11/01/2025

Mỗi người ‘gánh’ 23 triệu đồng nợ công

Số nợ công mỗi người dân VN phải gánh đã tăng gấp đôi so với thời điểm 2010, lên mức 23 triệu đồng. Và vẫn tạo ra quan ngại, khi chạm mức trần an toàn 65% GDP.

 

Mỗi người ‘gánh’ 23 triệu đồng nợ công

Số nợ công mỗi người dân VN phải gánh đã tăng gấp đôi so với thời điểm 2010, lên mức 23 triệu đồng. Và vẫn tạo ra quan ngại, khi chạm mức trần an toàn 65% GDP.




Đồng hồ đo nợ công thế giới báo nợ VN 94,85 tỉ USD

Đồng hồ đo nợ công thế giới báo nợ VN 94,85 tỉ USD

Làm 2 đồng, trả nợ 1 đồng
 
 
Mỗi người 'gánh' 23 triệu đồng nợ công - ảnh 1
12 đại dự án thua lỗ vừa qua… làm mất nhiều nghìn tỉ đồng của nhà nước. Nợ ở đây chứ đâu, chúng ta vay về nhưng làm ăn không hiệu quả, chi tiêu cho bộ máy quá nhiều… Nợ mới chồng nợ cũ, lãi mẹ đẻ lãi con thì nợ công không tăng nhanh sao được
Mỗi người 'gánh' 23 triệu đồng nợ công - ảnh 2
 
PGS-TS Ngô Trí Long
 

Theo đồng hồ nợ công toàn cầu The Global Debt Clock trên Economist.com, tính đến thời điểm ngày 11.1, nợ công VN đang là 94,85 tỉ USD, tương đương 45,6% GDP, chia bình quân đầu người khoảng 1.039 USD (23 triệu đồng), tăng 9,3% so với năm ngoái.

Nợ công đã tăng chóng mặt so với vài năm trước. Cụ thể, năm 2010 đồng hồ nợ công điểm VN ở mức 45 tỉ USD (bằng 50% GDP), chia bình quân đầu người 521 USD; năm 2012 nợ tăng lên 62,5 tỉ USD, bình quân 704 USD/người… Đó là con số mà đồng hồ nợ công toàn cầu của The Economist, ấn phẩm hàng đầu về kinh tế trên thế giới đánh giá. Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2016 dư nợ công quốc gia khoảng 64,73% GDP, áp sát ngưỡng nợ 65% GDP Quốc hội đặt ra để đảm bảo an toàn. Trong khi đó, nợ Chính phủ đã vượt ngưỡng cho phép 50%, tương đương 53,62% GDP.
Mặc dù khẳng định nợ công vẫn đang nằm trong giới hạn cho phép, được kiểm soát chặt chẽ, an toàn, tuy nhiên tốc độ gia tăng nợ thời gian qua đang khiến vấn đề này thực sự đáng báo động. Tại cuộc họp tổng kết ngành tài chính vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở Bộ Tài chính khi để tỷ lệ nợ công tăng nhanh, mức tăng trung bình 5 năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thậm chí, người đứng đầu Chính phủ đã thẳng thắn cảnh báo về khó khăn nghiêm trọng của nền tài kh quốc gia nếu không chấm dứt được tình trạng trên.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 14 khai mạc vào tháng 10.2016, cho ý kiến vào đề án quản lý nợ công của Bộ Tài chính, các đại biểu cũng lo ngại dù nhiều giải pháp mà bộ này khẳng định có khả thi và hiệu quả. Ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội, chỉ lưu ý là tất cả những chỉ tiêu liên quan tới quản lý nợ công đều khó khăn. Nhưng vấn đề đáng quan ngại hơn lại nằm ở khả năng trả nợ. Bởi hiện nay, theo ông Hiển, số trả nợ gồm nợ gốc và lãi trên thu ngân sách không được vượt quá 25%, nhưng thực tế tới cuối 2015 đã là 29,2%. Với tình hình của năm 2016 thì năm 2017, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trên tổng thu ngân sách sẽ khoảng 27%. Mức này chỉ cách giới hạn “báo động đỏ” của thế giới 3%. Điều đó có nghĩa, cứ 10 đồng làm ra thì tới 3 đồng phải dùng trả nợ, ông Hiển lo ngại.
Ở một phương án tính toán khác trực tiếp hơn, số liệu của Tổng cục Thống kê đã thông báo cho thấy, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 2.215 USD/người (hơn 50 triệu đồng/năm), tăng 106 USD so với năm ngoái. So với 23 triệu đồng nợ công, PGS-TS Ngô Trí Long bình luận: “Tính theo tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách đúng là làm 10 đồng trả 3 đồng, nhưng tính thu nhập bình quân đầu người thì mỗi người dân làm ra 2 đồng đã phải gánh 1 đồng nợ. Nếu chúng ta không chấm dứt được tình trạng này thì tương lai làm được đồng nào trả nợ đồng đó”.
Chi tiêu quá tay, đầu tư kém hiệu quả
 
 
Theo The Economist, muốn giảm nợ công từ gốc thì Chính phủ cần phải chi tiêu có hiệu quả, thoái thác các lĩnh vực không cần nắm giữ mà tư nhân có thể làm được. Đó mới là giải pháp căn cơ nhất.
 

Có rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm ngăn đà “phi mã” của nợ công. Trong đó có thể kể đến một số phương án mà Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra trong giai đoạn 2016 – 2020 như: thường xuyên theo dõi đánh giá mức an toàn nợ công, nợ Chính phủ; tăng cường quản lý, giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh cũng như nợ của chính quyền địa phương; cơ cấu lại nợ trong nước, đa dạng hóa nguồn nợ nước ngoài…

Nhưng theo các chuyên gia, giải pháp thiết thực, quan trọng không chỉ nằm ở chủ trương, nghị quyết mà chính ở khâu thực thi. Nguyên nhân nợ công tăng nhanh là do các bộ, ngành, địa phương không nghiêm túc trong khâu triển khai thực hiện, trong khi kỷ luật tài chính còn quá lỏng lẻo. Đơn cử, một chỉ tiêu lớn hằng năm như bội chi được Quốc hội giao nhưng liên tiếp trong 4 năm “vỡ trận” không thấy ai chịu trách nhiệm. Cụ thể, ngoại trừ năm 2016 bội chi xấp xỉ ngưỡng 4,95% GDP mà Quốc hội giao, còn lại trong các năm 2015 bội chi 6,11% GDP, cao hơn kế hoạch 5%. Năm 2014 thực tế là 6,33% GDP so với 5,3% và năm 2013 thực tế là 6,6% GDP, chỉ tiêu 5,3%.
Đánh giá về chỉ tiêu này, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại VN, ông Sebastian Eckardt cho rằng: “Bội chi ngân sách ở mức cao đã và đang diễn ra thiếu kiểm soát, kỷ luật trong nhiều năm gần đây. Mức bình quân ở mức 5,5% GDP trong 5 năm qua là nguyên nhân dẫn đến nợ công tăng cao”.
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, cần phải làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành và cá nhân trong việc chi tiêu thiếu kiểm soát, gián tiếp để nợ công tăng cao. Thời gian qua, rất nhiều báo cáo kiểm toán được đưa ra nêu đích danh các tỉnh, thành và bộ, ngành vi phạm chế độ chi tiêu, đầu tư công cần được xem xét, xử lý. Bên cạnh đó, cần phải chấm dứt ngay tình trạng các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả gây thất thoát ngân sách. “12 đại dự án thua lỗ vừa qua như dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy nhiên liệu sinh học bio-ethanol Dung Quất và Nhà máy đạm Ninh Bình… làm mất nhiều nghìn tỉ đồng của nhà nước. Nợ ở đây chứ đâu, chúng ta vay về nhưng làm ăn không hiệu quả, chi tiêu cho bộ máy quá nhiều… Nợ mới chồng nợ cũ, lãi mẹ đẻ lãi con thì nợ công không tăng nhanh sao được”, ông Long nói.

Anh Vũ