09/01/2025

Đòn thù và nạn khủng bố

Cả châu Âu, tính cả “ứng viên EU” Thổ Nhĩ Kỳ, đang căng mình ra phòng chống khủng bố.

 

Đòn thù và nạn khủng bố

 Cả châu Âu, tính cả “ứng viên EU” Thổ Nhĩ Kỳ, đang căng mình ra phòng chống khủng bố.

 

 

 

Đòn thù và nạn khủng bố
Chân dung doanh nhân, nhà sản xuất phim người Ấn Độ Abis Rizvi, một trong 39 người thiệt mạng trong vụ tấn công hộp đêm tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 1-1-2017 – Ảnh: AFP

Tối 2-1, chợ Giáng sinh 2016 trên đại lộ Champs Elysées của thủ đô Paris đã đóng cửa sớm, thay vì chủ nhật 8-1! Các năm trước, có năm số khách lên đến 15 triệu lượt, khung cảnh chợ thanh bình thật đúng với ý nghĩa của lễ Giáng sinh.

Năm nay thì khác, dọc suốt đại lộ rực rỡ này chính quyền Paris đã chất 60 tảng bêtông nặng 1,5 tấn/tảng, thừa sức cản bất cứ chiếc xe container nào. Các thảm kịch ở Nice hay ở Berlin mới đây đã buộc Nhà nước Pháp phải tăng cường bảo vệ an ninh cũng như gia hạn tình trạng khẩn cấp cho đến sau bầu cử.

Một lệnh kéo dài thiết quân luật cũng được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra sau vụ khủng bố đêm giao thừa khiến 39 người chết, 69 người bị thương. Phó thủ tướng Numan Kurtulmus nhận định có thể đây là hậu quả của việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chống khủng bố ở Syria. Câu hỏi đặt ra là: từ lúc nào Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt chống khủng bố ở Syria?

Trước âm mưu đảo chính ngày 15-7-2016, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia liên quân chống khủng bố ở Syria do Mỹ lãnh đạo song chỉ chống “có chừng mực”, thậm chí bị chính Tổng thống Nga Putin tố là “đồng lõa với khủng bố” sau vụ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga vào tháng 11-2015, là làm ăn buôn bán với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)…

Kể từ sau âm mưu đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ không những nối lại quan hệ với Nga, vốn đã trở nên vô cùng căng thẳng sau vụ máy bay Nga bị bắn hạ, mà nay còn đứng chung liên minh với Nga trong một Syria không còn chỗ cho Mỹ – đồng minh cũ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu cáo buộc của ông Putin vào tháng 11-2015 rằng Thổ Nhĩ Kỳ là “đồng loã của khủng bố” là chính xác, thì có thể hiểu vụ khủng bố ngày đầu năm 2017 là một đòn thù của các phe khủng bố đó nhắm vào hành động “trở cờ” của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Không chỉ “trở cờ” với các nhóm khủng bố mà còn “trở cờ” với các “đồng minh” cũ, đến nỗi số người bị nghi theo “phe đảo chính” bị khởi tố lên đến 103.850 người, trong đó 41.326 người bị tù giam, 35.495 người được thả ra song bị quản chế, 10.265 người được trả tự do, chỉ một số ít sĩ quan cao cấp thoát được sang Mỹ!

Hôm 2-1-2017, tư lệnh hiến binh Thổ Nhĩ Kỳ công bố một báo cáo cho biết Mỹ, Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và tổ chức khủng bố Fetullah đang hợp tác chống Thổ Nhĩ Kỳ. Thành ra, các vụ khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ từ sau vụ đảo chính hụt có thể là do những ân oán này, có nguồn gốc “ngược chiều” với tình hình trước vụ đảo chính hụt!

Cũng có thể ngờ rằng Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay trong khi liên minh với Nga chống một số nhóm khủng bố Hồi giáo nào đó đã gây thù chuốc oán với các nhóm khủng bố Hồi giáo vốn hoạt động trong các nước thuộc Liên Xô cũ như Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, mà theo Thông tấn xã Kurdestan, có đến 80% nhóm IS ở Syria bao gồm cư dân vùng bắc Caucasus và Trung Volga. Thành ra, đánh phá chống Thổ cũng là chống Nga!

Đòn thù cũng có thể là giữa các thế lực lớn nhỏ với nhau, như vụ ám sát đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ, vụ khủng bố chợ Giáng sinh ở Berlin, các vụ máy bay rơi “qua, lại” mà thoạt đầu loại bỏ lý do khủng bố, sau đó lại không loại trừ lý do này…

Trong cuộc đối đầu nạn khủng bố đó, không gian Schengen “tự do đi lại” không hề bị xét căn cước mà khối EU vẫn đang tôn trọng nguyên tắc, chính là mảnh đất màu mỡ cho mọi thứ đòn thù, và EU vốn không theo chế độ “cảnh sát trị” có bị thương tổn hơn cũng là dễ hiểu.

Đòn thù, nay là động cơ của khủng bố IS ở Pháp, được chính thức công bố trong bài hát Mối thù của tôi mà tổ chức IS đưa lên trên mạng Al-Hayat từ hôm 5-7 năm ngoái, qua đó tôn vinh các cuộc tấn công tháng 11-2015 ở Paris và tháng 3-2016 ở Bỉ. IS coi đó là những đòn “trừng phạt chống lại phương Tây”…

DANH ĐỨC