Trung gian ‘ăn dày’ đẩy giá
Chịu tác động bởi chi phí sản xuất, qua nhiều tầng nấc trung gian vô lý khiến hàng hoá bán lẻ đến tay người mua bị đội giá từ hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.
Trung gian ‘ăn dày’ đẩy giá
Chịu tác động bởi chi phí sản xuất, qua nhiều tầng nấc trung gian vô lý khiến hàng hoá bán lẻ đến tay người mua bị đội giá từ hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.
Nhận định trên được ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đưa ra tại một cuộc hội thảo được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tuần qua. Trao đổi với Thanh Niên, ông Phú dẫn chứng, trứng gà mua từ tỉnh Vĩnh Phúc với giá 20.000 đồng/chục, được vận chuyển trên đoạn đường hơn 65 km về Hà Nội, đưa vào bán trong các siêu thị, giá cao hơn gấp 2,5 lần, từ 43.000 – 47.000 đồng/chục. Cam mua tại nhà vườn ở Hà Giang 5.000 – 7.000 đồng/kg, vận chuyển qua 200 km, về đến Hà Nội được bán cao gấp 4 – 5 lần, 25.000 – 27.000 đồng/kg;
|
Dứa ở Ninh Bình bán 2.500 – 3.000 đồng/quả, về Hà Nội bán thấp nhất 10.000 đồng/quả. Đặc biệt, chanh từ nhà vườn ở Đồng Tháp chỉ 200 – 300 đồng/kg, chở ra Hà Nội, giá bán lên 20.000 – 30.000 đồng/kg, cao gấp 100 lần. “Đáng nói là điều vô lý này vẫn tồn tại nhiều năm mà chưa được giải quyết một cách cơ bản”, ông Phú nhấn mạnh.
“Đuối” ngay khi ra trận
Không phủ nhận vai trò quan trọng của khâu trung gian từ nhà sản xuất đến tiêu dùng nhưng theo ông Phú, tại VN quá nhiều khâu trung gian khiến hàng Việt hụt hơi ngay khi ra trận. “Một cân muối, quả trứng, mớ rau, quả chanh… mà qua đến 4 – 5 trung gian, mỗi khâu được cộng thêm 12 – 15% tiền lãi, thử hỏi sao nông sản Việt sống nổi”, ông Phú nói thêm.
Là nhà buôn nông sản lớn tại Đà Lạt, bà Nguyễn Thị Hiếu chuyên cung cấp số lượng lớn rau củ quả cho một số hệ thống siêu thị và chợ đầu mối tại TP.HCM cho biết trung bình giá một ký rau củ quả từ Đà Lạt về chợ sỉ tại TP.HCM (cách 300 km) đội thêm 7.000 – 10.000 đồng/kg vì phải qua 4 – 5 trung gian. Đó là chưa tính các khoản thuế phí, bao bì vào siêu thị, thường giá bán lẻ thấp nhất cũng cao hơn 5 lần so với giá mua tại vườn. Đơn cử giá 1 ký cà chua bi giá mua tại vườn khoảng 13.000 đồng nhưng tại một siêu thị lớn ở TP.HCM, giá niêm yết 41.800 đồng/kg, cao gấp 3,5 lần. Tương tự, giá thu mua tại các vườn ở Đà Lạt gồm cà rốt 11.000 đồng/kg, hành tây 18.000 đồng/kg, búp sú hình tim 16.000 đồng/kg, lơ xanh 13.000 đồng/kg, bó xôi 18.000 đồng/kg… vào đến siêu thị lớn ở TP.HCM ngày hôm qua 4.1 lần lượt được bán với giá 26.500 đồng/kg cà rốt, 36.500 đồng/kg lơ xanh, 37.000 đồng/kg bó xôi…
Tại Bình Dương, giá bán tại vườn, gà sống giá 80.000 – 85.000 đồng/kg, gà tam hoàng 45.000 đồng/kg nhưng bán lẻ tại một số chợ ở TP.HCM, gà ta được bán 130.000 – 140.000/kg, gà tam hoàng 110.000 đồng/kg. “Thực tế, khâu bán lẻ đến tay người tiêu dùng thường giá bị đội lên cao và đây mới là đối tượng đẩy giá nhiều nhất, thông thường cao gấp 40 – 50% so với giá trị họ mua tại chợ sỉ”, một chủ vựa rau củ quả tại chợ đầu mối Hóc Môn cho biết.
Nguy cơ làm thuê trên đất của mình
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong dùng từ “ăn dày” với các nhà phân phối khi đề cập đến vấn đề này. Ông Phong nói: “Từ thực tế về giá bán của cam Hà Giang, chanh Đồng Tháp, cà chua Đà Lạt mới thấy, hệ thống lưu thông phân phối hàng hóa của chúng ta qua quá nhiều tầng nấc. Trong mỗi tầng nấc đó, người tham gia phân phối phải làm sao đảm bảo có lời. Thế nên, họ cố làm thế nào mua nông sản tốt nhất, giá rẻ nhất và bán được với giá cao nhất trong khoảng thời gian nhanh nhất. Quá trình này không có sự xuất hiện của người sản xuất và người tiêu dùng, hai đối tượng đang chịu thiệt thòi nhất trong cuộc đua về giá. Vấn đề đặt ra là tại sao nông sản chúng ta không đi thẳng từ vườn vào chợ đầu mối hay vào thẳng siêu thị được? Nhiều hệ thống siêu thị nước ngoài vào VN đã làm được điều này, chúng ta phải đi theo và học họ cách làm để có giá bán cạnh tranh nhất. Việc ký kết hợp tác giữa nhà phân phối và vùng cung cấp hàng hóa là cần thiết, dẹp bỏ bớt khâu thương lái đi, nhà vườn sẽ bán được giá tốt mà người mua cũng mua giá hợp lý hơn”.
Tỏ ra khá bức xúc, ông Phú cảnh báo: “Câu chuyện một quả trứng gà gánh đến 14 loại phí thuế được báo chí đề cập năm ngoái đến nay cũng chưa thấy cơ quan quản lý tính toán để giảm về dưới 10 loại phí thuế chẳng hạn. Với cách tính đội giá bán theo kiểu mạnh ai nấy làm đã khiến chúng ta đang tự hại chúng ta. Hàng Việt vào siêu thị lại ép chiết khấu cao đến 30% là “giết” hàng Việt mất rồi. Cách chúng ta đang làm chỉ khiến người Thái, người Nhật và Hàn vỗ tay mà thôi. Bởi khi các hợp tác thương mại được triển khai đồng bộ, thuế nhập khẩu nông sản từ các quốc gia này về 0%, nông sản Việt tuy lợi thế có đất đai, con người và khoảng cách địa lý gần nhưng sẽ bị “dập tơi bời” bởi chúng ta làm không khoa học và giá cả không cạnh tranh nổi”.
Bàn về giải pháp giảm bớt khâu trung gian và kiểm soát phí chiết khấu vào các hệ thống bán lẻ, theo chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, tất cả đều làm được song cần sự đồng lòng của nhiều nhà: nhà sản xuất, doanh nghiệp và khoa học. Ông Robert Trần nói: “Chúng ta đã thua các nước trong phát triển nông nghiệp là thiếu cánh đồng mẫu lớn, thiếu đầu tư sản xuất bằng cơ giới hóa, năng suất không cao, lại hay gặp thiên tai hạn hán khiến hao hụt thu hoạch nông sản của VN luôn cao hơn các nước trong khu vực. Nếu không khắc phục các điểm yếu này, lại thêm cách đội giá qua các khâu trung gian, nông sản Việt trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Dẫn lý thuyết kinh tế của nhà bán lẻ hàng đầu thế giới Wal Mart và khuyên các nhà bán lẻ VN cần học họ, ông Phú cho rằng: “Sản xuất phải gắn với tiêu thụ, đi thẳng từ sản xuất đến phân phối, tức không có trung gian. Các nhà bán lẻ Thái, Nhật vào VN đang áp dụng lý thuyết đó. Hệ thống phân phối VN nếu không áp cách làm này rất khó cạnh tranh”. Ngoài việc giảm chi phí lưu thông, chi phí đầu vào của sản phẩm, theo ông Phú, thuế giá trị gia tăng hàng hoá cũng phải được giảm theo từ 10% xuống 5% hàng Việt mới cạnh tranh được. “Thuế giá trị gia tăng ở Nhật tăng từ 5% lên 7% đang khiến nhiều nhà nông Nhật phản đối gay gắt, chúng ta 10% rất khó cạnh tranh”, ông Phú cho biết.
Hằng Nga