Mua xe máy cũng phải thanh toán qua ngân hàng
Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại VN giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu đến cuối năm 2020 đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Mua xe máy cũng phải thanh toán qua ngân hàng
Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại VN giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu đến cuối năm 2020 đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
TS – luật sư Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng, đánh giá: “Tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán dưới 10% vào năm 2020 hoàn toàn có thể đạt được. Bởi, số liệu được Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đang tiếp tục có xu hướng giảm dần và đã giảm còn 12% vào cuối năm 2013 so với con số 14% cuối năm 2010 và đã giảm còn 11% vào cuối năm 2015. Vào năm 2004, tỷ lệ này từng lên đến 20,3%. Trong mấy năm tới, tỷ lệ này giảm thêm 1% là hoàn toàn có thể. Tỷ lệ này giúp cho các nhà hoạch định chính sách theo dõi, đánh giá diễn biến khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế, từ đó ra quyết định sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát cung ứng tiền tệ, duy trì sự ổn định của hệ thống NH, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
“Thích” sử dụng tiền mặt
Theo ông Bùi Quang Tín, vấn đề ở đây không chỉ là tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán giảm mà làm sao để thanh toán tiền mặt trong dân giảm xuống trong tổng phương tiện thanh toán.
|
Tỷ lệ này hiện nay đang ở mức 65%. Ở các nước phát triển, 2 tỷ lệ này thường giảm cùng lúc với nhau, trong khi VN thì khác xa. TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ NH TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV), nhận xét: “Tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán hiện nay đang ở mức bao nhiêu, chúng ta cần thống kê một cách cụ thể. Kinh tế ngầm tiền mặt hiện nay vẫn còn diễn biến”.
Thực tế, việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán hiện nay vẫn còn khá phổ biến. Hôm qua trên đường đi siêu thị, bà Lan (Q.3, TP.HCM) ghé vào máy ATM trên đường Kỳ Đồng rút tiền. Mặc dù các siêu thị hiện nay đều lắp đặt máy quẹt thẻ thanh toán tiền mua hàng hoá nhưng bà Lan cho biết: “Trước giờ tui có thói quen như vậy để tránh rắc rối khi máy quẹt thẻ trục trặc không thanh toán được. Hơn nữa tôi cũng cần để trong người ít tiền mặt chi tiêu hằng ngày nên đi rút tiền thôi”. Đây là tâm lý của rất nhiều người sử dụng thẻ ATM hiện nay, chủ yếu để rút tiền mặt dù có thể giao dịch thanh toán mua hàng bằng thẻ.
Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, những nơi có lượng công nhân đông, hàng chục người vây quanh cột ATM vào những ngày công ty phát lương để rút tiền từ tài khoản. Viện Nghiên cứu phát triển thương mại Bộ Công thương gần đây có đưa ra con số người Việt vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, sử dụng thẻ trong rút tiền mặt chiếm 85%, chỉ có 15% là phát sinh qua thanh toán.
Ngay cả một chủ trương lớn như thanh toán tiền điện qua NH, mang lại lợi ích nhưng trên thực tế, tỷ lệ khách hàng sử dụng hình thức này còn khá khiêm tốn. Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực VN (EVN), tính đến nay, mới có trên 4,5 triệu khách hàng thanh toán qua NH và các tổ chức trung gian, chiếm 18,47% số khách hàng sử dụng điện trên cả nước (tổng số hơn 24,3 triệu khách hàng). Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là thói quen và tâm lý ngại thay đổi của đa số người dân.
Bên cạnh đó, phần lớn khách hàng ở khu vực nông thôn, miền núi chưa có hoặc ít sử dụng thẻ ATM nên vẫn “ưu tiên” hình thức thanh toán tiền điện trực tiếp.
Thanh toán tiền mặt sẽ bị tính phí
Để đạt được mục tiêu, đề án xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích thanh toán điện tử. Trong đó một điểm khá quan trọng là quy định giao dịch mua bán bất động sản và những tài sản có giá trị lớn như ô tô, xe máy, tàu thuyền… không dùng tiền mặt. Ông Cấn Văn Lực cho rằng, điều này là cần thiết nhưng cần có hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt nên có quy định đến hạn mức bao nhiêu phải thanh toán qua hệ thống NH, bởi điều này còn liên quan đến văn hóa tiêu dùng và nhận thức người dân.
Ủng hộ giải pháp này, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn (SCB), nhận xét khi thanh toán mua bán bất động sản, nhà xe… qua NH, giao dịch sẽ minh bạch hơn, cơ quan thuế sẽ kiểm soát được việc kê khai chính xác hơn, tránh thất thu thuế. Tình trạng kê khai doanh thu thật và giả khá phổ biến trên thị trường hiện nay nên ai cũng dùng tiền mặt trong thanh toán.
|
Để đạt được mục tiêu, đề án cũng đề cập đến xu hướng phí giao dịch tiền mặt sẽ tăng lên và giảm phí thanh toán không dùng tiền mặt, giảm mức phí áp dụng cho các giao dịch thanh toán liên NH. Ông Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng, trong trường hợp phí tiền mặt cao gấp đôi phí thanh toán không dùng tiền mặt thì sẽ khiến người dân cân nhắc. Với những tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng tiền mặt nhiều trong thanh toán, cơ quan thuế nên áp dụng một mức phí nhất định nào đó trên doanh thu tiền mặt để hạn chế.
Ông Trịnh Minh Thảo, chuyên gia về NH bán lẻ, nhận định các giải pháp mà đề án đưa ra cần được triển khai đồng bộ mới có thể phát huy được hiệu quả. Thực tế hiện nay, hệ thống máy chấp nhập thẻ POS còn ít và phân bổ chưa hợp lý. Có nơi 4 – 5 máy của các NH khác nhau, có nơi không có máy nào. Hoặc, ở một số tỉnh thành, người dân đi đến 5 – 6 km mới có một điểm chấp nhận thẻ thì khó phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Cấn Văn Lực kiến nghị đây là chương trình dài hơi, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành trong quá trình thực hiện. Cần sớm ban hành các hướng dẫn để quy định được triển khai một cách khả thi.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo NHNN cho biết việc kéo giảm tỷ lệ này xuống 10% như trong đề án là hoàn toàn khả thi. Nhưng điều quan trọng là phải thay đổi thói quen của người dân, trong đó khâu tuyên truyền cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ, hạ tầng mạng cần phải được hiện đại hoá, đồng bộ và đặc biệt bảo mật, an ninh phải được nâng cao hơn nữa. Có như vậy, người dân mới thấy thoải mái thuận tiện, tin tưởng để thay đổi thói quen của mình.
Về giải pháp, theo lãnh đạo NHNN, định hướng trong giai đoạn 5 – 10 năm tới tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin hiện đại, tự động hoá hầu hết các quy trình nghiệp vụ NH của NHNN. Đặc biệt, NHNN đưa ra lộ trình để các NH thương mại chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip gắn vi mạch điện tử (hay còn gọi là thẻ thông minh) nhằm tăng cường bảo mật thông tin, chủ động phòng chống tội phạm thẻ. Chậm nhất đến 31.12.2020, toàn bộ thị trường thẻ VN chuyển đổi xong sang thẻ chip có độ bảo mật cao và tăng khả năng mở rộng tiện ích cho khách hàng.
Thanh Xuân – Anh Vũ