11/01/2025

Người già Nhật Bản ‘ham’ vào tù

Nhật Bản đang đối mặt tình trạng nhiều người cao tuổi cố tình phạm tội để được vào tù, nhằm “trốn” đời sống khó khăn và cô đơn.

 

Người già Nhật Bản ‘ham’ vào tù

Nhật Bản đang đối mặt tình trạng nhiều người cao tuổi cố tình phạm tội để được vào tù, nhằm “trốn” đời sống khó khăn và cô đơn.



Phạm nhân cao tuổi trong trại giam Nhật Bản /// Bloomberg

Phạm nhân cao tuổi trong trại giam Nhật BảnBLOOMBERG

Tình trạng dân số ngày càng lão hoá với tốc độ nhanh đang là một trong những vấn đề nan giải nhất của Nhật Bản với nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội và quốc phòng. Nghiên cứu mới của Công ty Custom Product Research (Tokyo) còn cho thấy một xu hướng đáng buồn: những người cao tuổi neo đơn phải “cắn răng” phạm pháp để được vào tù. Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật, số tù nhân trên 60 tuổi tái phạm ít nhất 6 lần tăng từ 189 năm 1991 lên gần 900 người hiện nay.
“Nhà dưỡng lão nghiêm khắc”
Tại sao những cụ ông, cụ bà ở nước Nhật, vốn coi trọng danh dự hơn tất cả và cực kỳ tuân thủ luật pháp, lại phải dấn thân vào con đường phạm tội? Lý do là gánh nặng dân số già và tăng trưởng chững lại khiến quỹ an sinh xã hội ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng nặng nề tới tiền trợ cấp người cao tuổi.
Theo nghiên cứu, thậm chí cả khi ăn ở rất tằn tiện thì chi phí sinh hoạt của một người về hưu vẫn cao hơn 25% mức trợ cấp cơ bản 780.000 yen (6.900 USD)/năm. Dân Nhật rất coi trọng gia đình, nhưng nước này cũng nổi tiếng là có đời sống công nghiệp vào hàng áp lực nhất thế giới, khiến nhiều người không thể chăm lo cho cha mẹ, ông bà, còn người già lại không muốn làm phiền con cháu. Vì thế, thay vì sống cực nhọc, neo đơn để rồi chết một mình trong căn phòng thuê, họ “quyết tâm” vào tù để có chỗ trú thân an toàn, ngày 3 bữa đầy đủ dinh dưỡng và được chăm sóc sức khoẻ miễn phí.
Tuy các trại giam Nhật quy định khá ngặt nghèo về việc tù nhân trò chuyện, tiếp xúc với nhau để ngăn chặn “đại bàng” hay kéo bè kéo cánh nhưng đối với người già, ít ra trong tù họ còn “có bạn” thay vì lủi thủi một mình như ở ngoài. “Tôi cảm thấy thoải mái với đời sống tù nhân. Tôi có quần áo mặc, thực phẩm, chỗ ở, được chăm sóc khi bệnh và có nhiều người xung quanh. Trong tù cũng giống như sống trong một nhà dưỡng lão nghiêm khắc vậy”, tạp chí Fortune dẫn lời một cụ ông 76 tuổi nói. Một người khác thì khẳng định ông sợ được thả vì “ghét cuộc sống bên ngoài”.
“Nhà tù ở Nhật không giống trại giam ở Mỹ. Môi trường dễ chịu hơn và rất an toàn. Vì thế, nhiều người già nghĩ rằng sống trong tù còn hơn chết ở ngoài”, ông Patrick Hansen, Giám đốc Custom Product Research, nói với Fortune.
Gánh nặng ngân sách
 
Phần lớn người cao tuổi thường phạm các tội lặt vặt như ăn cắp trong cửa hàng. Nhưng với hệ thống luật pháp nghiêm khắc ở Nhật thì chỉ cần lấy một cái bánh giá 200 yen (gần 39.000 đồng) thì cũng đủ để ngồi tù 2 năm. Trong khi đó, toàn bộ chi phí từ xét xử tố tụng đến giam giữ một người trong vòng 2 năm vào khoảng 3,8 triệu yen.
Số liệu của Bộ Tư pháp Nhật cho thấy nước này hiện có 77 cơ sở giam giữ chính cùng 111 cơ sở liên quan và chính phủ đã dành ngân sách 232 tỉ yen để vận hành các trại giam trong năm 2016. Theo nghiên cứu của Custom Product Research, đến năm 2036, các trại giam sẽ phải nuôi khoảng gần 12.000 “bô lão” và nhà nước tốn khoảng 47,8 tỉ yen/năm.
Một khó khăn khác là phải đào tạo cán bộ quản giáo biết… chăm sóc người già, hỗ trợ họ trong những nhu cầu cơ bản như đi bộ, vệ sinh, ăn uống. Khi phạm nhân qua đời thì nghi thức tang lễ và an táng đều do nhà tù sắp xếp. Bên cạnh đó, số quản giáo nữ đang quá ít trong khi xu hướng phụ nữ lớn tuổi phạm tội ngày càng tăng.
Tờ Financial Times dẫn lời chuyên gia Akio Doteuchi thuộc Viện Nghiên cứu NLI ở Tokyo cảnh báo tỷ lệ phạm nhân tuổi về hưu tái phạm để được vào tù trở lại sẽ tiếp tục tăng. “Tỷ lệ người nhận hỗ trợ chính sách đang ở mức cao nhất từ sau Thế chiến 2. Khoảng 40% người lớn tuổi sống một mình. Họ phạm tội, vào tù, được thả nhưng không có tiền, không có gia đình nên nhanh chóng phạm tội trở lại. Đó là một vòng luẩn quẩn không dễ phá vỡ”, ông nói.
Dự báo đến năm 2060, tuổi thọ trung bình sẽ tăng lên 90,93 tuổi đối với nữ, 84,19 tuổi đối với nam, số người trên 65 tuổi sẽ chiếm tới 40% dân số Nhật và như vậy hệ thống trong tương lai chắc chắn sẽ tràn ngập tù nhân cao tuổi.
Nỗi lo tuyệt chủng
Theo thống kê của chính phủ Nhật Bản, số trẻ chào đời tại nước này trong năm 2016 là 981.000 trẻ, giảm 25.000 trẻ so với năm 2015 và lần đầu tiên tụt xuống mức dưới 1 triệu trẻ trong vòng hơn một thế kỷ qua.
AFP dẫn nghiên cứu của Đại học Tohoku cho thấy nếu không sớm cải thiện tình trạng sinh suất ngày càng giảm như hiện nay thì Nhật Bản sẽ mất đi 1/3 dân số trong 50 năm tới và người Nhật có thể sẽ tuyệt chủng trong khoảng 1.000 năm nữa. “Nếu tốc độ giảm tiếp diễn, thì đến năm 3011, chúng ta chỉ còn 1 đứa trẻ”, Giáo sư Hiroshi Yoshida cảnh báo.
Hàn Quốc cũng đang đối diện nỗi lo tương tự khi báo cáo của quốc hội cho thấy tỷ lệ sinh hiện nay chỉ vào khoảng là 1,2 trẻ ở mỗi phụ nữ, thấp hơn mức quy định chuẩn của thế giới là 2,1 trẻ. Nếu tình trạng này tiếp tục duy trì, dân số Hàn Quốc sẽ giảm còn 10 triệu người vào năm 2136 và người cuối cùng sẽ chết vào năm 2750, khiến nước này trở thành quốc gia đầu tiên biến mất khỏi bản đồ thế giới.

 

Văn Khoa