài 3 môn xã hội: sử, địa và giáo dục công dân, nên các em cứ thoải mái thi đấu, đừng quan trọng chuyện thắng thua”.
Sôi động chơi mà học
Vòng 1 có tên “Tự hào Việt Nam” bắt đầu. Mỗi đội lần lượt trả lời 15 câu hỏi trắc nghiệm về các lĩnh vực lịch sử, địa lý và giáo dục công dân. Thời gian trả lời mỗi câu là 10 giây. Sau khi câu hỏi được hai MC đọc và chiếu lên màn hình, không khí bắt đầu nóng lên. Cả một “trận đồ” câu hỏi được tung ra, từ những câu trắc nghiệm về địa lý tự nhiên, về phong trào cách mạng, cho đến những câu trắc nghiệm mang tính pháp lý của môn giáo dục công dân.
Mỗi khi đội nào trả lời trúng thì ở bên dưới tiếng vỗ tay vang lên rần rần. Còn nếu đội trả lời sai thì MC sẽ chuyển sang hỏi cổ động viên. Cứ mỗi lần như vậy, rất nhiều cánh tay giơ lên và thường cổ động viên đầu tiên sẽ trả lời chính xác đáp án…
Cũng không ít lần hồi hộp, căng thẳng khi đội chơi bắt ngay câu có độ nhiễu hơi cao. Khi đội chơi vừa trả lời xong, phía dưới cổ động viên liền bàn tán sôi nổi, chia ra hai phe, phe nói rằng câu trả lời của đội chơi đúng, phe khẳng định sai.
Chẳng hạn như đội Hương Lúa lớp 12A5 bắt thăm câu: “Ai là người lấy thân mình lấp lỗ châu mai, mở đường cho đơn vị xông lên đánh địch trong chiến dịch Biên giới thu – đông 1950?”.
Đội Hương Lúa chọn đáp án Trần Cừ. Phía dưới nhiều cổ động viên khẳng định đội Hương Lúa trả lời trúng, nhưng cũng có người cho rằng câu trả lời của đội chơi là sai. Và khi MC công bố đáp án là Trần Cừ, mọi tranh cãi giữa hai phe mới chấm dứt…
Vòng 1 vừa xong, các đội thi tiếp vòng 2 có tên “Việt Nam mến yêu”. Vòng này thi dưới hình thức trắc nghiệm ghép cột. Ban tổ chức đưa ra 3 câu hỏi tương ứng với 3 môn sử, địa, giáo dục công dân. Mỗi câu hỏi có hai cột dữ liệu. Cột A có 10 dữ liệu được sắp xếp theo thứ tự từ 1 đến 10. Cột B cũng có 10 dữ liệu tương ứng, sắp xếp theo thứ tự a, b, c… j.
Các đội chơi sẽ ghép dữ liệu ở hai cột lại với nhau. Thời gian mỗi câu là 5 phút. Mỗi câu hỏi với 10 cặp dữ liệu vừa bao quát vừa chi tiết đòi hỏi các bạn học sinh phải nắm vững bài học mới làm trọn vẹn được.
Khi các đội thi viết đáp án của mình ra giấy thì nhiều cổ động viên cũng cắm cúi ngồi làm. Và khi thầy bật máy chiếu câu hỏi trắc nghiệm lên trên bảng, tiếng vỗ tay vang dội với câu trả lời đúng, xen lẫn đó là những tiếng ồ tiếc nuối với câu trả lời sai…
Cứ vậy, tiếng reo hò cổ vũ vang lên sôi động cả buổi chiều, cho đến vòng 3 “Giai điệu quê hương” – vòng dành cho cổ động viên với những bài hát dân ca và truyền thống – và vòng 4 “Tôi yêu Việt Nam”, với các kiến thức lịch sử cùng câu hỏi tự luận…
Cuộc thi kéo dài hơn một tiếng rưỡi, chung cuộc đội Hương Lúa về nhất, Cây Bút – nhì và Biển Đảo – ba. Tiếng cười nói râm ran theo bước chân ra về của các bạn trẻ…
Hiệu quả lớn
Cô Phan Thị Bé, phó hiệu trưởng Trường THPT Vị Thanh, chia sẻ: “Ngay từ khi Bộ GD-ĐT công bố các môn sử – địa – giáo dục công dân thi trắc nghiệm, các giáo viên 3 môn trên đã bắt tay vào soạn đề cương trắc nghiệm để dạy cho các em.
Cạnh đó, để kết hợp giữa học với thư giãn, trường đã tổ chức cuộc thi “Tôi yêu Việt Nam”, nhằm ôn thi dưới hình thức trắc nghiệm, giúp các em quen với kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Câu hỏi trong những cuộc thi này được lấy từ ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, do các giáo viên soạn. Và từ ngày nhà trường tổ chức cuộc thi nói trên, chất lượng học 3 môn cũng đã tăng lên rõ rệt…”.
Với học sinh Trường THPT Vị Thanh, cuộc thi giúp các bạn củng cố, bổ sung kiến thức đã học, cũng như quen với việc làm bài thi kiểu trắc nghiệm, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
Bạn Mỹ Duyên, lớp 12, cho biết: “Em rất thích những lúc ôn bài như thế này, bởi được tham gia hoạt động nhóm rất thoải mái, không bị áp lực điểm số. Cách ôn bài thú vị này còn đòi hỏi chúng em phải hiểu bài mới tham gia trả lời tốt được…”.
Còn bạn Thuỳ, lớp 12, thổ lộ: “Những câu trắc nghiệm dạng này đã giúp em hệ thống hóa lại bài vở rất tốt. Giờ tụi em đã thích nghi với kiểu thi trắc nghiệm. Chẳng hạn, đối với những câu đúng – sai, những câu có độ nhiễu, thầy cô đều dạy, phải đọc kỹ câu hỏi từng chữ, chắc chắn sẽ tìm ra đáp án chính xác. Ngoài ra cuộc thi còn có những câu tự luận, giúp tụi em trình bày suy nghĩ, chính kiến của mình trước đám đông…”.
Có cả ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cho cuộc thi Thầy Nguyễn Hoài Nhớ – bí thư Đoàn Trường THPT Vị Thanh – cho biết: “Cứ mỗi tháng, trường tổ chức thi “học mà chơi, chơi mà học” như vậy một lần. Gồm hai vòng: sơ khảo và chung kết. Vòng sơ khảo, mỗi lớp cử 10 học sinh tham gia. Các lớp hoàn thành bài thi gồm 49 câu hỏi trắc nghiệm và 1 câu tự luận trong thời gian 60 phút. Ba lớp có điểm số cao nhất sẽ vào vòng chung kết. Vào vòng chung kết, mỗi lớp cử 5 học sinh tham gia đội thi và trải qua 4 vòng thi. Trong cuộc thi sẽ sử dụng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm do các giáo viên bộ môn trong trường soạn ra. Hiện nay, các giáo viên của trường chúng tôi đã soạn được cả ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm rất hoành tráng: môn địa 200 câu, môn giáo dục công dân 600 câu, môn sử 1.000 câu… Cuộc thi thú vị như thế này sẽ dễ đi vào đầu các em, cũng như rèn cho các em kỹ năng hùng biện, hoạt động nhóm, chủ động trong công việc…”. |