Quyết định chốt số lượt chuyến bay phục vụ cao điểm Tết Đinh Dậu 2017 của Cục Hàng không thấp hơn nhiều so với đề xuất dự kiến của các hãng hàng không nội địa khiến nhiều hành khách lo ngay ngáy.
Lo bị huỷ chuyến bay tết
Quyết định chốt số lượt chuyến bay phục vụ cao điểm Tết Đinh Dậu 2017 của Cục Hàng không thấp hơn nhiều so với đề xuất dự kiến của các hãng hàng không nội địa khiến nhiều hành khách lo ngay ngáy.
Theo kế hoạch phê duyệt tăng chuyến phục vụ cao điểm dịp Tết Đinh Dậu 2017 sắp tới (từ ngày 16.1 – 12.2) của Cục Hàng không VN (HKVN), trong thời gian cao điểm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Đinh Dậu, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ tiếp nhận thêm 1.065 chuyến đi/đến, tăng 7,7% so với lịch bay thường lệ, tương đương với mức tăng trung bình 38 chuyến/ngày.
Trên toàn mạng nội địa, Cục HKVN phê duyệt tổng chuyến bay tăng 1.270, tăng 8,5% so với lịch bay thường lệ. Trong đó, Hãng hàng không Vietjet (VJA) có kế hoạch tăng tổng cộng 560 chuyến, lượng ghế cung ứng đạt 100.800 (tăng 8,9%); Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) tăng 380 chuyến, lượng ghế cung ứng đạt hơn 76.700
(tăng hơn 6,3%) và Jetstar Pacific (JPA) tăng 330 chuyến, tương ứng với 59.400 ghế (tăng 12,7%) so với lịch bay ngày thường. Số chuyến bay tăng thêm sẽ được phân bổ vào khung giờ đêm từ 23 giờ đến 7 giờ sáng.
Mua vé ngày có thể phải bay đêm
Số lượt chuyến được phê duyệt trên khá thấp so với 2.400 lượt chuyến mà các hãng hàng không đề xuất tăng giai đoạn Tết Đinh Dậu. Với đề xuất đó, các hãng cũng đưa ra số lượng vé tết dự kiến khá cao, trong đó VNA, VJA đều dự kiến bán ra xấp xỉ 1,5 triệu vé.
Đáng nói là số lượng vé tết cũng đã được các hãng bán từ cách đây gần 2 tháng nên rất nhiều khách hàng đang như ngồi trên đống lửa vì lo sẽ bị dồn chuyến, chậm chuyến và hủy chuyến.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc VNA, việc chốt số chuyến bay tết không ảnh hưởng tới kế hoạch khai thác của hãng. Bởi VNA không bán vé tết với những chuyến bay chưa được cấp phép. Toàn bộ đề nghị số chuyến bay tết của hãng đã được đáp ứng, do “hãng đã làm việc chắc với Cục”. Lãnh đạo VNA cũng cho biết hãng vẫn đang tiếp tục bán vé tết. Tuy nhiên, các chuyến bay tăng thêm giờ cao điểm tết theo kế hoạch được duyệt đều phải bay chuyến đêm vì ban ngày tại Tân Sơn Nhất đã kẹt cứng.
Hãng hàng không được duyệt tăng số lượt bay tăng thêm nhiều nhất là VJA cũng khẳng định “đã điều phối xong” nên chắc chắn không có tình trạng huỷ vé hoặc hành khách không được bay. Nhưng có thể bay chậm một vài giờ, hành khách mua vé ban ngày nhưng phải chuyển sang bay ban đêm, do số lượt chuyến tăng thêm chỉ được cấp phép đêm.
Cũng như VJA, đại diện Hãng hàng không JPA bảo đảm những hành khách đã mua vé đi lại trong dịp Tết Nguyên đán sẽ có chỗ vì tất cả những vé đã bán ra đều thuộc những chuyến bay đã được cấp phép. Nhưng có thể một số chuyến bay sẽ phải điều chỉnh lại giờ khởi hành theo khung giờ slot mới để phù hợp với tình hình thực tế. Hãng JPA sẽ sớm thông báo đến khách.
Phê duyệt quá trễ
Duyệt trễ quá, khách đã đặt vé rồi nếu huỷ thì ai bồi thường cho hành khách? Cách làm này còn nặng cơ chế xin – cho, là một dạng áp lực với nhau nhưng lại không hợp kinh tế thị trường
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn
Theo TS Phạm Sanh – chuyên gia giao thông, đáng lý ra quyết định chốt số lượt chuyến bay phục vụ cao điểm Tết Đinh Dậu 2017 của Cục HKVN cho các hãng phải được thực hiện sớm hơn nhiều chứ không phải để đến cận tết như hiện nay. “Trong khi kế hoạch bay và kế hoạch phục vụ, kinh doanh của các hãng đã có từ lâu, vé đã bán cho hành khách trước đó 2 tháng. Có điều gì đó bất thường trong việc này. Các hãng hàng không không còn cách nào khác phải chấp nhận triển khai. Tôi nghĩ Cục HKVN nên rút kinh nghiệm cho những năm sau”, TS Phạm Sanh nói và cho biết trên thế giới khi có hãng hàng không mở đường bay đến sân bay nào thì chủ sân bay đó rất mừng. Thế nhưng, hiện các hãng hàng không nội địa trong tình huống rất khổ sở, giống như thời bao cấp. Từ đó, dễ xảy ra tình trạng xin – cho.
TS Lý Hùng Anh, thuộc bộ môn kỹ thuật hàng không – Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định vé máy bay tết đã được các hãng hàng không bán ra cho khách rồi nên không thể hoàn trả lại. Vì vậy, các hãng sẽ tìm mọi cách để hành khách được bay. “Bản thân tôi cũng gặp nhiều lần việc dồn chuyến, hoãn chuyến. Hành khách dù có phản ứng gay gắt rồi cuối cùng cũng thôi”, TS Hùng Anh nói và cho rằng nên để thị trường quyết định. Người tốn chi phí ít thì chọn đi lại bằng tàu hỏa, xe khách. Không nên để người bỏ tiền nhiều để mua vé máy bay, nhưng lại không đi được, hoặc bị hoãn chuyến, dồn chuyến, thậm chí hủy chuyến.
Ở một góc nhìn khác, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn phản biện không có lý do gì Cục HKVN không phê duyệt số chuyến bay như đề nghị của các hãng hàng không. Trước hết, bầu trời không phải của ai. Còn dưới mặt đất, nếu các hãng hàng không sắp xếp được, hoặc có thể bay đậu ở Cần Thơ nhưng khách có nhu cầu thì họ vẫn chấp nhận mua vé. Vì vậy, không có lý gì các hãng hàng không bay được mà bị từ chối. “Nếu không duyệt mà không có lý do rõ ràng giống như cạnh tranh không lành mạnh, giống như cơ chế xin – cho. Kinh tế thị trường rồi nên cũng phải theo luật chơi quốc tế”, ông Nam Sơn nói.
Ông Nam Sơn cho biết kế hoạch bay ở các nước thường được duyệt trước cả năm nên người dân có nhu cầu mới mua vé trước cả 6 – 12 tháng. Vì vậy, Cục HKVN cũng nên theo hướng đó, là phải chốt danh sách ít nhất 6 tháng, hoặc 1 năm để các hãng hàng không có kế hoạch bán vé hiệu quả, đóng góp cho nền kinh tế. “Duyệt trễ quá, khách đã đặt vé rồi nếu huỷ thì ai bồi thường cho hành khách? Cách làm này còn nặng cơ chế xin – cho, là một dạng áp lực với nhau nhưng lại không hợp kinh tế thị trường. Duyệt rồi nhưng các hãng có bán vé được không lại là một chuyện khác, nên không có lý do gì phải hạn chế hoặc cấm”, ông Sơn gay gắt.