Hàng loạt đại sứ Mỹ bị yêu cầu từ chức
Uỷ ban Tiếp nhận Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump yêu cầu tất cả các đại sứ được “bổ nhiệm chính trị” phải rời vị trí trước ngày ông nhậm chức.
Hàng loạt đại sứ Mỹ bị yêu cầu từ chức
Uỷ ban Tiếp nhận Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump yêu cầu tất cả các đại sứ được “bổ nhiệm chính trị” phải rời vị trí trước ngày ông nhậm chức.
Ngày 6.1, Reuters dẫn lời Đại sứ Mỹ tại New Zealand, Mark Gilbert cho biết ông đã nhận yêu cầu nộp đơn từ chức và rời nhiệm sở trước ngày 20.1, thời điểm Tổng thống đắc cử Trump chính thức bước vào Nhà Trắng. Theo các nguồn tin cấp cao, chỉ thị này do đội ngũ của ông Trump phát đi thông qua Bộ Ngoại giao từ ngày 23.12.2016. Lệnh triệu hồi cũng ghi rõ “không có ngoại lệ” và những ai muốn gia hạn phải gửi đơn chính thức đồng thời nêu lý do cụ thể.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, chuyên gia Peter Van Buren, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết đối tượng của chỉ thị mới là các đại sứ được Tổng thống Barack Obama “bổ nhiệm chính trị” chứ không phải các nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã làm việc nhiều năm trong ngành.
Ông nói rõ là các tổng thống Mỹ luôn đề cử để Thượng viện thông qua việc bổ nhiệm những gương mặt uy tín trong đảng cầm quyền hoặc thân cận với chính quyền làm đại sứ tại các nước đồng minh quan trọng. Họ không nhất thiết phải có kinh nghiệm ngoại giao trước đó, chẳng hạn như bà Caroline Kennedy, con gái Tổng thống John F. Kennedy, được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Nhật Bản hồi năm 2013.
Vì thế, trong câu trả lời gửi báo chí ngày 6.1, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết: “Yêu cầu từ chính quyền mới dành cho các đại sứ là người được bổ nhiệm chính trị. Là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, tôi không bị yêu cầu từ chức và dự kiến sẽ hoàn thành nhiệm kỳ với tư cách đại sứ (kết thúc vào tháng 12.2017 – NV)”.
TIN LIÊN QUAN
Ông Trump ‘chiếu tướng’ cộng đồng tình báo
Tổng thống đắc cử Donald Trump đang lên kế hoạch tái cấu trúc những cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ.
Theo tờ The New York Times, hiện có khoảng 1/3 số đại sứ Mỹ trên thế giới nằm trong diện “bổ nhiệm chính trị” và yêu cầu từ chức “khiến nhiều người bị sốc”. Lâu nay, mỗi khi đến giai đoạn thay đổi tổng thống và đảng cầm quyền, các đại sứ thường được gia hạn thêm nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trong lúc chờ Thượng viện thông qua đề cử người mới cũng như để họ sắp xếp cuộc sống và việc học hành của con cái.
Trước đây, các tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đều gia hạn thời gian cho một số đại sứ “được bổ nhiệm chính trị” của chính quyền tiền nhiệm. Vì thế, chỉ thị từ phía Tổng thống đắc cử Trump có thể dẫn đến hệ quả là Mỹ không có đại sứ được Thượng viện phê chuẩn trong nhiều tháng tại các quốc gia đồng minh quan trọng như Anh, Canada, Đức…
Tuy nhiên chuyên gia Van Buren nhận định với Thanh Niên rằng trên thực chất công việc của ngoại giao đoàn Mỹ tại các nước không bị ảnh hưởng nhiều. “Nếu đại sứ vắng mặt thì phó đại sứ, thường là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, sẽ tạm thay thế để bảo đảm công việc vẫn diễn ra trôi chảy như thường”, ông cho biết. Theo ông Van Buren, động thái của ông Trump chỉ có tác dụng tạo dựng hình ảnh “quyết liệt mang lại thay đổi” so với thời của người tiền nhiệm.
Ngày 6.1, The New York Times dẫn lời một quan chức trong đội ngũ chuyển giao của ông Trump cho biết yêu cầu mới “không xuất phát từ động cơ xấu” mà nhằm bảo đảm những đại sứ được Tổng thống Obama chỉ định rời chính quyền đúng hạn, cũng giống như hàng ngàn trợ lý ở Nhà Trắng và các cơ quan liên bang.
Tình báo Mỹ tiếp tục chĩa mũi dùi về Nga
Ngày 6.1 (giờ địa phương), Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gặp giới lãnh đạo các cơ quan tình báo về cáo buộc Nga can thiệp vào kỳ bầu cử tổng thống nhằm giúp ông chiến thắng.
Trước đó cùng ngày, ông Trump tiếp tục thể hiện nghi ngờ về tuyên bố của phía tình báo nói Moscow đứng sau vụ tấn công tin tặc và rò rỉ thư điện tử mật của Uỷ ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC). “DNC không cho phép Cục Điều tra Liên bang nghiên cứu hoặc xem thông tin trên máy tính của họ sau khi tuyên bố chúng bị Nga xâm nhập. Vậy tại sao có thể chắc chắn về vụ tấn công mạng cho được?”, Tổng thống đắc cử viết trên Twitter.
Trong khi đó, các cơ quan tình báo Mỹ vẫn khăng khăng với cáo buộc nhằm vào Nga. Đài NBC ngày 6.1 dẫn lời một số quan chức giấu tên thậm chí tuyên bố họ đã chặn được thông tin liên lạc cho thấy sau chiến thắng của ông Trump, giới chức cấp cao Moscow “đã ăn mừng vì kế hoạch thành công”. Đến nay, Điện Kremlin vẫn cương quyết bác bỏ mọi cáo buộc và bày tỏ hy vọng quan hệ song phương sẽ được cải thiện sau khi ông Trump chính thức cầm quyền.
Trùng Quang
|
TIN LIÊN QUAN
Ông Trump ủng hộ nhà sáng lập Wikileaks trong vụ ‘tin tặc Nga’
Tổng thống đắc cử Donald Trump lên tiếng ủng hộ nhà sáng lập Wikileaks, Julian Assange khi nghi ngờ về thông tin tình báo cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, theo BBC ngày 4.1.
Trọng Kha