Ông Ban Ki-moon cân nhắc tiền đồ chính trị
Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon xin lỗi về vụ người thân của ông bị khởi tố nhưng vẫn tiếp tục tỏ dấu hiệu sẽ ra tranh cử tổng thống Hàn Quốc.
Ông Ban Ki-moon cân nhắc tiền đồ chính trị
Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon xin lỗi về vụ người thân của ông bị khởi tố nhưng vẫn tiếp tục tỏ dấu hiệu sẽ ra tranh cử tổng thống Hàn Quốc.
Ngày 11.1 (giờ Mỹ), cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon chính thức rời khỏi thành phố New York trở về Hàn Quốc, kết thúc 10 năm làm việc tại tổ chức quốc tế này với cương vị lãnh đạo. Chuyến hồi hương diễn ra 2 ngày sau khi em trai Ban Ki-sang và người cháu Ban Joo-hyun của ông bị khởi tố tại Mỹ về cáo buộc âm mưu đưa hối lộ liên quan đến thương vụ bán tòa nhà Keangnam Landmark 72 ở Hà Nội hồi năm 2015.
Phát biểu với giới phóng viên Hàn Quốc tại sân bay quốc tế John F. Kennedy trước khi lên máy bay, ông Ban Ki-moon lên tiếng xin lỗi về vụ hối lộ và cho hay ông cảm thấy xấu hổ khi có người thân dính tới vụ bê bối, theo Yonhap. “Tôi hoàn toàn không biết. Cháu tôi đã trưởng thành và tôi gần như không có liên quan gì đến cuộc sống cũng như cách thức làm ăn của cậu ta”, ông Ban nhấn mạnh.
TIN LIÊN QUAN
Em và cháu ông Ban Ki-moon bị khởi tố
Em trai Ban Ki-sang và người cháu Ban Joo-hyun của cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã bị khởi tố tại Mỹ về cáo buộc âm mưu đưa hối lộ liên quan đến thương vụ bán tòa nhà Keangnam Landmark 72 ở Hà Nội hồi năm 2015.
Đến chiều 12.1, khi đặt chân xuống sân bay quốc tế Incheon, ở phía tây Seoul, ông Ban Ki-moon tuyên bố “sẽ sát cánh cùng các công dân vì sự thay đổi chính trị”. “Bấy lâu nay tôi tuyên bố sẵn sàng cống hiến sức lực (cho đất nước – NV) và quyết tâm của tôi vẫn không thay đổi”, ông Ban nhấn mạnh.
Yonhap dẫn lời giới quan sát nhận định phát biểu mới cho thấy ông Ban tái khẳng định tham vọng trở thành tổng thống Hàn Quốc. Theo cuộc thăm dò ý kiến về những ứng viên tổng thống tiềm năng được công bố ngày 12.1, tỉ lệ ủng hộ ông Ban Ki-moon là 20,3%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với tuần trước, nhưng vẫn đứng thứ 2 sau cựu chủ tịch đảng Minjoo đối lập Moon Jae-in, với tỷ lệ ủng hộ 27,9%.
Hiện nay, đảng cầm quyền Saenuri, vừa bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye, và đảng Barun, do những nghị sĩ ly khai khỏi Saenuri thành lập, đang cạnh tranh lôi kéo ông Ban Ki-moon về phía mình để đại diện ra tranh cử tổng thống, theo Yonhap.
Trong khi đó ông Ahn Hee-jung, Tỉnh trưởng tỉnh Nam Chungcheong, người thuộc đảng Minjoo, ngày 12.1 viện dẫn Hiến chương Liên Hiệp Quốc tuyên bố các tổng thư ký Liên Hiệp Quốc không được phép giữ ghế trong chính quyền của nước nhà sau khi mãn nhiệm; và vì vậy việc ông Ban vi phạm quy định sẽ làm mất uy tín của Hàn Quốc, theo Yonhap.
Giới quan sát cho rằng nếu ra tranh cử tổng thống, ông Ban Ki-moon sẽ đối mặt hàng loạt thách thức, trong đó có cuộc tấn công ngày càng gia tăng từ các đối thủ và những cáo buộc liên quan đến người thân và cả bản thân ông. Theo Yonhap, một tạp chí Hàn Quốc mới đây loan tin ông Ban Ki-moon nhận hối lộ 230.000 USD từ một doanh nhân địa phương khi ông còn giữ chức ngoại trưởng trong thập niên 2000. Tuy nhiên ông Ban Ki-moon bác bỏ cáo buộc và doạ sẽ kiện tạp chí này.
TIN LIÊN QUAN
Ông Ban Ki-moon hé lộ khả năng tranh cử tổng thống Hàn Quốc
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon ngày 16.12 đưa ra những tuyên bố để ngỏ khả năng sắp tranh cử tổng thống Hàn Quốc.
Văn Khoa