Thời của Đảng Cộng hoà
Ngày 3-1 (giờ Mỹ), phiên họp đầu tiên của Quốc hội Mỹ khóa 115 khai mạc, đánh dấu thời khắc lần đầu tiên sau gần 10 năm, Đảng Cộng hoà chiếm ưu thế ở cả hai nhánh lập pháp (lưỡng viện quốc hội) và hành pháp (tổng thống Mỹ).
Thời của Đảng Cộng hoà
Ngày 3-1 (giờ Mỹ), phiên họp đầu tiên của Quốc hội Mỹ khóa 115 khai mạc, đánh dấu thời khắc lần đầu tiên sau gần 10 năm, Đảng Cộng hoà chiếm ưu thế ở cả hai nhánh lập pháp (lưỡng viện quốc hội) và hành pháp (tổng thống Mỹ).
Các hạ nghị sĩ tuyên thệ trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội Mỹ khóa 115 – Ảnh: Reuters |
Giới chuyên gia dự đoán khả năng nhánh tư pháp cũng sẽ chịu ảnh hưởng không ít, bởi Toà án tối cao Mỹ vẫn còn trống một ghế thẩm phán và vị trí này sẽ do đích thân tổng thống bổ nhiệm, Thượng viện phê chuẩn.
Thuận lợi cho tân tổng thống
Với 239 phiếu thuận và 189 phiếu chống, hạ nghị sĩ Paul Ryan tái đắc cử chủ tịch Hạ viện Mỹ trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội Mỹ khoá mới. Mặc dù là người từng phản ứng gay gắt với ông Trump, thái độ của chủ tịch Hạ viện Mỹ đã thay đổi kể từ sau khi vị tỉ phú New York giành chiến thắng trước đối thủ từ Đảng Dân chủ.
Tạm thời, chủ tịch Thượng viện Mỹ vẫn là Phó tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden của Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, sau ngày 20-1, tức thời điểm ông Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống, người ngồi vào chiếc ghế này sẽ là phó tổng thống đắc cử Mike Pence – một người cũng thuộc Đảng Cộng hoà. Đây là quy định của Hiến pháp Mỹ.
Như vậy, nếu không có gì trục trặc, sau ngày 20-1, với ưu thế 241/435 ghế tại Hạ viện và 52/100 ghế tại Thượng viện, Đảng Cộng hoà sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoạch định chính sách của Mỹ, ít nhất là trong vòng 4 năm tới. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để ông Trump có thể thực hiện được các chính sách đã cam kết trước đó trong thời gian tranh cử.
Đó là còn chưa kể đến chuyện bổ nhiệm thẩm phán thứ 9 của Toà án tối cao Mỹ sẽ dễ dàng hơn đối với ông Trump mặc dù bây giờ trong số danh sách 21 ứng viên, người ta vẫn chưa biết ông sẽ chọn ai. Thêm vào đó, việc phê chuẩn các vị trí quan trọng trong nội các mà ông đã đề cử trước đó như ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng an ninh nội địa… sẽ không gặp mấy khó khăn.
Khó khăn cho Đảng Dân chủ
Hiến pháp Mỹ quy định tổng thống “sẽ bổ nhiệm… thẩm phán Toà án tối cao”, cùng với “các đại sứ, bộ trưởng và lãnh sự… cũng như tất cả các viên chức khác của Hoa Kỳ” dưới “sự tham vấn và chấp thuận của Thượng viện”.
Không thể phủ nhận quá trình kép này đã phản ánh chiến lược của các nhà lập quốc Mỹ nhằm không để quyền lực tuyệt đối nằm trong tay một nhánh nào của mô hình tam quyền phân lập. Các ứng viên chỉ cần đạt được tối thiểu 51 phiếu tại Thượng viện để được chấp nhận. Trên thực tế, với 52 ghế tại Thượng viện, điều mà những nhà lập quốc Mỹ mong muốn lần này sẽ bị Đảng Cộng hoà lướt qua một cách dễ dàng.
Mới đây, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer khẳng định các nghị sĩ Dân chủ sẽ không để yên nếu tổng thống đắc cử Trump chọn một thẩm phán không đủ tư cách. Tuy nhiên, khả năng Đảng Dân chủ có thể lật ngược tình thế là rất ít. Vẫn chưa rõ chiến thuật của Đảng Dân chủ để phản đối lại các dự luật mới và bảo vệ các di sản của thời Obama là gì, nhưng có thể thấy 4 năm sắp tới sẽ là quãng thời gian khó khăn thật sự đối với Đảng Dân chủ.
Tổng thống đắc cử Donald Trump “ra uy” Chiều 3-1 (giờ Mỹ), các hạ nghị sĩ Cộng hoà đã họp kín, bỏ phiếu thu hẹp quyền hạn của Văn phòng Đạo đức (OCE). Đây là một cơ quan độc lập, phi đảng phái và có quyền tiến hành điều tra độc lập các cáo buộc nhắm vào các hạ nghị sĩ Mỹ. Phản ứng trước hành động trên, dù luôn chỉ trích “sự tha hóa” của tầng lớp tinh hoa Mỹ, tổng thống đắc cử Donald Trump nhấn mạnh Quốc hội còn nhiều việc phải làm và vấn đề của OCE không nên là ưu tiên số 1 trong lúc này. “Hãy tập trung vào việc cải cách thuế, chăm sóc sức khoẻ và nhiều chuyện khác quan trọng hơn” – ông Trump viết. Ngay sau đó, phe Cộng hoà tại Hạ viện đã phải hoãn lại việc bỏ phiếu nhắm vào OCE. |
Bảo vệ Obamacare Là tâm huyết của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama, Đạo luật bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khoẻ hợp túi tiền (Obamacare) đang đứng trước nguy cơ bị bãi bỏ dưới thời phe Cộng hoà chiếm đa số lưỡng viện. Trên thực tế, điều đó đã được manh nha trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội Mỹ khoá 115 khi các nghị sĩ Cộng hoà trình các dự luật bãi bỏ đạo luật này. Dự kiến Tổng thống Obama sẽ có cuộc gặp với các nghị sĩ Dân chủ vào ngày 4-1 (giờ Mỹ) để thảo luận chiến thuật bảo vệ di sản của ông và Đảng Dân chủ, theo Reuters. |