30/11/2024

Có nên giữ bí mật đề thi THPT quốc gia?

Việc Bộ GD-ĐT đưa ra kế hoạch sẽ không công bố đề thi và đáp án của toàn bộ các môn thi trắc nghiệm đang khiến nhiều thí sinh, giáo viên và cả các chuyên gia giáo dục băn khoăn về tính khách quan, minh bạch và chuẩn xác của đề thi.

 

Có nên giữ bí mật đề thi THPT quốc gia?

Việc Bộ GD-ĐT đưa ra kế hoạch sẽ không công bố đề thi và đáp án của toàn bộ các môn thi trắc nghiệm đang khiến nhiều thí sinh, giáo viên và cả các chuyên gia giáo dục băn khoăn về tính khách quan, minh bạch và chuẩn xác của đề thi.

 

 

 

Có nên giữ bí mật đề thi THPT quốc gia?
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 trao đổi bài sau giờ thi môn toán tại cụm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi về việc Bộ GD-ĐT sẽ không công bố đề thi và đáp án trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, thầy Nguyễn Tùng Lâm – hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội – cho rằng lý do dẫn tới thay đổi này không hợp lý, thuyết phục.

“Công khai đề thi và đáp án là quyền lợi của thí sinh”

“Nếu Bộ GD-ĐT cho rằng không thể công bố đề thi, đáp án vì câu hỏi thi năm nay có thể sử dụng các năm sau nên cần giữ bí mật để đảm bảo công bằng cho thí sinh, tôi cho là không thuyết phục.

Vì với một kỳ thi quốc gia, ngân hàng đề thi phải có số lượng câu hỏi rất lớn. Nếu Bộ GD-ĐT kịp thời xây dựng được một ngân hàng đề thi đủ cho tầm cỡ kỳ thi quốc gia, thì việc trùng lặp số câu hỏi giữa hai năm liên tiếp là xác suất nhỏ.

Giả sử một đề thi có 40-50 câu hỏi trắc nghiệm có 1-2 câu trùng lặp với đề đã ra năm trước cũng không ảnh hưởng gì tới chất lượng bài thi và tính công bằng, khách quan của kết quả thi” – thầy Lâm phân tích.

Còn ông Phạm Thành Công – phó phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội – tỏ ra băn khoăn khi Bộ GD-ĐT đang điều hành mọi lĩnh vực theo hướng công khai nhưng lại quyết định không công bố đề thi, đáp án các môn thi trắc nghiệm.

“Việc kiểm tra, đánh giá, thi tuyển sinh cần được lượng hóa một cách chuẩn xác. Nếu đã lượng hóa được thì cần phải công khai để thí sinh, xã hội cùng giám sát. Đây không phải là năm đầu tiên chúng ta thi trắc nghiệm, nhưng tại sao các năm trước đề và đáp án được công khai, còn năm nay thì không?” – ông Công nói.

Theo ông Công, nếu Bộ GD-ĐT lý giải việc không công khai là do câu hỏi thi năm nay có thể còn được dùng cho các năm tiếp theo thì đó cũng chỉ nên là giải pháp tạm thời, khi ngân hàng câu hỏi thi của bộ chưa đủ lớn. Còn lâu dài, bộ phải bổ sung câu hỏi để không phải sử dụng lại. “Công khai đề thi và đáp án là quyền lợi của thí sinh” – ông Công nhận định.

Cần có kênh giám sát của xã hội

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Viết Khuyến – nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT – chia sẻ: “Cái gì công khai cũng tốt, nhất là trong thi cử”.

“Từ xưa đến nay, trong công tác làm đề thi thi thoảng vẫn có trục trặc. Chính sự công khai đã tạo thành kênh giám sát tốt để điều chỉnh, sửa chữa kịp thời những sai sót, làm cho kỳ thi tốt hơn, xã hội tin tưởng hơn. Vì vậy, nếu “giữ bí mật” đề thi và đáp án sẽ mất đi kênh giám sát từ xã hội, không thể phát hiện sai sót nếu có” – ông Khuyến nói.

Theo ông Khuyến, nếu thi trên máy tính và cho thí sinh làm bài thi ở những đợt khác nhau như thi tuyển sinh vào ĐHQG Hà Nội các năm trước thì có thể không công khai đề thi. Tuy nhiên, với đề thi làm trên giấy, diễn ra đồng loạt trong cùng thời gian như thi THPT quốc gia thì hoàn toàn có thể tiết kiệm câu hỏi thi bằng cách tráo thứ tự câu hỏi thi, tráo thứ tự đặt các lựa chọn đáp án trong từng câu hỏi, với những mã đề dành cho thí sinh khác nhau.

“Như vậy thì không thể lấy lý do ngân hàng câu hỏi chưa đủ lớn để bí mật đề, đáp án nữa” – ông Khuyến phân tích.

Cô Tố Quyên, một giáo viên dạy giáo dục công dân, bày tỏ lo lắng: “Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định đề thi nằm trong chương trình THPT chủ yếu lớp 12, không đánh đố thí sinh, không ra câu hỏi vượt trình độ của học sinh phổ thông. Nhưng nếu đề thi, đáp án không công bố công khai thì không có kênh giám sát việc xây dựng đề thi của Bộ GD-ĐT, liệu có đúng nguyên tắc không?

Năm nay là năm có nhiều đổi mới, trong đó môn giáo dục công dân lần đầu tiên đưa vào bài thi tổ hợp. Đề thi không công bố, giáo viên và học sinh không có cơ sở để điều chỉnh việc dạy học, nhằm chuẩn bị cho các kỳ thi sau này”.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng rất cần kênh giám sát của xã hội đối với kỳ thi THPT quốc gia, nhất là kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới về cách thức thi, ra đề thi. “Nhiều kỳ thi trước đã từng xảy ra sai sót kiến thức, sai đáp án, chấm lỏng, chấm chặt giữa các hội đồng thi. Năm nay đề thi, đáp án bí mật, nếu có sai sót, không có ai biết và có thể thí sinh sẽ thiệt thòi” – thầy Lâm nói.

Nên chỉ là phương án tạm thời

Cũng có ý kiến ngược lại với một số băn khoăn về lý do “sợ lộ câu hỏi thi”.

Thầy Hà Xuân Nhâm – hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội – cho rằng việc không công bố đề thi, đáp án cũng hợp lý, để tránh trường hợp mỗi năm bổ sung bao nhiêu câu hỏi thì lại lộ bấy nhiêu câu, dẫn tới tình trạng luyện thi theo bộ đề ở ngoài nhà trường gia tăng.

“Nếu sau này, khi kho đề thi đã được thẩm định qua một số lần thi thì có thể thay đổi hình thức thi sang online và không cần thi cùng một thời điểm. Mỗi tỉnh có thể thành lập một số điểm tổ chức thi chuyên nghiệp, và một trong những nguyên tắc thi trắc nghiệm online là đề thi, đáp án không công bố công khai” – thầy Nhâm chia sẻ quan điểm.

Còn PGS.TS Cao Quốc An – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam – cho rằng đây là năm đầu kỳ thi THPT quốc gia tăng cường thi trắc nghiệm, bổ sung các bài thi tổ hợp, cộng với việc bộ mong muốn tái sử dụng câu hỏi thi, thì việc không công bố đề và đáp án là chuyện hợp lý.

“Ngay ở phạm vi nhỏ như bộ môn, khoa của Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, khi thi trắc nghiệm, nếu công bố đề và đáp án thì chỉ năm trước năm sau là đề thi đã ra tiệm photocopy, khoa, các bộ môn bị cạn đề ngay. Vì vậy, khi kho đề chưa đủ lớn thì không nên công bố” – ông An nói.

Dù vậy, ông An cũng cho rằng đó chỉ là phương án tạm thời, còn về lâu dài bộ phải bổ sung nguồn đề, tiến tới công khai. “Mong muốn lớn nhất của thí sinh sau kỳ thi là biết đáp án để đối chiếu, soát xét bài làm của mình. Bộ GD-ĐT cần đáp ứng mong mỏi này của các em” – ông An nói.

“Nếu không công bố cho thí sinh và xã hội biết, thì cần phải bắt buộc quy định đề thi, đáp án được một hội đồng thẩm định, độc lập với Bộ GD-ĐT xem xét, kiểm soát. Nếu không, phụ huynh và thí sinh sẽ rất hoang mang. Một kỳ thi đã có quá nhiều đổi mới lại không công khai, minh bạch, điều này sẽ gây nên sự nghi ngờ, tác động không tốt đến tâm lý học sinh

Một giáo viên THPT
NGỌC HÀ – VĨNH HÀ