09/01/2025

Nghi án Nixon phá hoại nỗ lực hoà bình cho Việt Nam: Hồ sơ X

Cho đến cuối đời, Nixon vẫn một mực khẳng định ông không hề liên quan đến nỗ lực phá hoại cuộc hoà đàm Paris.

 

Nghi án Nixon phá hoại nỗ lực hoà bình cho Việt Nam: Hồ sơ X

Cho đến cuối đời, Nixon vẫn một mực khẳng định ông không hề liên quan đến nỗ lực phá hoại cuộc hoà đàm Paris.




 

Chiến thắng của Nixon được đánh đổi bằng nhiều sinh mạngESQUIRE

Tháng 6.1973, Walt W.Rostow, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Lyndon Johnson, gửi toàn bộ hồ sơ vụ “đi đêm” giữa Richard Nixon với chính quyền Sài Gòn cho thư viện Lyndon Baines Johnson với ghi chú chỉ mở ra “sau 50 năm”. Tuy nhiên những người thủ thư chỉ đợi được 21 năm. Ngày 22.7.1994, 3 tháng sau khi Nixon qua đời, họ mở niêm phong “Phong bì X” và bắt đầu quá trình xử lý để giải mật.
Vụ bưng bít
Những thông tin giải mật rải rác trong nhiều năm từ “Phong bì X” cùng với các đoạn băng ghi âm của Johnson được công bố năm 2013 đã hé lộ lý do nghi án phản quốc của Nixon được giữ kín. Có hai lý do chính yếu thúc đẩy Johnson và các cố vấn phải im lặng.
Đầu tiên, tuy buộc tội Nixon phản quốc trong các cuộc điện đàm cá nhân, nhưng Tổng thống Johnson cảm thấy không đủ tự tin nếu công khai nghi án này. Nixon đã sử dụng hai “cầu chì” là thông qua các phụ tá, chủ yếu là trưởng ban vận động tranh cử John Mitchell, rồi mới đến bà Anna Chennault để truyền thông điệp cho Đại sứ Việt Nam Cộng hòa Bùi Diễm.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) chỉ có bằng chứng trao đổi giữa bà Chennault với ông Bùi Diễm chứ không thể lần lên phía trên. Thậm chí, nếu có thể lần được đến Mitchell, Nixon vẫn có thể tuyên bố đó chỉ là những hành động tự phát của các phụ tá, chứ không xuất phát từ chỉ đạo của ông. Không thể xác định dứt khoát được nhân vật “sếp của tôi” mà bà Chennault đề cập với đại sứ Việt Nam Cộng hoà là ai. Cả máy nghe lén được Cục Tình báo trung ương (CIA) cài tại Dinh Độc Lập và thông tin Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) lấy được từ việc theo dõi liên lạc giữa Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa với Sài Gòn đều không cung cấp bằng chứng về sự dính líu của Nixon.
Lý do thứ hai là những thông tin về bà Chennault được chính quyền của đảng Dân chủ thu thập thông qua phương thức trái phép, bằng việc nghe lén đại sứ quán một nước đồng minh và giám sát một công dân Mỹ là nhân vật có ảnh hưởng thuộc đảng Cộng hòa đối thủ. Tiết lộ nguồn thông tin này sẽ khiến chính quyền Johnson gặp khó xử, vì xét về bản chất, nó chẳng khác mấy so với vụ Watergate xảy ra vài năm sau đó. Đồng thời họ cũng lo ngại những hậu hoạ khôn lường đối với xã hội Mỹ nếu thông tin chấn động trên được tiết lộ.
Chính vì vậy, với những thông tin có được, Johnson chỉ có thể bóng gió để đe doạ Nixon ngừng phá đám nỗ lực hoà bình. Nhưng ứng cử viên đảng Cộng hoà này luôn bác bỏ sự dính líu của mình. Trong cuộc điện đàm với Johnson ngày 3.11.1968, Nixon tuyên bố: “Chúa ơi, tôi chưa từng làm điều gì để khuyến khích họ (Việt Nam Cộng hoà) không ngồi vào bàn đàm phán”. Nhiều tháng sau, tờ Sunday Times ở Anh tiết lộ Nixon và bạn bè của ông đã cười rú lên sau khi gác máy.
Mảnh ghép còn thiếu
Sau cuộc bầu cử, có vài tờ báo “đánh hơi” được những gì xảy ra. Ngày 15.11, tờ The Chicago Daily News giật tít: “Sài Gòn khoe khoang: Chúng tôi giúp Nixon đắc cử” và dẫn lời các viên tướng giấu tên bày tỏ sự hân hoan trước chiến thắng của phe Cộng hoà, nhưng không đề cập đến mối liên hệ Nixon – Chennault. Hai ngày sau, tờ The Washington Post đề cập thoáng qua việc Đại sứ Bùi Diễm bí mật liên hệ với Nixon. Đầu tháng 1.1969, nhà báo Tom Ottenad của tờ St.Louis Post – Dispatch đến gần hơn với sự thật qua bài báo Có phải Sài Gòn trì hoãn h đàm vì lời hứa của đảng Cộng h?, trong đó mô tả chi tiết về nỗ lực phá hoại. Tuy xác định vai trò của Chennault, nhưng câu hỏi liệu bà này có hành động dưới sự uỷ nhiệm của Nixon hay không vẫn còn để ngỏ. Trong bài báo, Chennault từ chối bình luận, còn các cố vấn giấu tên của Nixon thì cực lực phủ nhận.
Không chỉ quanh co với Johnson, cho đến tận những ngày cuối đời, Nixon luôn bác bỏ sự liên quan của mình khi trả lời giới sử gia cũng như nhà báo, kể cả David Frost, người thực hiện các cuộc phỏng vấn nổi tiếng với cựu tổng thống vào năm 1977. Do vậy, câu chuyện chấn động này vẫn nằm sau một bức màn sương mờ ảo trong nhiều thập niên, thỉnh thoảng được xới lại trong hồi ký của các nhân vật có liên quan đến cuộc bầu cử năm đó.
Đến năm 1980, trong cuốn hồi ký của mình, Chennault mới thuật lại cuộc gặp giữa bà, Nixon và Bùi Diễm tại New York vào tháng 7.1968. Lời kể của Chennault được bổ trợ bởi câu chuyện của ông Bùi Diễm trong cuốn hồi ký Gọng kìm lịch sử xuất bản năm 1987. Chennault cho biết bà hành động nhân danh Nixon và thường xuyên nhận thông điệp từ Mitchell, người sau này trở thành bộ trưởng tư pháp.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là những lời từ một phía. Mảnh ghép quan trọng nhất về sự chỉ đạo của Nixon trong câu chuyện lịch sử này vẫn còn thiếu. Câu hỏi muôn thuở “bằng chứng đâu?” chỉ được giải đáp trong những ngày đầu tiên của năm 2017, tức hơn 48 năm sau, khi nước Mỹ một lần nữa trải qua kỳ chuyển giao quyền lực đầy tranh cãi.
(Còn tiếp)
Quả báo
Như một sự trả báo, nỗi ám ảnh của Nixon về “Phong bì X” một cách gián tiếp đã góp phần kết thúc sự nghiệp chính trị của ông trong vụ Watergate. Sau khi nhậm chức, Nixon đã chỉ thị cho các phụ tá thân tín bằng mọi giá phải truy tìm hồ sơ về “vụ ngừng ném bom” của Johnson. Trong một cuộc họp vào ngày 17.6.1971, Nixon yêu cầu đột nhập vào Viện Brookings sau khi nhận được báo cáo sai rằng hồ sơ nằm tại đây.
“Đột nhập vào trong và lấy hồ sơ, cho nổ tung két sắt và lấy chúng”, Nixon nói, theo một đoạn ghi âm được giải mật. Mệnh lệnh của Nixon khiến những người như cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger ngạc nhiên. Ông hỏi: “Nhưng hồ sơ về ngừng ném bom có ích gì đối với ngài?”. Đáp lại, Nixon chỉ lấp liếm là nó có thể giúp bắt chẹt Johnson. Điều Kissinger không biết là hồ sơ về “vụ ngừng ném bom” chính là “Phong bì X” và Nixon lo ngại người tiền nhiệm nắm trong tay bằng chứng về nỗ lực phá hoại hoà đàm của ông (thực tế hồ sơ được Johnson chỉ thị cho Rostow cất giữ và cũng không chứa bằng chứng thuyết phục về sự dính líu của Nixon).
Theo tác giả Ken Hughes trong cuốn sách xuất bản năm 2014 có tên Chasing Shadows: The Nixon Tapes, the Chennault Affair, and the Origins of Watergate (tạm dịch: Đuổi theo những chiếc bóng: Băng ghi âm của Nixon, vụ Chennault và nguồn gốc vụ Watergate), “Phong bì X” là một trong những lý do khiến Nixon đi đến quyết định tai hại là lập Đơn vị điều tra đặc biệt, một nhóm cảnh sát chìm của Nhà Trắng được biết đến nhiều hơn với biệt danh “Thợ hàn”, vì nhiệm vụ của họ là ngăn chặn những vụ rò rỉ tài liệu.
Đúng một năm sau ngày Nixon ra lệnh đột nhập vào Viện Brookings, một vụ “nhập nha” khác diễn ra tại trụ sở Uỷ ban Toàn quốc đảng Dân chủ ở khách sạn Watergate. Năm người đàn ông bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 17.6.1972 và những gì xảy ra kế đó đã là một phần của lịch sử.

 

Công Chính