30/11/2024

ASEAN trước viễn cảnh khó khăn năm 2017

Giới học giả quốc tế nhận định 2017, đòi hỏi ASEAN phải hành động hết sức khôn khéo để duy trì an ninh và kinh tế.

 

ASEAN trước viễn cảnh khó khăn năm 2017

Giới học giả quốc tế nhận định 2017, đòi hỏi ASEAN phải hành động hết sức khôn khéo để duy trì an ninh và kinh tế.



Giáo sư Francois Godement phát biểu tại hội thảo	 /// Thục Minh

 

Giáo sư Francois Godement phát biểu tại hội thảoTHỤC MINH

Viễn cảnh ASEAN được các học giả dự diễn đàn khu vực (ROF 2017), do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore tổ chức thường niên vào những ngày đầu năm mới, chỉ ra không ở mức “khó lường” hay “đáng quan ngại” như vài năm trước, mà đến mức “nguy hiểm”, như lời cựu Đại sứ Singapore tại Mỹ Chan Heng Chee.
Viễn cảnh đó, theo Giáo sư Francois Godement, Giám đốc Chương trình châu Á và Trung Quốc của Hội đồng châu Âu về đối ngoại, được thể hiện qua 3 xu thế địa chính trị chủ đạo.
Đó là sự trỗi dậy toàn cầu của chủ nghĩa dân tộc tự vệ, chống lại tiến trình toàn cầu hoá, mà theo giới quan sát là có hơi hướng dân túy, xuất phát từ chủ trương của lãnh đạo một số cường quốc, điển hình là Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Đó là sự thiếu vắng một vai trò lãnh đạo toàn cầu, khi mà cường quốc số 1 thế giới là Mỹ sắp có tân tổng thống với những tuyên bố và hành động khó lường, châu Âu thì lún sâu vào những thách thức nội địa, trong khi các cường quốc mới trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… đang vấp phải những chia rẽ, bất đồng sâu sắc.
Bên cạnh đó, phán quyết của Toà trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông hồi tháng 7.2016, theo Giáo sư Godement, cũng là nguồn cơn của xu thế địa chính trị đáng lo thứ 3, do mỗi quốc gia có lợi ích liên quan đang phải đối mặt trước những lựa chọn khó khăn.
ASEAN và các thách thức
Cùng đánh giá như Giáo sư Godement, tiến sĩ Malcolm Cook, chuyên gia cao cấp về chính trị khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ISEAS, cho rằng thắng lợi của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11.2016 đặt khu vực Đông Nam Á vào tâm thế bất an.
“Vào đầu năm 2009, khi ông Barack Obama chuẩn bị nhậm chức tổng thống Mỹ, Đông Nam Á chỉ tự hỏi liệu vị tân tổng thống sẽ có được quyền lực đến đâu. Ngày nay, khi ông Donald Trump chuẩn bị nhậm chức, Đông Nam Á lo ngại sâu sắc không chỉ về sức mạnh nước Mỹ mà còn về tinh thần thượng tôn pháp luật mà Mỹ vốn là quốc gia cổ vũ mạnh mẽ”, ông Cook nói.
 
So với người tiền nhiệm vốn tạo sự khác biệt bằng cách dồn nhiều tâm sức cho việc đẩy mạnh quan hệ với ASEAN, duy trì vai trò chiến lược của Mỹ ở Đông Á, Tổng thống đắc cử Donald Trump xem ra có thể làm tổn hại quan hệ với ASEAN, tiến sĩ Cook nhận xét.
Theo ông, ngoài khả năng chính quyền Trump lơ là trong quan hệ với ASEAN, đường lối tiếp cận châu Á của Mỹ trong tương lai có thể va chạm với tham vọng của Trung Quốc trong khu vực, tham vọng về một trật tự châu Á hoàn toàn có lợi cho Bắc Kinh. Và chính sự va chạm này sẽ khiến Washington hoặc đối đầu khốc liệt với Bắc Kinh trong khu vực Đông Á, hoặc chọn cách đối phó cứng rắn theo từng vụ việc. “Dù trong trường hợp nào, căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung cũng gây bất ổn cho các quốc gia Đông Nam Á”, ông Cook nói.
Đi giữa lằn ranh
Trong bối cảnh các cường quốc thế giới tăng cường cạnh tranh vai trò trong khu vực, căng thẳng gia tăng là điều hiển nhiên, tiến sĩ Cook nhận định. Nhưng theo ông, “điều đó không nhất thiết lúc nào cũng tồi tệ, trái lại nó có thể là cơ hội cho các quốc gia yếu hơn”, nếu khéo léo.
Việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cấp tập đi thăm Trung Quốc rồi Nhật Bản hồi cuối năm 2016 và đem về các cam kết đầu tư hàng chục tỉ USD từ mỗi nơi để xây dựng cơ sở hạ tầng là minh chứng, hay trường hợp Singapore khôn khéo cân bằng được các mối quan hệ với những cường quốc cũng là một điển hình. Đảo quốc chỉ hơn 5 triệu dân này đã khéo léo kéo Ấn Độ vào cấu trúc an ninh Đông Á, đồng thời tạo điều kiện cho Mỹ duy trì sức mạnh ở châu Á như một quốc gia trong khu vực trong nhiều thập niên qua.
Trong viễn cảnh đầy thách thức năm 2017, Giáo sư Godement cho rằng ông “không quá bi quan”. Để vượt qua các thách thức này, theo ông, ASEAN và từng quốc gia thành viên cần ra sức củng cố sự cố kết nội nhóm, tăng cường các mối quan hệ mọi mặt hiện có với bên ngoài, đồng thời duy trì đối thoại liên tục với Trung Quốc.
ASEAN sẵn sàng tăng tốc xây dựng COC
Đó là khẳng định của Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh khi trả lời phỏng vấn mới đây của Kyodo News về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Hồi năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đề xuất đẩy nhanh các cuộc tham vấn về COC, trong đó có việc phát triển một khuôn khổ cho COC trước giữa năm 2017. Tổng thư ký Lê Lương Minh cho Kyodo News hay ASEAN và Trung Quốc vừa nhất trí đẩy mạnh các cuộc tham vấn về COC để đáp ứng thời hạn nói trên.  
 Minh Trung

 

Thục Minh 
Văn phòng Singapore